Ngành Luật: Nhiều cơ hội việc làm và triển vọng phát triển
Ấn tượng lễ tốt nghiệp của gần 1.500 sinh viên Đại học Luật TP Hồ Chí Minh Nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Luật Năm 2023, điểm xét tuyển ngành Luật Kinh tế giảm |
Nhiều lầm tưởng về ngành Luật
Trước khi chọn cho mình một công việc để theo đuổi thì việc hiểu đúng, hiểu đủ về ngành nghề đó là việc hết sức quan trọng. Tuy nhiên hiện nay, nhiều học sinh thậm chí là sinh viên đại học vẫn chưa hiểu rõ ngành nghề mà mình đang theo học hoặc sẽ lựa chọn trước ngưỡng cửa đại học. Trong đó có chuyên ngành Luật.
Nhiều người nhầm tưởng học luật chỉ để làm luật sư. Ảnh minh hoạ |
Mọi hoạt động của xã hội từ kinh tế, chính trị, giáo dục, sức khỏe… đều được quản lý trong khuôn khổ luật lệ nhất định nên luật được xem là ngành học nền tảng cho các lĩnh vực khác trong đời sống. Điều này đồng nghĩa với việc chọn học ngành Luật sẽ đem lại cho bạn nhiều triển vọng nghề nghiệp.
Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều cách hiểu sai khi học ngành Luật dẫn đến việc nhiều học sinh THPT không dám lựa chọn ngành này để thi và xét tuyển đại học.
Nhầm tưởng kinh điển nhất mà số đông vẫn nghĩ đến khi đề cập tới học Luật để làm luật sư. Tuy nhiên thực tế là, trở thành luật sư chỉ là một trong số vô vàn những con đường mà một sinh viên ngành Luật có thể lựa chọn. Bởi với những kỹ năng chuyên môn được trau dồi trong 4 năm đại học, các sinh viên khi ra trường vẫn có thể trở thành chuyên viên tư vấn pháp lý, pháp chế hoặc công tác trong các cơ quan tư pháp.
Trong khối cơ quan Nhà nước hiện nay, nhiều vị trí đòi hỏi bắt buộc phải do cử nhân ngành Luật đảm nhiệm. Còn khu vực ngoài Nhà nước, hầu như doanh nghiệp nào cũng cần chuyên viên pháp chế, nếu không, họ sẽ phải trả phí theo giờ để được tư vấn các vấn đề liên quan tới quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cử nhân Luật còn đảm nhiệm nhiều vị trí công việc hấp dẫn như: Chuyên viên lập pháp, hành pháp và tư pháp, kiểm sát viên, thừa phát lại, công chứng viên (khi có chứng chỉ hành nghề), hòa giải viên, nghiên cứu và giảng dạy luật, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy về pháp luật tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục.
Hứng thú với ngành Luật Kinh tế, xong Đào Duy Anh ( Thanh Xuân, Hà Nội) lại đắn đo trước thông tin cho rằng, học luật là phải học thuộc các văn bản pháp luật, là phải nói nhiều.
“Theo dõi nhiều vụ việc qua mạng xã hội, qua phim truyền hình, em thấy luật sư phải tranh luận rất nhiều trong phiên toà để bảo vệ thân chủ. Dù rất hứng thú với ngành này, song bản thân em lại không phải là người nói nhiều, chưa kể phải học một khối lượng các văn bản pháp luật lớn, nên em đang còn rất băn khoăn” - Duy Anh chia sẻ.
Nhiều trường đại học tổ chức các hoạt động năng động cho sinh viên Luật như Phiên toà giả định, Đấu trường pháp lý... |
Trong khi đó, Cẩm Tú (Hoài Đức, Hà Nội) thì cho rằng, ngành Luật rất khô khan và cứng nhắc. “ Em từng bị hấp dẫn bởi ngành này khi xem các bộ phim Hàn Quốc nhưng khi tham khảo người thân thì ai cũng cho ý kiến là học ra sẽ rất dễ thất nghiệp, vì vậy, em tạm thời đã chuyển hướng sang ngành học khác”- Cẩm Tú cho biết.
Số trường đào tạo ngành Luật ngày càng tăng
Đối ngược với những nhận thức trên của các em học sinh, hiện nay, ngành Luật đang có sự phát triển và là một ngành được xã hội đặc biệt quan tâm và ưa chuộng.
Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế thị trường và sự phát triển của "làn sóng" start-up, nhu cầu cấp thiết về đội ngũ pháp chế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngày càng tăng cao, thì ngành Luật là một ngành học có nhiều cơ hội việc làm và triển vọng phát triển.
Số lượng các trường tổ chức đào tạo ngành Luật ngày càng tăng. Tại một số trường Đại học hiện các hoạt động học tập năng động cho sinh viên như: Phiên tòa giả định, Rung chuông vàng, Đấu trường pháp lý… Cùng với đó là nhiều chương trình thực tập, thực tế, tiếp cận môi trường làm việc tại tòa án, viện kiểm sát, bộ phận pháp lý doanh nghiệp… sẽ giúp bạn trở nên cứng cáp, tự tin trước thách của doanh nghiệp.
Tại Trường Đại học Thành Đô, một trong những niềm tự hào của sinh viên ngành Luật là đội ngũ giảng viên “cực xịn”. Là những người có vai trò rất quan trọng, dẫn đường, luôn nhận được sự tin tưởng của sinh viên từ kiến thức chuyên môn đến kinh nghiệm sống, khả năng nắm bắt cơ hội nghề nghiệp.
100% Giảng viên cơ hữu của ngành Luật đều đang công tác tại các văn phòng, công ty Luật, vì vậy các thầy cô đều vững về lý luận, có nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn để truyền đạt cho sinh viên.
Khi theo học ngành Luật, sinh viên sẽ được học kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về pháp luật, thực tiễn pháp lý, với cách thức xử lý những vấn đề pháp lý đặt ra trong thực tiễn.
Ngay từ khi vào trường, sinh viên sẽ được tham gia Câu lạc bộ văn hóa Luật giúp bạn có cơ hội giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, tư vấn pháp luật từ chính giảng viên của mình.
Ngày 20/4, Chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành Luật - Kinh tế” do Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với các đơn vị tổ chức tại trường THPT Đồng Quan, huyện Phú Xuyên. Buổi đối thoại sẽ cung cấp cho các học sinh THPT những thông tin hữu ích, thiết thực về các ngành học, tư vấn chọn trường, chọn nghề, cơ hội việc làm cũng như phương thức tuyển sinh ngành Luật ở các trường đại học. Từ tháng 3/2024 tới nay, đã có 3 chương trình tư vấn hướng nghiệp được tổ chức tại các trường: THPT Thường Tín (xã Văn Phú, huyện Thường Tín), THPT Lý Thường Kiệt (phường Thượng Thanh, quận Long Biên). Trong tháng 5/2024, hoạt động tư vấn, định hướng nghề sẽ tiếp tục được Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với các đơn vị tổ chức tại các trường THPT trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
|