Ngành BHXH Hà Nội triển khai linh hoạt các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Hoàn thành nhiều chỉ tiêu, kế hoạch
Báo cáo của ngành BHXH thành phố Hà Nội cho thấy, trong năm 2021, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91,8% dân số, vượt 0,3% so với chỉ tiêu HĐND, UBND Thành phố giao năm 2021 là 91,5%.
Số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) 7.482.132 người, tăng 243.038 người (tăng 3,36%) so với năm 2020, đạt 100,9% kế hoạch. Số người tham gia BHXH bắt buộc là 1.863.073 người, tăng 65.736 người (tăng 3,66%) so với năm 2020, đạt 100,07% kế hoạch.
Về số người tham gia BH thất nghiệp, năm 2021 có 1.798.166 người, tăng 65.388 người (tăng 3,77%) so với năm 2020, đạt 100,07% kế hoạch. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 63.304 người, tăng 14.630 người (tăng 30,06%) so với năm 2020, đạt 100,21% kế hoạch.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành BHXH |
Trong năm, ngành BHXH Hà Nội đã khai thác, phát triển mới được 6.220 đơn vị với 26.268 lao động. Số đơn vị tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 95.980 đơn vị với 1.850.006 lao động.
Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN trong năm 2021 là 49.123,7 tỷ đồng, tăng 1.889,5 tỷ đồng (tăng 4%) so với năm 2020, đạt 100,3% kế hoạch giao.
Toàn thành phố có 48.146 đơn vị nợ (521.696 lao động) với tổng số tiền nợ BHXH, BHYT là 3.858,6 tỷ đồng, tỷ lệ nợ là 7,28%; Số tiền nợ phải tính lãi là 1.607,4 tỷ đồng, tỷ lệ số tiền nợ phải tính lãi là 3,03%.
Để hoàn thành chỉ tiêu giảm nợ, ngay từ đầu năm, BHXH thành phố đã chủ động tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ BHXH, thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp giảm tỷ lệ nợ BHXH, BHYT trên địa bàn.
Đặc biệt, trong năm 2021, ngành BHXH thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Về thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, ngành đã gửi thông báo cho các đơn vị, doanh nghiệp tạm tính số tiền hỗ trợ giảm mức đóng quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp 12 tháng (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) đối với 87.516 doanh nghiệp tương ứng 1.447.150 lao động với số tiền là hơn 643 tỷ đồng, hoàn thành ngày 10/7/2021 (thực hiện giảm theo từng tháng). Đến 31/12/2021, số tiền giảm mức đóng là 293,3 tỷ đồng.
Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với 156 đơn vị tương ứng 12.115 lao động, số tiền 91,8 tỷ đồng. Thực hiện xác nhận các mẫu biểu theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg cho 5.860 đơn vị với 112.164 lao động. Thực hiện xác nhận các mẫu biểu theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND của HĐND Thành phố cho 28 đơn vị với 119 lao động.
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội vinh dự được nhận Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2020 do Chính phủ trao tặng |
Về thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ quỹ BH thất nghiệp, BHXH Hà Nội đã giảm đóng vào quỹ BH thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Theo đó, ngành đã gửi thông báo tới 84.510 đơn vị giảm mức đóng BH thất nghiệp với số tiền giảm 12 tháng là 1.177,6 tỷ đồng, ngày 4/10/2021 hoàn thành (thực hiện giảm theo từng tháng). Đến 31/12/2021, số tiền giảm mức đóng là 310,7 tỷ đồng.
BHXH thành phố đã chủ động rà soát trước dữ liệu người lao động tham gia BH thất nghiệp, phân loại dữ liệu sau đó gửi danh sách danh sách người lao động cho 84.510 đơn vị với 1.366.703 lao động để đơn vị phối hợp rà soát thông tin cá nhân, quá trình tham gia BH thất nghiệp và bổ sung thông tin tài khoản ATM của người lao động và ký chuyển danh sách người lao động đề nghị nhận hỗ trợ qua giao dịch điện tử.
Thời gian giải quyết chính sách hỗ trợ được rút ngắn 50% so với thời gian quy định tại Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và việc chi hỗ trợ người lao động đang tham gia BHTN được thực hiện trên Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đến ngày 31/12/2021, đã chi trả hỗ trợ cho 1.681.651 lao động, số tiền 4.094,81 tỷ đồng. Trong đó, số người lao động dừng tham gia BHTN là 106.862 người, số người lao động đang tham gia BHTN là 1.574.789 người.
Đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh
Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, BHXH thành phố luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của kịp thời của BHXH Việt Nam, của Thành uỷ, UBND thành phố và sự phối hợp hiệu quả của các Sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội cho biết: Trong thời gian tới, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2022. Do đó, toàn thể công chức, viên chức, người lao động BHXH thành phố sẽ đoàn kết, trách nhiệm, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, BHXH thành phố luôn nỗ lực nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động |
Cụ thể, ngành sẽ bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, chủ động phối hợp hiệu quả với các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện linh hoạt các giải pháp, thích ứng với diễn biến, tình hình dịch bệnh để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
BHXH thành phố sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT; Phân công nhiệm vụ cụ thể cho viên chức, người lao động tập trung đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHTN, BHYT ngay từ đầu năm; Thường xuyên rà soát cơ sở dữ liệu người người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Cùng với đó, ngành sẽ nâng cao trách nhiệm, hiệu quả việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT; Giao trách nhiệm cho từng viên chức quản lý công tác giám định và giám định viên trong thực hiện việc giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT, kiểm soát quỹ BHYT và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện; Kiên quyết từ chối thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT bất hợp lý, không đúng quy định...
Đặc biệt, toàn ngành sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, giao dịch hồ sơ điện tử đạt 100%, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH, BHYT; Tích hợp kết nối liên thông để cung cấp và thực hiện các dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành BHXH trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo lộ trình; Đẩy mạnh việc thanh toán các chế độ BHXH, BHTN qua tài khoản cá nhân.
Với những cố gắng, nỗ lực của ngành BHXH thành phố, tin chắc rằng, quyền lợi của người dân và doanh nghiệp luôn được đảm bảo tốt nhất, an sinh xã hội được giữ vững.