Nghi phạm mắc bệnh tâm thần, sát hại nữ lao công trên đường Cầu Giấy sẽ bị xử lý như thế nào?
Nhanh chóng truy bắt nghi phạm gây án
Ngày 5/4, lãnh đạo Công an quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) cho biết, đơn vị này đang tạm giữ nghi phạm Lê Như Toàn (SN 1991, thường trú tổ 17, phường Trung Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) để điều tra liên quan đến vụ sát hại nữ công nhân môi trường đô thị vào tối 4/4.
Theo công an, vào lúc 21 giờ tối 4/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy nhận được tin báo bà Vũ Thúy H (SN 1978, trú tại phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, nhân viên Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên), đang đẩy xe chở rác trên đường Cầu Giấy, hướng về đường Xuân Thủy thì bất ngờ bị nam thanh niên dùng gạch đập nhiều lần vào đầu khiến bà H tử vong. Sau khi gây án, thanh niên này đã bỏ chạy về hướng đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy).
Liên quan vụ việc nữ lao công bị đánh tử vong, chiều 5/4 Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND thành phố như sau: Giao Công an thành phố khẩn trương điều tra và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật; Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với UBND quận Cầu Giấy và các đơn vị liên quan tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ gia đình nạn nhân. |
Gia đình lo tang lễ cho nữ lao công xấu số |
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Công an quận Cầu Giấy đã phối hợp cùng lực lượng chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, tổ chức các hoạt động điều tra, truy xét theo quy định của pháp luật.
Sau 1 giờ truy xét, lực lượng Công an đã bắt giữ được nghi phạm Lê Như Toàn đang lẩn trốn trong Khu đô thị Làng quốc tế Thăng Long (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy). Qua điều tra, Công an quận Cầu Giấy xác định Lê Như Toàn là đối tượng không nghề nghiệp, bản thân có tiền sử bệnh tâm thần.
Theo điều tra ban đầu, khoảng 20h45 ngày 4/4, Toàn đi bộ trên vỉa hè theo hướng từ đường Cầu Giấy về đường Xuân Thủy. Toàn nhặt 1 viên gạch lát vỉa hè trên đường và tiến về phía sau bà H đang đẩy xe chở rác.
Bất ngờ, Toàn dùng hai tay cầm gạch đập mạnh từ phía sau vào đầu nữ lao công khiến nạn nhân ngã gục xuống đường. Sau đó, Toàn tiếp tục đập liên tiếp vào vùng đầu bà H cho đến khi nạn nhân nằm bất động thì đối tượng bỏ chạy về đường Xuân Thủy.
Khu vực xảy ra vụ việc nữ lao công bị nghi phạm tâm thần đánh tử vong |
Liên quan sự việc, sáng 5/4, rất đông các đồng nghiệp và người thân cùng các đoàn thể đang có mặt để làm các thủ tục hậu sự cho chị Vũ Thị H ở phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm.
Chia sẻ với phóng viên, một đồng nghiệp của nạn nhân cho hay, khi nghe sự việc ai cũng bàng hoàng. Theo người đồng nghiệp này, hằng ngày chị H vẫn thực hiện công việc thu dọn rác trên tuyến Cầu Giấy, tuy đã 44 tuổi nhưng nạn nhân chưa xây dựng gia đình, có lẽ vì cuộc sống khó khăn nên chị H như trụ cột chính.
"Cách đây vài năm, chị gái của H bị tai nạn nên đã tàn tật. Con gái của người chị cũng không được nhanh nhẹn và được chị H hằng ngày cho đi làm cùng với mình và nuôi nấng. Bây giờ dì H mất đi, cháu gái này chưa biết tương lai sẽ ra sao", nữ đồng nghiệp chia sẻ và cho biết, nạn nhân không chỉ nuôi cháu mà còn chăm lo cho bố mẹ già vì các anh, chị, em cũng không khá giả.
Nhiều người hàng xóm đang có mặt chuẩn bị cho lễ tang cũng rất đau xót nhận xét về nạn nhân: "Chị H rất nhanh nhẹn, vui tính và hiền lành. Tất cả mọi công việc ở gia đình chị đều lo toan. Chị mất đi thì cha mẹ già thêm gánh nặng. Ngày nào, chị H cũng đi làm rồi về qua nhà để lo cơm nước cho hai ông bà. Sau sự việc xảy ra, hai bố mẹ chị khóc ngất, cả đêm không ngủ chỉ nhắc đến con, mọi người phải tập trung chăm sóc sức khỏe cho ông bà", một người hàng xóm xót xa nói.
