Nghi vấn đường Thái Lan đi đường vòng để né thuế vào Việt Nam
Vietsugar nỗ lực cùng nông dân phát triển vùng nguyên liệu mía Vinamilk chính thức bước chân vào ngành mía đường Việt Nam |
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) dẫn số liệu của Hải quan Thái Lan cho biết, xuất khẩu đường (HS: 1701) của nước này trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 1,8 triệu tấn, giảm 51,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Việt Nam đứng vị trí thứ 3 về thị trường xuất khẩu đường của Thái Lan với khối lượng đạt 279,4 nghìn tấn, giảm mạnh 57,2% (tương ứng giảm 373,9 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây, sau hơn một năm điều tra, Bộ Công thương đã chính thức áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan ở mức 47,64% kể ngày 16/6/2021 và có thời hạn áp dụng trong vòng 5 năm kể từ ngày quyết định chính thức có hiệu lực.
Ngay sau khi thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức có hiệu lực, đường xuất khẩu của Thái Lan vào Việt Nam trong tháng 6/2021 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2019 khi chỉ đạt 15,2 nghìn tấn, giảm 60,5% so với tháng trước và giảm tới 83,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nghi vấn đường Thái Lan đi đường vòng để né thuế vào Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
Trước đó, xuất khẩu đường của Thái Lan vào Việt Nam đã bắt đầu giảm mạnh kể từ giữa tháng 2/2021 sau khi Việt Nam áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời 44,88% với đường tinh luyện, 33,88% đối với đường thô có xuất xứ từ Thái Lan.
Thời gian qua, việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp sơ bộ cũng như chính thức đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan đã tác động tích cực tới thị trường mía đường trong nước.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2021, giá đường sản xuất trong nước đã tăng 5-6% (800-1.000 đồng/kg) so với cuối tháng 5 và tăng 25-26% (3.600-3.800 đồng/kg) so với đầu năm nay, dao động ở mức 17.400-17.600 đồng/kg đối với đường kính trắng; 18.000-18.300 đồng/kg đối với đường tinh luyện.
Tuy nhiên, đường trong nước vẫn khó cạnh tranh với đường ngoại khi giá đường nhập khẩu được bán với giá 17.100-17.400 đồng/kg.
Theo dự báo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các loại đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan tiếp tục hiện diện thông qua nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan, từ các nước ASEAN và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam.
Cộng với đường sản xuất từ mía trong nước đang tồn kho, sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 7, tháng 8/2021, ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có những dấu hiệu cho thấy, các hoạt động gian lận thương mại đã thay đổi phương thức hoạt động để thích ứng với hoàn cảnh.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam dẫn số liệu của Hải Quan Việt Nam cho biết, lượng đường nhập khẩu từ Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar và Indonesia vào Việt Nam đã tăng đột biến từ 20.043 tấn của cùng kỳ năm 2020 lên trên 320.000 tấn trong 5 tháng đầu năm 2021, tương ứng tăng 16 lần so với cùng kỳ năm trước.
Điều đặc biệt là cả 5 nước ASEAN nêu trên hoàn toàn không có phát triển gì về năng lực cạnh tranh mía đường để có thể xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức tăng bùng nổ như vậy.
Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu đường từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ ở mức 5%, đây là mức thấp hơn nhiều so với mức thuế mà đường nhập từ Thái Lan phải chịu khi bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Do đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng đã xuất hiện những lo ngại đường Thái Lan có thể đi đường vòng để né thuế vào Việt Nam.