Người trẻ và xu hướng chọn học nghề
Cách người trẻ vượt qua áp lực trong cuộc sống Thu nhập ổn định, nhiều người trẻ vẫn phải vay nợ khi tiêu tiền không kiếm soát Người trẻ với nỗi sợ hậu COVID-19 |
Chọn ngành phù hợp hơn hào nhoáng
Cùng với sự phát triển của thị trường lao động cũng như tinh thần khởi nghiệp của lớp trẻ, các phụ huynh và thí sinh ngày càng có những cân nhắc cẩn thận trong việc học trường nào, ngành gì để đáp ứng yêu cầu nhu cầu tuyển dụng lao động…
Có một công việc tốt, mang lại thu nhập ổn định là đích đến của tất cả mọi người. Trước ngã rẽ buộc phải lựa chọn cho tương lai của mình, nhiều bạn trẻ hiện nay đang mạnh dạn tìm lối đi mới mẻ cho bản thân, chọn học nghề ngắn hạn thay vì tìm kiếm cơ hội việc làm sau cánh cửa Đại học, Cao đẳng.
Bạn Nguyễn Tùng Anh, học viên trường Cao đẳng Nghề Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Học đại học bây giờ vừa tốn kém vừa không xin được việc làm nên mình đã quyết định học nghề để khi ra trường có cơ hội tìm việc làm dễ dàng hơn”.
Tiết học Thực hành ứng dụng phần mềm tại trường Cao đẳng nghề Bách Khoa |
Trên thực tế, việc học nghề có thể xem như một lựa chọn sáng suốt trong thời điểm này. Khi mà thị trường việc làm đang “thừa thầy thiếu thợ”, những bạn trẻ có tay nghề được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn chính là đối tượng mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm.
Hoàng Quỳnh Hoa, học viên trường Cao đẳng Nấu ăn Hà Nội cho biết: “Sau khi học hết phổ thông, mình đã đi học nghề và khi ra trường mình đã tìm được một công việc ổn đinh tại một nhà hàng mà không cần phải chật vật để xin việc”.
Không những vậy, nhiều đơn vị đào tạo nghề ngắn hạn hiện nay còn kết nối với các đơn vị tuyển dụng, tìm kiếm việc làm để giới thiệu cho học viên ngay sau khi ra nghề. Hoặc nếu không ứng tuyển vào bất cứ vị trí nào thì với những ngành nghề được đào tạo, bạn trẻ cũng có thể tự mình khởi nghiệp với sức khỏe, bản lĩnh và tay nghề của mình.
Trải qua hai năm đại dịch, các nghề liên quan đến công nghệ, nghề có thể làm từ xa, làm mọi lúc mà không bị ràng buộc, giới hạn về không gian, thời gian đang là đích nhắm của nhiều bạn trẻ.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính đến hết 30/5/2022, cả nước ước tính tuyển sinh GDNN đạt 890.646 người (đạt trên 40% kế hoạch), trong đó, trình độ trung cấp thu hút được 24.192 người, đạt 7.2% so với kế hoạch, trình độ cao đẳng được 24.192 người, đạt 8.1% so với kế hoạch; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 850.000 người (đạt 54,6% kế hoạch).
Cơ hội rộng mở cùng nhiều ngành nghề “hot”
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Trương Anh Dũng: Năm 2022, Tổng cục GDNN sẽ tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo thích ứng linh hoạt và tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu trình độ lao động để bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu cụ thể được đề ra trong năm 2022 sẽ tuyển sinh tăng 10% so với số thực hiện năm 2021. Cả nước sẽ có 2.086.000 người tốt nghiệp trong lĩnh vực GDNN. Trong đó, trình độ Cao đẳng, Trung cấp là 530.000 người; trình độ Sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 1.556.000 người.
Học nghề đang là hướng đi được nhiều người trẻ lựa chọn |
Năm 2021 là năm khởi động và năm 2022 sẽ là năm tăng tốc của giáo dục nghề nghiệp. Đột phá trong năm nay sẽ là chuyển đổi số, xoay chuyển toàn ngành. Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cũng cho rằng, để nâng cao vị thế giáo dục nghề nghiệp trong xã hội cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần tập trung chuyển đổi số.
Có thể nói, lợi thế của tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp từ trước tới nay là cam kết đầu ra, việc làm cho học viên. Với tính chất đặc thù, sự khác biệt của giáo dục nghề nghiệp là tổ chức đào tạo với thời lượng thực hành, thực tập. Từ đó hình thành năng lực tự chủ của người học để đáp ứng được các vị trí việc làm được tuyển dụng.
Theo các chuyên gia, sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch thì các lĩnh vực như: Du lịch, Y tế, Logicstics, Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Công nghệ thông tin, Sáng tạo phần mềm, Nông nghiệp chất lượng cao... đang được người học quan tâm nhiều hơn.
Vì vậy, để có thể bắt kịp với những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, giới trẻ cần phải bổ sung các kỹ năng bổ trợ như: kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ, tin học... Ngoài ra, cần thay đổi nhận thức không chỉ có một con đường duy nhất là phải vào Đại học, Cao đẳng mới thành công khi lập nghiệp.