Nguyện xây dựng Thủ đô giàu mạnh
Người trẻ thay đổi không gian làm việc TTTĐ - Thay vì ngồi tại văn phòng hay những quán cà phê yên tĩnh, nhiều người trẻ đang mang công việc của mình tới ... |
Nhìn lại quá khứ để xây dựng Thủ đô
Nhìn lại những mốc son lịch sử hào hùng của dân tộc nói chung và Thủ đô thân yêu nói riêng, người trẻ luôn cảm thấy rất tự hào và biết ơn công lao của thế hệ đi trước đã dành cả thanh xuân, cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Từ đó, các bạn trẻ biết trân quý hòa bình ngày hôm nay và ý thức được trách nhiệm của mình là phải giữ gìn truyền thống cách mạng của dân tộc; Nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng đất nước thêm giàu mạnh, văn minh.
Chị Hoàng Thị Phương, Bí thư Đoàn trường THPT Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) |
Là một người trẻ sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Thăng Long, chị Hoàng Thị Phương, giáo viên lịch sử, Bí thư Đoàn trường THPT Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) luôn cảm thấy xúc động, nghẹn ngào mỗi năm đến ngày giải phóng Thủ đô 10/10 dù chỉ cảm nhận sự hy sinh của cha ông và ký ức ngày giải phóng Thủ đô qua những trang sách, bộ phim và những bài hát mừng thắng lợi mà mình giảng cho những học trò... “Là đoàn viên, thanh niên của Thủ đô ngàn năm văn hiến, bản thân tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình là phải giữ gìn, phát huy sự nghiệp cách mạng vĩ đại của đất nước. Tôi mong muốn có thể nỗ lực hết mình, đem tất cả tinh thần, trí tuệ, sức trẻ, lòng nhiệt huyết của mình góp phần cùng các bạn trẻ viết tiếp nên trang sử hào hùng của Thủ đô, của dân tộc, làm nên những thành công mới trong hành trình xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam tươi đẹp.
Để làm được điều này, tôi sẽ luôn cố gắng tích cực tham gia học tập nâng cao trình chuyên môn; Rèn luyện để có lập trường tư tưởng vững vàng, có đạo đức trong sáng và lối sống lành mạnh; Đấu tranh chống lại hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, tham nhũng”.
Đã 69 năm trôi qua nhưng âm vang ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội vẫn còn vọng mãi. Ngày nay, được sống trong hòa bình, thanh niên Thủ đô càng ý thức sâu sắc hơn công lao, xương máu mà cha ông đã cống hiến cho Tổ quốc. “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, lời dạy của Bác Hồ tiếp tục được thế hệ trẻ Hà Nội thực hiện nghiêm túc và nhiệt thành. Yêu nước phải bằng hành động cụ thể chứ không phải lời nói suông.
Những trái tim trẻ giữa thành phố hòa bình
Để chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô, ở các trường học trên địa bàn Hà Nội cũng diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó, các thầy cô cùng học sinh vệ sinh, chỉnh trang để trường lớp sáng xanh, sạch đẹp hơn. Các cơ sở Đoàn cũng diễn ra nhiều hoạt động như vệ sinh đường làng ngõ xóm, tuyên truyền ý nghĩa lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô tới các bạn trẻ để đoàn viên thanh niên thêm hiểu, thêm tự hào và thêm yêu hơn mảnh đất mình đang sống.
Ở các trường đại học, nhiều hoạt động của Hội Sinh viên hướng về chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô cũng diễn ra sôi nổi.
Thành viên CLB tuyên truyền văn hóa - lịch sử hoạt động tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia |
Câu lạc bộ tuyên truyền Văn hóa - Lịch sử, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) được biết đến là một trong số những hội, nhóm sinh viên hoạt động tích cực và ấn tượng nhất trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử trên địa bàn Thủ đô.
Câu lạc bộ với hoạt động chính là quảng bá hình ảnh, văn hóa của Việt Nam tới các du khách trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức như: Giới thiệu, hướng dẫn cho du khách tại các di tích văn hóa, lịch sử ở Hà Nội, tổ chức các sự kiện về văn hóa...
Ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ đến thứ 7, Chủ nhật, không ai trả công nhưng tất cả các thành viên trong CLB vẫn cần mẫn, tự nguyện tham gia công việc quảng bá du lịch. Công việc này đã được các bạn trẻ duy trì 8 năm nay bởi tình yêu Hà Nội.
Bạn Nguyễn Ngọc, chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: “Dù đã có kinh nghiệm làm việc nhưng chúng mình luôn xác định mỗi hành động, lời nói của bản thân tại các khu di tích vô cùng quan trọng, thể hiện hình ảnh của tuổi trẻ Thủ đô trong mắt bạn bè thế giới. Vì vậy trước khi chính thức hoạt động, các thành viên trong câu lạc bộ đều phải trải qua quá trình tập huấn về cách thức thuyết minh và kỳ kiểm tra gắt gao. Ngoài kỹ năng, mỗi thành viên phải tự làm giàu kho kiến thức lịch sử, văn hóa để có thể giải đáp thắc mắc của du khách”.
Bạn trẻ hướng dẫn du khách Hàn Quốc tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Hoàng Trà My - một thành viên khác của nhóm chia sẻ: “Lan tỏa vẻ đẹp về con người, cảnh vật Hà Nội đến nhiều bạn bè quốc tế khiến chúng mình vô cùng tự hào. Chúng mình cảm thấy trưởng thành và năng động hơn để có thể hoàn thành nhiều công việc khác nhau, góp phần vào sự phát triển của thành phố”. Nhiều du khách sau khi được nghe thành viên của câu lạc bộ giới thiệu về các di tích đã ngỏ ý muốn đưa những mô hình hoạt động đó về áp dụng tại đất nước họ.
Chẳng cần những hoạt động quá phô trương, những người trẻ trong CLB Tuyên truyền Văn hóa - Lịch sử, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn chính là những đại sứ hòa bình âm thầm kết nối Thủ đô nghìn năm văn hiến đến gần du khách quốc tế. Để từ đó, thành phố vì hòa bình ngày càng thân thiện hơn trên mỗi bước chân thế hệ trẻ.