Người đàn ông bị lừa mất 600 triệu đồng khi tham gia nhóm “Tình 1 đêm” trên mạng xã hội Telegram
Liên tục xuất hiện những thủ đoạn lừa đảo mới
Tháng 6/2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội nhận được đơn trình báo của anh T (SN 1973) về việc bị lừa đảo hơn 600 triệu đồng. Theo đơn trình báo, anh T được mời tham gia nhóm “Tình 1 đêm”. Sau khi cung cấp khu vực sinh sống, anh T được đối tượng gửi danh sách các “em”, bảng giá của câu lạc bộ và yêu cầu mở thẻ hẹn hò để “em” đến phục vụ.
Sau khi đăng ký tài khoản xong, anh T được yêu cầu xác thực để hoàn thành nhiệm vụ, nhận “hoa hồng” bằng cách truy cập vào đường link và nộp tiền theo hướng dẫn của hệ thống. Anh T lựa chọn gói dịch vụ, nộp tiền, thực hiện các nhiệm vụ và nhận “hoa hồng” thành công. Hệ thống tiếp tục “dẫn dắt” anh thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo để nhận “hoa hồng”.
Thông tin quảng bá, mời chào trên mạng xã hội |
Khi thực hiện nhiệm vụ và nạp số tiền lớn vào hệ thống thì hệ thống thông báo “sai dữ liệu, tài khoản bị khóa”, thành viên phải nộp thêm tiền để phục hồi dữ liệu, mở khóa tài khoản. Nếu nộp thêm tiền thì mới được cấp thẻ thành viên hẹn hò. Tuy nhiên, sau khi chuyển thêm tiền, các đối tượng vẫn thông báo lỗi và đưa ra nhiều lý do để dụ người tham gia nộp tiền thêm nhiều lần với giá trị ngày càng cao để chiếm đoạt. Chỉ trong vòng 2 ngày, anh T đã chuyển hơn 600 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng.
Cũng theo Công an TP Hà Nội, không chỉ có thủ đoạn trên, tình trạng gọi điện thoại nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng phổ biến. Trong đó, thủ đoạn sử dụng điện thoại tự xưng là người trong ngành công an để đe dọa những người dân có tâm lý yếu, nhẹ dạ cả tin, sau đó "dẫn dắt" họ chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt.
Gần đây, một số cán bộ và người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội nhận được cuộc gọi từ các số thuê bao tự xưng là cán bộ đang công tác tại Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội. Nội dung cuộc gọi thông báo người dân đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người ở thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước; Đồng thời, yêu cầu người được gọi cung cấp thêm thông tin cá nhân, các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng.
Đây là thủ đoạn giả danh cán bộ Công an nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc chiếm đoạt thông tin cá nhân sử dụng cho các hành vi vi phạm pháp luật khác. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội đề nghị người dân đề cao cảnh giác trước các số điện thoại lạ, không cung cấp thông tin cá nhân, không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ các cuộc gọi giả danh cơ quan thực thi pháp luật.
Sáng 17/6, anh V.Q, cán bộ Công an tỉnh Cao Bằng bị đối tượng giả danh công an gọi điện đe doạ nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản |
Khi có yêu cầu làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu hoặc hỗ trợ đấu tranh phòng, chống tội phạm, cơ quan Công an nói chung hoặc Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội nói riêng đều thực hiện bằng việc gửi giấy mời hoặc Giấy triệu tập trực tiếp cho người dân đến trụ sở làm việc chứ không cử cán bộ gọi điện liên hệ với người dân yêu cầu cung cấp thông tin như trên.
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% (so với cùng kỳ năm ngoái); tăng 37,82 % (so với 6 tháng cuối 2022). Cục An toàn thông tin đã chỉ ra 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra phổ biến trên không gian mạng.