Xử lý nghi phạm mắc bệnh tâm thần thế nào?
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Vụ việc đã gây bàng hoàng và phẫn nộ trong dư luận nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh nghi phạm theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm trao đổi về vụ việc nữ lao công bị đối tượng tâm thần sát hại |
Theo thông tin ban đầu, giữa nghi phạm và nạn nhân không quen biết nhau và không có mâu thuẫn. Nghi phạm có biểu hiện bị bệnh tâm thần nên đã dùng gạch đập nhiều lần vào đầu khiến nạn nhân tử vong. Xét hành vi phạm tội của nghi phạm đã cấu thành tội giết người. Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự.
“Về nguyên tắc, khi xác định vụ án có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Khi có đủ căn cứ xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp tố tụng dưới sự giám sát và phê chuẩn của Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp.
Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ xác định nghi phạm bị bệnh tâm thần hoặc có nghi ngờ về năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì phải ra quyết định trưng cầu giám định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội để có căn cứ xử lý nghi phạm theo quy định của pháp luật”, luật sư Thơm nói.
Cũng theo luật sư Thơm, kết luận giám định của cơ quan chuyên môn sẽ quyết định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của nghi phạm. Kết luận giám định sẽ xảy ra 2 trường hợp:
Thứ nhất, nếu nghi phạm bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của bị can sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt do bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức điều khiển hành vi.
Thứ hai, nếu nghi phạm bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức và năng lực điều khiển hành vi thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can và chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi đã được Viện Kiểm sát Nhân dân ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ vụ án.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 13, Bộ luật Hình sự: “Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác”, nếu có căn cứ xác định nghi phạm bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự tội giết người.
Nghi phạm sát hịa nữ lao công đã bị bắt giữ |
Trả lời câu hỏi, việc gia đình không cho người có bệnh tâm thần đi chữa trị hoặc quản lý chặt chẽ thì có thể qui kết trách nhiệm khi xảy ra vụ việc?
Luật sư Thơm cho biết: Căn cứ Nghị định 64/2011/NĐ-CP ngày 28/11/2011 quy định về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Việc bắt buộc chữa bệnh này chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Sau khi đưa đi chữa bệnh bắt buộc, sức khỏe ổn định sẽ được trở về gia đình (nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự), họ sẽ tạo nên sự bất an đối với cộng đồng, vì không có gì bảo đảm chắc chắn rằng họ sẽ không tiếp tục phạm tội khi bệnh tình tái phát. Như vậy, trách nhiệm đưa người bị bệnh tâm thần khi khám, điều trị phải do sự tự nguyện của gia đình và phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của mỗi gia đình có người nhà bị bệnh...
Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi người bị mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì phải được Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Khi đó thì cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con của người đó sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên.
Trường hợp không có người giám hộ đương nhiên thì UBND xã, phường, thị trấn nơi người bệnh cư trú có trách nhiệm cử hoặc đề nghị người giám hộ. Như vậy kể cả trong trường hợp nếu người bị bệnh tâm thần được miễn trách nhiệm hình sự thì người giám hộ nếu không chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh gây ra theo Điều 606 Bộ luật Dân sự.
“Vụ án này lại là một hồi chuông cảnh bảo về việc quản lý người bị bệnh tâm thần. Đầu tiên là trách nhiệm của người thân khi thấy có biểu hiện mắc bệnh thì cần sớm đưa đến các cơ sở điều trị. Mặt khác, cơ sở y tế địa phương cần có những chương trình hỗ trợ gia đình có người thân mắc bệnh, rà soát các đối tượng mắc bệnh để có phương án vận động, kết hợp gia đình đưa người bệnh đi điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần có sự quản lý, giám sát, quan tâm đến các đối tượng mắc bệnh trên địa bàn, hỗ trợ gia đình khó khăn trong việc đưa người thân đến các cơ sở điều trị bệnh tâm thần”, luật sư Nguyễn Anh Thơm kiến nghị.
Điều 123. Tội giết người1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 2 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; c) Giết phụ nữ mà biết là có thai; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ... 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. 3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm. |