Nghệ An: Khi nào chủ trương hỗ trợ ngư dân bám biển được triển khai?
Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng tàu thuyền đánh cá lớn với 3.422 tàu. Nghề đánh bắt cá thu hút khoảng 17.014 lao động trực tiếp trên tàu.
Tuy nhiên, thời gian gần đây do giá xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giá sản phẩm thủy sản khai thác không tăng, cộng với việc thiếu hụt nguồn lao động đã khiến nhiều chủ tàu không dám vươn khơi, một số khác phải bán tàu với giá rẻ.
Nhiều tàu thuyền không ra khơi vì giá xăng dầu tăng cao (Ảnh KL) |
Tại một số cảng cá ở thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu… nhiều tàu thuyền phải nằm bờ dài ngày vì thua lỗ nặng. Bởi việc giá xăng dầu tăng cao đã kéo theo nhiều dịch vụ khác tăng, chi phí trung bình mỗi chuyến ra khơi đánh bắt cá tăng cũng tăng lên hàng chục triệu đồng so với năm 2021.
Ngư dân Nguyễn Văn Linh, trú huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) giải thích: Trong một chuyến đi biển dài ngày, mỗi tàu công suất lớn thường sử dụng hết 8.000 - 12.000 lít dầu, tức là khoảng 200 - 300 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác như ăn uống, đá lạnh…. Trong khi đó, hiện nay các ngư trường đánh bắt đang ngày càng bị thu hẹp, sản lượng đánh bắt sụt giảm. Ngoài ra, ảnh hưởng dịch bệnh cũng khiến hải sản đánh bắt về khó tiêu thụ hơn.
Trước thực trạng trên, Chi cục Thủy sản Nghệ An đã có tờ trình đề nghị hỗ trợ ngư dân, được gửi lên UBND tỉnh xem xét. Được biết, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Sở NNPTNT tỉnh hỗ trợ ngư dân là chủ tàu cá có giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản còn hạn theo quy định, với tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nguyễn Chí Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết đã triển khai chủ trương hỗ trợ ngư dân bám biển tuy nhiên còn phải chờ. Hiện nay đang tiếp tục cũng cố hồ sơ trình HĐND tỉnh để xin phê duyệt. Dự tính, đến phiên họp cuối năm nay của HĐND tỉnh xem xét thông qua thì mới ra quyết định được.
Việc các tàu thuyền không vươn khơi khiến sản lượng đánh bắt thủy hải sản giảm. Điều này không những ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân, mà việc duy trì bảo dưỡng tàu thuyền cũng đang đẩy ngư dân vào thế khó hơn. Các chủ tàu cá, ngư dân đang cần Nhà nước có giải pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể và sớm hơn.