Biên độ lãi ròng dự kiến phục hồi trong quý IV
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam VIB) vừa tổ chức buổi trao đổi trực tuyến với các nhà đầu tư, chuyên gia tài chính nhằm về kết quả kinh doanh quý III và chiến lược hoạt động cho quý IV.
Nội dung buổi trao đổi xoay quanh 3 chủ đề. Một là, kết quả kinh doanh của VIB trong quý III do ông Hoàng Linh - Phó Giám đốc Tài chính chia sẻ. Hai là phần trình bày của ông Hà Hoàng Dũng - Giám đốc Khối quản trị rủi ro và Tuân thủ về Phục hồi qua làn sóng Covid-19 thứ 4. Cuối cùng, bà Trần Thu Hương - Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ sẽ chia sẻ nội dung Cơ hội tăng trưởng bứt phá trong tương lai.
Sau 9 tháng năm 2021, VIB tăng trưởng 33%, vượt 5.300 tỷ đồng với động lực đến từ các nguồn thu nhập bền vững. Lợi nhuận trên vốn sở hữu (ROE) đạt 29,3%.
Những hoạt động hỗ trợ khách hàng vượt qua thách thức của dịch bệnh như giảm lãi suất đối với khoản vay mới và khoản vay hiện hữu, miễn/giảm các loại phí giao dịch, cơ cấu lại thời gian trả nợ để cùng khách hàng vượt qua các ảnh hưởng của dịch bệnh, phần nào phản ánh vào thu nhập lãi thuần (NII) và biên độ lãi ròng (NIM) quý III , khi các chỉ số này giảm nhẹ so với quý II.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Linh - Phó Giám đốc Tài chính VIB, NII và NIM của VIB, dự kiến tăng trưởng mạnh trong quý IV, khi phần lớn khách hàng được cơ cấu nợ có kế hoạch hoàn trả sớm hơn so với phương án hỗ trợ.
"Các khoản vay hợp vốn trên thị trường quốc tế với giá trị lớn, lãi suất và kỳ hạn hấp dẫn sẽ là nguồn lực quan trọng giúp VIB sẵn sàng hỗ trợ mở rộng tín dụng phục vụ nhu cầu khách hàng và tối ưu hóa biên lợi nhuận trong giai đoạn tăng trưởng tiềm năng", ông Linh cho biết thêm.
Các đại diện VIB chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: VIB) |
Bước qua làn sóng Covid-19 lần thứ 4 với những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, các nhà đầu tư và phân tích quan tâm và đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chất lượng danh mục tài sản của VIB.
Về vấn đề này, ông Hà Hoàng Dũng - Giám đốc Quản trị rủi ro và Tuân thủ VIB cho biết, với khẩu vị rủi ro thận trọng, ngân hàng luôn cân bằng giữa yếu tố tăng trưởng và chất lượng danh mục, đảm bảo chất lượng tín dụng từ đầu nguồn. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của ngân hàng trong quý III ở mức 1,57% tăng nhẹ so với quý II, nhưng vẫn thấp hơn mức 1,76% cùng kỳ năm trước.
"Kết quả này là nhờ danh mục tập trung đến 90% vào bán lẻ, giúp rủi ro được phân tán, trong đó tỷ trọng danh mục có tài sản đảm bảo lên đến gần 95%. Danh mục của VIB không bị ảnh hưởng nặng bởi các ngành chịu tác động nặng nề từ covid như hàng không, bất động sản dự án", ông Dũng giải thích.
Lợi thế số hóa giúp tăng trưởng
Chia sẻ về bí quyết tăng trưởng trong giai đoạn giãn cách, bà Trần Thu Hương - Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối ngân hàng Bán lẻ của VIB, cho biết, lợi thế đến từ việc tích cực số hóa sản phẩm dịch vụ và áp dụng các công nghệ mới.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) |
Hiện, người dùng có thể giao dịch trực tuyến với VIB từ bất cứ đâu để mở thẻ, mở tài khoản, gửi tiết kiệm hay thực hiện các khoản vay. Vượt qua đại dịch, cho vay mua, sửa chữa nhà và cho vay mua ô tô của ngân hàng duy trì đà tăng trưởng ổn định. CASA (tiền gửi không kỳ hạn) ghi nhận mức tăng trưởng gần 20% trong quý III. Trong đó, tỷ trọng đóng góp của kênh số trong tăng trưởng CASA tăng mạnh qua từng quý.
Với thẻ tín dụng, VIB áp dụng công nghệ Big Data, AI để số hóa dịch vụ thẻ, tối đa hóa lợi ích, tính năng đáp ứng nhu cầu người dùng. Trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ đăng ký thẻ tín dụng thông qua kênh trực tuyến tăng từ 9% quý I/2020 lên 48% quý II và đạt 55% trong quý III. Tăng trưởng chi tiêu trên thẻ VIB và tăng trưởng số lượt chi tiêu trên thẻ VIB gấp lần lượt 3 và 5 lần mức bình quân chung thị trường.
Bà Hương cho biết, tổng chi tiêu qua thẻ tín dụng của ngân hàng này trong tháng 10 đạt kỷ lục trong 25 năm hoạt động của VIB, chiếm gần 30% tổng chi tiêu qua thẻ Mastercard của toàn thị trường trong quý III/2021. Chỉ số về thẻ tín dụng của VIB đều tăng trưởng gấp 3-4, thậm chí 9-15 lần trung bình thị trường, như số lượng giao dịch, giá trị giao dịch trực tuyến, tỷ lệ thẻ kích hoạt, chi tiêu trong nước, chi tiêu tại nước ngoài...
"Đây là những con số đáng mơ ước của bất kỳ mảng kinh doanh thẻ nào tại thị trường, và một lần nữa chứng minh sự đầu tư bài bản, chiến lược của VIB cho các dự án công nghệ, số hóa và trải nghiệm khách hàng", bà Hương nhấn mạnh.
VIB cũng đẩy mạnh số hóa quy trình bán bảo hiểm qua ngân hàng, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận với các giải pháp bảo vệ tài chính, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thị phần bán bảo hiểm của VIB tiếp tục tăng trưởng trong 3 tháng qua bất chấp những khó khăn do đợt giãn cách kéo dài, cao hơn quý I và II.
Về các cơ hội cho sự tăng trưởng trong thời gian tới, bà Trần Thu Hương cho biết, ngân hàng bán lẻ vẫn sẽ là động lực chính cho hoạt động kinh doanh của VIB và là đóng góp then chốt của VIB cho thị trường tài chính Việt Nam.
"Chúng tôi đã vượt qua những thách thức từ đại dịch và đã có chiến lược tận dụng các cơ hội từ điều kiện bình thường mới để tạo bứt phá tăng trưởng ngay trong quý IV này, với lợi nhuận dự kiến quý IV của ngân hàng sẽ đạt mức vô cùng ấn tượng. Mục tiêu của chúng tôi tiếp tục là ngân hàng bán lẻ hàng đầu về quy mô và chất lượng, tiếp tục nằm trong top các ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam", đại diện VIB nhấn mạnh.