Ngôi làng nghìn năm lưu giữ vẻ đẹp Việt
Ngôi làng hơn một nghìn năm tuổi
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60km, làng nghề Trạch Xá từ xa xưa đã nổi tiếng với nghề may áo dài truyền thống. Tại đây, bàn tay khéo léo của người thợ đã làm nên những chiếc áo dài truyền thống vừa kín đáo, vừa tôn lên vóc dáng thanh thoát của người phụ nữ Hà thành.
Người dân làng Trạch Xá khâu tay tà áo dài |
Theo các cụ già làng kể lại, năm 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi vua, vua Đinh Tiên Hoàng đến vùng đất Sơn Tây để chiêu mộ hiền tài, tướng giỏi, ông đã gặp bà Nguyễn Thị Sen. Vì cảm mến người quân tử, bà Nguyễn Thị Sen đã theo Vua về triều, được vua Đinh phong Tứ phi Hoàng hậu.
Với sự khéo léo và thông minh, bà Nguyễn Thị Sen đã phát triển nghề may trong cung Vua mà trước đó chưa từng có. Bà đã cải tiến triều phục từ đường kim mũi chỉ, cách may và dáng áo để trở thành trang phục của người Việt. Cũng từ đây mà tà áo dài trở thành áo truyền thống của riêng Việt Nam.
Năm 979, sau biến cố nhà Đinh, bà Nguyễn Thị Sen đưa con là Công chúa Đinh Thị Liên từ kinh đô Hoa Lư trở về làng Trạch Xá. Bà phục hồi lại nghề trồng dâu nuôi tằm, đồng thời mang nghề may áo dài ra dạy cho người dân trong làng. Khi bà mất, dân làng đã tôn bà là Thánh sư và lập đền thờ phụng, bốn mùa khói hương.
Cụ Tạ Duy Mạnh kể với phóng viên truyền thuyết về làng nghề Trạch Xá |
Cụ Tạ Duy Mạnh, Thường trực Ban quản lý đền thờ Cồ Quốc Hoàng hậu Nguyễn Thị Sen cho biết: “Dụng cụ mà Thánh sư truyền lại cho con cháu có đúc kết lại bốn câu thơ:
“Vạch kéo ba năm chí chả mòn
Thước, gay đôi chiếc vững lòng son
Phấn hồng tô điểm trời non nước
Kim, chỉ vá may nợ nước non”.
Đặc biệt, nghề may làng Trạch Xá đến bây giờ vẫn giữ được truyền thống là bởi làm hoàn toàn thủ công. Bí quyết may áo dài của người Trạch Xá là “Trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện”. Đây là cách cầm kim khâu tay, người thợ phải khéo và rất nhanh; Kim phải khâu ở bên trong của mép vải. Cách khâu này khiến tà áo dài mềm mại hơn”.
Cụ Tạ Duy Mạnh kể lại: “Kể từ khi được Tứ phi Hoàng hậu truyền nghề may áo dài, người dân Trạch Xá đi khắp bốn phương đều mang theo nghề làm kế sinh nhai. Vì thế, phần lớn áo dài trên thị trường dù mang thương hiệu nào cũng đều do bàn tay của người dân làng Trạch Xá làm nên. Chỉ cần nhìn vào tà áo dài là biết được đây có phải là sản phẩm của làng Trạch Xá hay không.
Khi Vua Lý Thái Tổ một lần cưỡi thuyền rồng du ngoạn qua vùng đất Trạch Xá đã cho quan đại thần về tuyển chọn những người thợ giỏi nhất đến kinh đô chăm lo việc may triều phục cho hoàng tộc. Từ đó, nghề may Trạch Xá góp phần vào sự phồn thịnh của các ngành nghề thủ công ở Thăng Long và được lưu truyền đi khắp cả nước”.
Không theo nghề nhưng ai cũng biết may áo dài
Đến làng Trạch Xá vào một ngày gần Tết, dù không có vẻ sôi động, rộn ràng tiếng máy móc nhưng hầu như ai cũng bận rộn, cặm cụi vào từng đường kim mũi chỉ cho tà áo dài hay chăm chú nhìn vào đường kim trên máy may. Trong làng có 480 hộ gia đình thì đến 90% làm nghề may áo dài. Theo anh Trần Văn Thiêm, Bí thư chi bộ thôn Trạch Xá, ở đây có người không theo nghề may áo dài nhưng ai cũng biết làm.
Làng may hiện nay sản xuất áo dài nhanh hơn bởi một số công đoạn dùng máy |
“Những chiếc áo dài của Trạch Xá được người thợ làng ngày xưa làm thủ công hoàn toàn. Từng tà áo, vạt áo đều được khâu bằng tay mà mũi chỉ vẫn đều tăm tắp. Chính vì vậy, những nghệ nhân nơi đây đã tạo nên những chiếc áo dài đẹp, mềm mại, không cứng và thô như các nơi khác”, anh Trần Văn Thiên cho biết.
Tháng bận rộn nhất trong năm có lẽ là tháng 10 và 11. Bởi thời gian này, người dân vừa làm áo dài cho các thầy cô giáo dịp 20/11, vừa làm áo dài Tết để tháng 12, các cửa hàng khắp cả nước có thể bày bán trang phục này cho người dân du xuân.
Lưu giữ những vẻ đẹp văn hóa trường tồn
Cầm kim tay dọc hay chỉ may được lấy từ chính mảnh vải dùng để may áo là những bí quyết độc đáo tạo nên đặc sắc của áo dài truyền thống làng Trạch Xá được những người thợ của làng gìn giữ, lưu truyền trong những năm qua.
Anh Lê Văn Duẩn, chủ cơ sở may Duẩn Toàn đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề may áo dài |
Làng nghề Trạch Xá còn nổi tiếng với nghịch lý mà người trong làng coi đó là đặc trưng: “Đàn ông may áo dài đẹp hơn phụ nữ”. Trẻ em trong làng từ 5 - 6 tuổi đã được cha mẹ dạy cầm kim khâu, nắn nót theo từng đường kim mũi chỉ nên lớn lên rất thạo nghề. Đàn ông trong làng lại càng giỏi trong việc thiết kế và may.
Anh Lê Văn Duẩn, chủ cơ sở may Duẩn Toàn đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề may áo dài và đào tạo những người thợ tài hoa, chia sẻ: “Nghề may áo dài truyền thống luôn được duy trì trong làng. Nhiều cửa hàng may mặc tại các thành phố lớn biết danh tiếng đã đến nhờ thợ may trong làng Trạch Xá gia công sản phẩm”.
Áo dài ngày nay được “hiện đại hóa” để phù hợp với thị trường cũng như xu hướng. Tuy nhiên, những tà áo ở làng Trạch Xá được may với phương pháp thủ công cùng kinh nghiệm lâu đời vẫn luôn được người tiêu dùng ưa chuộng bởi vẻ mềm mại của tà áo và tôn được dáng thanh thoát của người mặc.
Nổi tiếng là làng may có truyền thống lâu đời, những người thợ làng Trạch Xá luôn tự tin với nét đặc trưng của riêng mình. Nghề may áo dài tại làng Trạch Xá được cha truyền con nối. Vì thế, nghề được bảo tồn và phát triển qua các thời kỳ. Chiếc áo dài, qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của các nghệ nhân, vừa đơn giản, gọn gàng vừa kín đáo đã tôn vinh vẻ đẹp thướt tha, mềm mại của người phụ nữ Việt Nam, trở thành hồn cốt dân tộc, biểu tượng của văn hóa Việt.