“Bói đề, đoán bài” tràn lan trên mạng xã hội trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023
Hà Nội: Bảo đảm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 an toàn, nghiêm túc, tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh TTTĐ - Năm 2023, Hà Nội tiếp tục là địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đông nhất ... |
"Kaito Kid" tái xuất
Thu hút 1,1 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Facebook, fanpage “Kaito Kid” đăng tải sự kiện đoán đề thi môn Ngữ văn năm 2023 “Đêm diễn trong mơ” vào tối 27/6. Sự kiện này thu hút hơn 120.000 lượt quan tâm.
Bài đăng của Kaito Kid trên Facebook |
Dưới bài đăng, nhiều sĩ tử tỏ ra vô cùng hào hứng và tin tưởng vào dự đoán được Kaito Kid đưa ra. Một bộ phận còn thừa nhận chưa có sự ôn tập, chờ đợi vào dự đoán rồi bắt đầu xem kĩ lại tác phẩm đó.
Lấy tên theo một nhân vật siêu trộm từ bộ truyện tranh nổi tiếng “Thám tử lừng danh Conan”, đây là một trong những trang thường xuyên dự đoán tác phẩm được đưa ra trong phần nghị luận văn học của đề thi môn Ngữ văn.
Trong 3 năm liên tiếp từ 2020 đến 2022, Fanpage này đã “đoán trúng” các tác phẩm xuất hiện trong kì thi tốt nghiệp THPT. Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước, quản trị viên của trang vướng phải lùm xùm lộ đề thi. Nhận được thông tin, Bộ GD&ĐT cùng Bộ Công an đã vào cuộc điều tra.
Theo đó, việc dự đoán tác phẩm xuất hiện trong đề thi chính thức của quản trị viên Fanpage “Kaito Kid” (gồm 3 sinh viên của một trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh) dựa trên phân tích của các cá nhân trong nhóm cùng kết quả bình chọn của cộng đồng mạng. Bộ GD&ĐT thông tin, việc làm này đã gây ra sự hiểu lầm trong dư luận về việc đề thi bị lộ, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi. Về pháp lý, hành vi này có dấu hiệu vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ.) |
Đoán đề dựa trên “thông điệp vũ trụ”
Gõ từ khóa “Dự đoán đề thi văn THPT năm 2023” trên nền tảng TikTok, hàng trăm video xuất hiện liên quan đến chủ đề này. Nhiều tiêu đề còn mang tính chất khẳng định như “99% trúng tủ”, “khả năng cao xuất hiện”,… càng gia tăng lòng tin của các sĩ tử. Một số video còn sử dụng bài Tarot để “bói” ra tác phẩm.
Tràn lan các dự đoán đề thi trên mạng xã hội |
Theo đó, 3 tác phẩm có xác suất lớn nhất có thể xuất hiện là “Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài, “Người lái đò sông Đà” – Nguyễn Tuân và “Đất nước” – Nguyễn Khoa Điềm.
Ở một video khác, tài khoản @Hongsinh viên tiên đoán: “Đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn năm 2023, 98% chính là bài “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân khi mùi bánh đúc quá nồng nặc”.
Không thể đánh cược tương lai qua việc tiên đoán
Nhận định về vấn đề này, cô Trần Thị Tâm, giáo viên trường THPT Đông Mỹ (Thanh Trì) cho rằng, việc tiên đoán và khẳng định của những video trên là vô căn cứ. Nguy hại hơn, điều này còn tạo ra cho học sinh tâm lý học tủ, học lệch.
Việc đoán đề gây nhiều hậu quả khôn lường |
“Việc đoán đề chủ yếu đánh vào tâm lý thí sinh trước kỳ thi. Các em học sinh cần tỉnh táo và chọn lọc thông tin. Quan trọng nhất, thời điểm này, các em cần giữ tâm thế bình tĩnh, tự tin với kiến thức đã được thầy, cô ôn tập để bước vào phòng thi”, cô Tâm chia sẻ.
Từng đạt 8,75 điểm môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, bạn Lê Ngọc Mai, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Tất cả những bài đăng và clip này chỉ nhằm câu view, câu like. Chỉ cần chúng ta nắm vững nội dung trọng tâm tác phẩm, có được kỹ năng làm bài thì không cần quá lo lắng”.