Nghẹn ngào Lễ tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ hy sinh, tử vong do đại dịch Covid-19
Lễ tưởng niệm hơn 23.000 đồng bào tử vong trong đại dịch Covid-19 |
Tại lễ tưởng niệm, ngoài lãnh đạo tỉnh, cán bộ chiến sĩ, ban ngành đoàn thể còn có 48 người dân là thân nhân các gia đình có người mất vì Covid-19 trên toàn địa bàn tỉnh Bình Dương.
Lễ tưởng niệm diễn ra 45p tại trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương |
Chương trình Lễ tưởng niệm diễn ra vào lúc 20 giờ. Dù chỉ tiến hành ngắn gọn trong 45 phút tại trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương nhưng buổi lễ trang nghiêm, xúc động và ý nghĩa. Phút mặc niệm, nghi lễ thắp nến đều diễn ra trong không khí tĩnh lặng, xúc động nghẹn ngào.
Mặc dù nỗi đau vẫn hiện hữu, chưa bao giờ nguôi ngoai nhưng những giọt nước mắt rơi xuống để hi vọng bay lên. Càng thương xót những đồng bào, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch, mỗi người ở lại đều thắp lên trong lòng mình một quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, xây dựng cuộc sống mới bình yên hơn, phồn vinh hơn. Đó là cách tốt nhất để yên lòng người nằm xuống.
Người thân của những người mất vì Covid-19 bật khóc tại lễ tưởng niệm |
Trong khói nhang phảng phất, trong ánh nến bập bùng, người Bình Dương cũng như người dân trên khắp cả nước đều như được liên kết với nhau bằng sợi dây bền chặt của nghĩa đồng bào. Điều đó giúp chúng ta tiếp tục đoàn kết, gắn bó, cùng nhau sớm vượt qua đại dịch này.
Với niềm tiếc thương vô hạn, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương chia sẻ trong diễn văn đọc tại lễ tưởng niệm: “Thay mặt Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương, tôi xin gửi đến các gia đình có người thân không may bị nhiễm bệnh và qua đời trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, lời chia buồn sâu sắc nhất, tận đáy lòng mình, chúng tôi xin chia sẻ những đau thương, mất mát lớn lao không có gì có thể bù đắp được.
Đại dịch Covid-19 được Tổ chức Lao động quốc tế đánh giá là “cuộc khủng hoảng". Cả nước với lòng tương thân, tương ái nhất tề ra quân chống dịch.
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đọc diễn văn đọc tại lễ tưởng niệm |
Tại Bình Dương, cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp, các lực lượng tăng cường cũng như những lực lượng tuyến đầu trong và ngoài tỉnh đã làm tất cả những gì có thể, không kể ngày hay đêm, nỗ lực, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dần dịch bệnh; Đồng thời, chăm lo tốt nhất có thể đối với đời sống, sức khỏe và tính mạng của nhân dân, với phương châm “Tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và quan trọng nhất”.
Mặc dù, cả hệ thống chính trị đã cố gắng dùng tất cả tinh thần, sức lực, tiền của và rất nhiều biện pháp chăm lo cho người dân nhưng do tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, khó kiểm soát và nguy hiểm nên đã cướp đi trên 23.000 mạng sống trong cả nước, riêng tại Bình Dương là trên 2.500 trường hợp.
Những ngọn nến tưởng niệm đồng loạt được thắp lên |
Thật xót xa, do yêu cầu cầu của công tác phòng chống dịch nên khi qua đời các nạn nhân đều rất cô đơn, không có người thân bên cạnh khi trút hơi thở cuối cùng, không thể tổ chức lễ tang để người thân bạn bè thắp nén hương phúng viếng. Hàng trăm trẻ em trong phút chốc bỗng trở thành mồ côi, vợ mất chồng, con cháu mất cha mẹ, ông bà bàng hoàng đau xót.
Hôm nay, chúng ta cùng về đây để dâng lên đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu đã mất trong đại dịch, những nén “tâm” nhang như là lời hứa quyết tâm của những người ở lại…”.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư tỉnh ủy Bình Dương cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND và các ban ngành đoàn thể thắp hương tưởng niệm người mất vì Covid-19 |
Cùng với Lễ tưởng niệm tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, các hoạt động tưởng nhớ người đã khuất cũng được tiến hành tại nhiều địa điểm khác.
Tại Chùa Hội An, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương tổ chức Lễ cầu siêu và thắp 2.600 ngọn nến tưởng niệm, với sự tham gia của 50 tăng ni và 50 Phật tử.
Lễ cầu siêu diễn ra tại chùa Hội An (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một) cũng diễn ra trang nghiêm, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch |
Nhà thờ Thánh Giuse (phường Hòa Phú) tổ chức Lễ cầu nguyện và đổ chuông tưởng niệm, với sự tham gia của các Linh mục, tu sĩ, giáo dân của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Bình Dương.
Tỉnh Bình Dương còn mở các hoạt động như: nhắn tin lễ tưởng niệm qua hệ thống thuê bao di động; thay đổi nội dung quảng cáo trên hệ thống bảng điện tử tại các trục lộ, tuyến đường trong tỉnh sang nội dung lễ tưởng niệm.
Nội dung tin nhắn qua thuê bao di động: "Lãnh đạo tỉnh Bình Dương kêu gọi mọi gia đình trong toàn tỉnh tắt đèn, thắp hương, thắp nến tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19".
Người thân của những người đã mất thắp hơn 2.500 ngọn nến tưởng niệm |
Bên cạnh đó, các hoạt động vui chơi, giải trí tại tỉnh cũng được người dân tạm ngừng trong suốt thời gian diễn ra lễ tưởng niệm.
Tại nơi có nhiều người tử vong vì dịch bệnh Covid-19 ở các huyện, thị, TP trực thuộc tỉnh Bình Dương có thể lựa chọn hình thức phù hợp để hưởng ứng Lễ tưởng niệm, thăm hỏi, động viên thân nhân có người mắc Covid-19 tử vong…