Trong thông báo về chiến dịch phòng chống lừa đảo trực tuyến, Cục An toàn thông tin cho hay, hiện nay, không gian mạng Việt Nam tồn tại ba nhóm lừa đảo chính: Chiếm đoạt tài khoản, giả mạo thương hiệu và các hình thức kết hợp. Ba nhóm lừa đảo này xuất hiện dưới 24 hình thức, nổi bật thời gian gần đây như lợi dụng lừa đảo khóa SIM vì chưa chuẩn hóa thuê bao, sử dụng cuộc gọi video deepfake, giả danh cơ quan công an/viện kiểm sát/tòa án, giả mạo biên lai chuyển tiền,...
Công an phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội phối hợp giúp người phụ nữ thoát “bẫy lừa” của tội phạm công nghệ cao |
Theo Cục An toàn thông tin, 4 hình thức lừa đảo online được các đối tượng thực hiện ngày càng tinh vi, dưới nhiều kịch bản khác nhau. Trong đó, đối tượng người lao động, nhân viên văn phòng là mục tiêu bị dẫn dụ của 19 hình thức lừa đảo, 15 hình thức hướng đến người cao tuổi, sinh viên - thanh niên là 13 hình thức. Riêng đối tượng trẻ em nhỏ tuổi cũng là mục tiêu chính của 3 hình thức.
Cục An toàn thông tin đánh giá, nguyên nhân chính khiến kẻ xấu lợi dụng chủ yếu là do nhận thức của người sử dụng. Theo báo cáo của Công ty an ninh mạng NCS, "việc nhẹ, lương cao" là hình thức được các đối tượng sử dụng nhiều nhất, đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh của nhiều nạn nhân. Chính vì vậy, bên cạnh yếu tố kĩ thuật, việc phổ biến, nâng cao nhận thức là yếu tố then chốt để không gian mạng Việt Nam được an toàn.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, đã có rất nhiều cảnh báo được đưa ra song số nạn nhân mắc bẫy vẫn tăng nhanh. “Số tiền thiệt hại có khi lên đến cả trăm triệu đồng một vụ, trong khi hình thức ngày càng tinh vi và khó lường", ông Sơn cho biết.
Trong nửa đầu năm 2023, số lượng tấn công an ninh mạng vào các hệ thống của Việt Nam là 5.100 vụ (giảm 12% so với năm 2022). Tuy nhiên, số lượng các vụ tấn công có chủ đích APT vào các cơ sở trọng yếu lại tăng 9%. Nguyên nhân khiến nơi đây trở thành “địa bàn hoạt động” yêu thích của nhiều hacker đó là bởi các cơ sở trọng yếu luôn có nhiều dữ liệu quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn.
"Bên cạnh nâng cao cảnh giác, cần biện pháp mạnh tay hơn nữa từ cơ quan quản lý như khóa sim, số rác, khóa tài khoản ngân hàng rác giúp sớm dẹp vấn nạn lừa đảo, mang lại sự trong sạch cho môi trường mạng", ông Sơn nói.
Nếu trở thành nạn nhân của bất kỳ hình thức lừa đảo trực tuyến nào, người dùng cần ngay lập tức dừng chuyển tiền, chặn liên lạc. Đồng thời, liên hệ ngân hàng để dừng mọi giao dịch có liên quan và trình báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Cục An toàn thông tin đưa ra 5 dấu hiệu nhận biết lừa đảo trực tuyến để người dân tự bảo vệ mình khi tham gia vào các nền tảng trực tuyến: - Ưu đãi hấp dẫn: Bạn thấy các ưu đãi thấp hơn nhiều so với giá thị trường hoặc không thể tưởng tượng được. - Yêu cầu bạn bè bất ngờ: Bạn nhận được lời mời kết bạn trực tuyến từ một người không quen biết. - Thanh toán bằng thẻ quà tặng hoặc tín dụng: Bạn được yêu cầu thanh toán cho dịch vụ bằng thẻ quà tặng hoặc tín dụng mua sắm. - Chuyển tiền khẩn: Bạn được yêu cầu thực hiện giao dịch chuyển tiền khẩn cấp. - Yêu cầu OTP: Bạn được yêu cầu tiết lộ mã OTP của mình. |