Người dân không ra khỏi nhà để tránh rủi ro liên quan bão Yagi
Huyện Thanh Trì chủ động các biện pháp ứng phó với bão số 3 Công an huyện Thường Tín sẵn sàng ứng phó với siêu bão |
Ngày 7/9, do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi), Hà Nội mưa to kèm gió mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân |
Không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm
Ngày 7/9, trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo người dân thành phố không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo các cơ quan báo chí của thành phố cập nhật tình hình bão số 3 mỗi tiếng/1 lần, hướng dẫn người dân các biện pháp giảm thiểu thiệt hại và đặc biệt khuyến cáo bà con Nhân dân không ra khỏi nhà để tránh rủi ro liên quan đến bão số 3.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được giao phụ trách, chủ động xuống hiện trường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, thiên tai.
Trong đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu tập trung rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, khu vực có nguy cơ ngập sâu do mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ mất an toàn do hệ thống điện, công trình, cây xanh gãy, đổ…
Các địa phương kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân); Đặc biệt lưu tâm đến các trường hợp, khu vực đã xảy sự cố, thiệt hại đáng tiếc về người trước đây liên quan đến tai nạn khi đi qua khu vực bị ngập, đánh bắt cá, vớt củi...
Các đơn vị thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đặc biệt lưu ý đối với các huyện có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, lũ quét, sạt lở đất như: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức.
Hiện các quận, huyện của thành phố vẫn đang trong tình trạng thường trực, sẵn sàng ứng phó với các diễn biến của bão, hạn chế tối đa thiệt hại, bảo đảm an toàn về người và tài sản.
Quận Hoàn Kiếm tập trung ứng phó với bão trên tinh thần ở mức cao nhất
Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định yêu cầu tập trung đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão. Đơn vị nào để xảy ra thiệt hại về người, tài sản do lỗi chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bão thì người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.
Mưa bão đã làm đổ cây khiến 3 người dân trên phố Hàng Cá bị thương, 2 xe máy bị hư hỏng |
Ngày 7/9, Chánh Văn phòng UBND quận Hoàn Kiếm Hoàng Mạnh Tuấn cho biết, sau khi xảy ra sự cố đổ cây tại trước cửa nhà số 11 phố Hàng Cá, phường Hàng Đào, gây sập đổ bức tường phía ngoài mặt tiền của ngôi nhà, đã có 3 người bị thương do cành cây gãy đổ vào người. Về tài sản, có 2 xe máy bị hư hỏng. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã đưa 3 nạn nhân vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cấp cứu. Đến nay, sức khỏe của 3 nạn nhân đều ổn định, chỉ bị thương nhẹ.
Trước đó, vào ngày 6/9, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định đã ký ban hành công văn số 2898-CV/QU về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3. Trong đó, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận, UBND quận, Đảng ủy 18 phường… chủ động nắm sát tình hình bão; khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bão và tăng cường kiểm tra việc thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố.
Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cũng yêu cầu các lực lượng chức năng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là tại các khu vực ngập sâu, cây gãy đổ...; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn; triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, bãi sông, bãi nổi khu vực các phường Chương Dương, Phúc Tân... Cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác ứng phó với bão số 3 trên tinh thần ở mức cao nhất.
Quận Đống Đa sẵn sàng "4 tại chỗ" để ứng phó bão
Tại quận Đống Đa, đến 7h ngày 7/9, có 31 cây gãy cành và 3 cây chết; 20 cây xanh đổ, gãy; đổ 1 biển quảng cáo tại dải phân cách phố Xã Đàn…
Ban chỉ huy quận cũng đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại các khu tập thể dân cư thuộc các phường Kim Liên, Phương Mai, Văn Chương; kêu gọi, vận động người dân khẩn trương về nơi cư trú an toàn.
Cây đổ trên đường Thái Thịnh (quận Đống Đa). Ảnh: Ban Chỉ huy quân sự cung cấp |
Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận Đống Đa đã chỉ đạo các đơn vị thành viên Ban chỉ huy và UBND 21 phường thông báo tới các tổ dân phố, tổ chức, nhân dân trên địa bàn, các nhà thuộc diện nguy hiểm, các công trình đang xây dựng và kiểm tra việc xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, phương tiện dụng cụ, phương án ứng phó với bão số 3.
Với phương châm sẵn sàng “4 tại chỗ”, toàn quận sẵn sàng tổ chức các đội xung kích, phương tiện bảo đảm thông tin cơ động trực thường xuyên 24/24 giờ để xử lý các tình huống.
Từ giờ đến chiều, tối nay, tình hình bão số 3 vẫn còn rất phức tạp, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn đề nghị, các cấp, ngành, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, chủ động ứng phó và báo cáo kịp thời Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận.