Ngành ẩm thực châu Á tìm cách thích nghi giữa đại dịch Covid-19
Giữa đại dịch Covid-19, thức ăn chuẩn bị được giao tới tận tay khách hàng tại Singapore (Ảnh: AFP)
Bài liên quan
Đại dịch Covid-19: Có thể kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội đến năm 2022
Sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc đang là "cỗ máy in tiền"
Dịch vụ giúp đi chợ đắt hàng trong mùa dịch Covid-19
Phương pháp chống dịch khác lạ của Thuỵ Điển
Theo South China Morning Post, làn sóng giao đồ ăn đang bùng lên ở nhiều quốc gia châu Á. Nó là giải pháp cho những người ở trong nhà hằng tuần liền theo chính sách giãn cách xã hội để ngăn dịch bệnh lan rộng. Điều này đã mở ra cơ hội cho những chủ nhà hàng để có thể tiếp tục kinh doanh...
Tại đảo quốc Sư tử, Melvin Chew - một người bán thịt vịt và lợn om, là minh chứng cho sự thành công của trang mạng anh tạo ra với mục đích hỗ trợ những người bán hàng, đặc biệt là bán đồ ăn.
Trang “Bán hàng rong đoàn kết - Dabao 2020” của anh Melvin Chew đã nhận được 230.000 lượt theo dõi kể từ khi thành lập vào ngày 3/4. Trang này được lập chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố phong tỏa một phần quốc gia để ngăn chặn SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 lây lan.
Trang Facebook này giúp những người bán hàng rong có cơ hội quảng bá sản phẩm đến khách hàng qua dịch vụ giao hàng tận nhà. Điều này đặc biệt hữu ích với những người bán hàng rong không tham gia ứng dụng giao thức ăn.
Các nhân viên giao hàng tự do cung cấp dịch vụ với phí rẻ hơn nhiều so với các ứng dụng giao hàng như GrabFood, Deliveryoo và Foodpanda. Hiện tại, người Singapore giao hầu như mọi thứ từ thực phẩm cao cấp đến các món truyền thống bán tại khu phố Hoa.
Ông Chew (42 tuổi), chủ quầy đồ ăn ở trung tâm hàng rong tại khu phố người Hoa tại Singapore, cho biết: “Tôi cho rằng người Singapore muốn bảo vệ người bán hàng rong. Với khách hàng quen, người bán hàng rong như những người thân trong gia đình. Dù giàu hay nghèo, bạn vẫn đến nơi tập trung nhiều hàng rong để thưởng thức đồ ăn”.
Chuyên gia nghiên cứu về lợi nhuận ngành thực phẩm và đồ uống Benjamin Yang nhận định cuộc cách mạng số hóa của các trung tâm hàng rong tại đảo quốc Sư tử là một tia sáng giữa bầu không khí ảm đạm mà Singapore đang trải qua vì dịch Covid-19.
Những ý tưởng như thế không chỉ giới hạn trong phạm vi Singapore. Cách Bangkok (Thái Lan) 1.800km, ông Peangploy Jitpiyatham, chủ một khách sạn nhỏ đã biến cơ ngơi kinh doanh đang ảm đạm trong mùa dịch của mình thành điểm vận chuyển thức ăn với ứng dụng có tên “Locall”. Khách hàng sử dụng “Locall” có thể gọi món từ 30 nhà hàng, bao gồm cả bếp ăn khách sạn nhỏ của ông.
Nhiều nơi khác tại Thái Lan, một số người đã tạm thời gác lại ngành nghề chính do áp lực từ dịch Covid-19 và chuyển sang bán hàng.
Sasimon Chamnansarn là tiếp viên hàng không tại Bangkok, bắt đầu bán thịt lợn tẩm ướp và phơi khô cho bạn bè. Cô khá ngạc nhiên với nhu cầu tăng vượt trội.
Cô Sasimon Chamnansarn chia sẻ: “Khi quay trở lại làm tiếp viên hàng không, tôi vẫn duy trì kinh doanh món ăn này. Tôi đã liên hệ với một nhà máy ở quê mình để hỗ trợ sản xuất và đóng gói. Không có gì là chắc chắn cả, tôi luôn sẵn sàng cho thay đổi. Không thể ngờ rồi cũng có ngày phi công hay tiếp viên hàng không nhận ra công việc của họ không ổn định”.
Tại Malaysia, một cuộc cách mạng thực phẩm khác đang diễn ra. Trên mạng xã hội ở quốc gia này, nhiều người sử dụng đã đăng thông tin về “trao đổi thức ăn”. Theo đó, người giao hàng sẽ chuyển đến các gia đình những món ăn nhà nấu.
Anh Yudistra Darma Dorai, một luật sư tại Kuala Lumpur, cho biết thực phẩm đã trở thành hình thức liên lạc mới trong thời gian phong tỏa tại Malaysia. Luật sư này cho biết, bạn bè và người thân đã gửi thức ăn nấu sẵn khi biết anh đang phải cách ly tại nhà cùng người mẹ có tuổi.
Đầu bếp nổi tiếng tại Malaysia, anh Redzuawan Ismail nhận định khi lệnh phong tỏa được dỡ, người dân sẽ hình thành thói quen ăn uống mới, ưa chuộng những món ăn kiểu nhà làm và ăn uống tại nhà. “Nhiều người lại quen với việc ăn uống ở nhà cùng gia đình vì thấy thấy thoải mái. Hình thức giao thức ăn sẽ phổ biến hơn”.