Nhà báo Tuổi trẻ Thủ đô bàn về văn hóa nhà báo và môi trường văn hóa trong cơ quan Báo chí
Trước đó, vào năm 2022, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát động phong trào “Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam” . Với chủ đề này, đông đảo các nhà báo Tuổi trẻ Thủ đô cùng bàn thảo và đóng góp ý kiến.
Nhà báo không phải để…cho oai
Nhà báo Nguyễn Thị Thu Phương – Trưởng ban Thời sự Bạn đọc Báo Tuổi trẻ Thủ đô đưa thông tin: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở người làm báo và cơ quan báo chí phải luôn "cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa"; Cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa. Nhà báo không phải để cho oai, để phách lối, hù dọa người; báo chí có nghĩa vụ phục vụ công nông binh, đấy chính là văn hóa báo chí.
Nhà báo Thu Phương đồng thời nhấn mạnh: Nếu người làm báo không có trách nhiệm sâu sắc đối với sản phẩm mà mình làm ra thì hậu quả sẽ khôn lường. Vì thế nhà báo phải luôn trau dồi đạo đức nghề nghiệp. Không chỉ trau dồi nghiệp vụ mà còn phải cẩn trọng trong mọi phát ngôn và lối sống của mình.
Nhà báo Nguyễn Thị Thu Phương – Ủy viên Ban biên tập – Trưởng ban Thời sự - Bạn đọc Báo TTTĐ. |
Song song với đó, Trưởng ban Thời sự bạn đọc nhấn mạnh: “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và người làm báo cần nhất là sự trách nhiệm với công việc và tinh thần nêu gương. Người làm báo luôn phải nhắc nhở mình hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền. Hơn ai hết chúng ta cần giữ gìn phẩm giá, tư cách của người cầm bút. Sự nhân văn trong tác phẩm báo chí cũng như trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác là yêu cầu, đòi hỏi và cũng là kỳ vọng của bạn đọc đối với các nhà báo”.
Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023) và hướng tới 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), Chi bộ Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức sinh hoạt chuyên đề về “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và người làm báo Tuổi trẻ Thủ đô gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh". Đây cũng là hoạt động gắn với việc xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp phát động năm 2022. |
Đừng để người trả lời mang tâm lý đề phòng
Theo nhà báo Nguyễn Thanh Thắng – Bí thư chi đoàn – Lãnh đạo phụ trách Ban điện tử Báo Tuổi trẻ Thủ đô: Khi nhà báo đi phỏng vấn, những việc tưởng như rất nhỏ: sắc thái gương mặt, trang phục, cách đi đứng cần được phóng viên chuẩn bị kỹ càng. Những việc nhỏ này sẽ giúp người trả lời phỏng vấn đánh giá sự nghiêm túc trong công việc, năng lực của phóng viên theo dõi
“Khi tác nghiệp luôn có thái độ đúng mực từ lời ăn tiếng nói khiêm tốn, hành động lịch sự tạo cho đối tượng phỏng vấn cảm giác đàng hoàng của phóng viên, khiến cho người được phỏng vấn không cần phải có tâm thế phải đề phòng, việc phỏng vấn từ đó mà thuận lợi hơn, thông tin ghi nhận được cũng sẽ tốt hơn từ đó ra được nhiều tác phẩm, tuyến bài sâu” – Nhà báo Nguyễn Thanh Thắng chia sẻ.
Nhà báo Nguyễn Thanh Thắng – Bí thư chi đoàn – Phụ trách Ban điện tử Báo Tuổi trẻ Thủ đô trong chương trình trao quà tới các em nhỏ tỉnh Yên Bái do Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức |
Chia sẻ thêm về Báo chí và kinh tế báo chí trong môi trưởng tự chủ, Bí thư chi đoàn – Nhà báo trẻ Nguyễn Thanh Thắng hiến kế: Tự chủ đang là xu hướng tất yếu của nền kinh tế Việt Nam, trong đó có cả báo chí. Tự chủ và văn hóa dường như có ranh giới rất “mềm”, người làm báo phải xác định quan hệ với đối tác không thể và không phải là mối quan hệ xây dựng trên nền tảng hù dọa hay căng thẳng. Người làm báo cần thể hiện sự cầu thị, nghiêm túc và đàng hoàng. Sự hợp tác bền vững là hợp tác không chỉ là lợi ích một chiều mà cần mang lại hiệu quả cho cả hai bên sẽ phát huy hiệu quả lợi thế, đồng thời cũng là giá trị nhân văn mà báo chí được Đảng, Nhân dân giao phó.
Sống chân thành, nói thật và làm thật…
Với quan điểm “Đạo đức nhà báo là một trong những vấn đề sống còn của hoạt động báo chí”, theo đó Nhà báo Lê Dung – Phó Thư ký chi hội Báo Tuổi trẻ Thủ đô đưa ra các tiêu chuẩn nhà báo văn hóa và cơ quan báo chí văn hóa: Để có một cơ quan báo chí văn hoá thì trước hết phải có những người làm báo của cơ quan có văn hoá. Thế nên, trước hết, các đảng viên là lãnh đạo, Ban biên tập, trưởng, phó các phòng ban và cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo Tuổi trẻ Thủ đô cần luôn có ý thức nâng cao văn hóa của bản thân, đề cao thành tố văn hóa trong quá trình tác nghiệp, sáng tạo tác phẩm.
Nhà báo Lê Dung – Phó Thư ký chi hội - Phóng viên Ban Thanh niên Báo Tuổi trẻ Thủ đô |
“Tố chất văn hóa của người làm báo thể hiện chủ yếu ở nếp sống, ở cách hành xử hàng ngày với gia đình, đồng nghiệp, xã hội. Điều đó có nghĩa là chính đạo đức nghề nghiệp là thước đo văn hóa của một nhà báo. Vì vậy, mỗi cán bộ đảng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô phải luôn luôn trau dồi, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp.
Các đồng chí đảng viên, đặc biệt là đảng viên làm lãnh đạo quản lý cần gương mẫu đi đầu trong mọi nhiệm vụ của cơ quan; Cán bộ lãnh đạo là “đầu tàu”, là tấm gương để mọi người noi theo”
“Văn hoá nghĩa là nói đến cái đẹp, mỗi cán bộ đảng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô nên sống, làm việc hướng tới điều đẹp đẽ ấy, “làm đẹp” cho bản thân cả về ngoại hình, lẫn trí tuệ, tinh thần để tạo nên một tập thể cơ quan đều tốt đẹp. Xây dựng một cơ quan báo chí văn hoá cần có sự đoàn kết của cả tập thể, mỗi người cần tuân thủ nội quy, quy định của cơ quan. Các thành viên trong cơ quan phải sống chân thành, nói thật làm thật, yêu thương chia sẻ lẫn nhau, không hiềm khích, tư thù. Mỗi cá nhân cần tự soi sửa mình, lắng nghe đồng nghiệp, loại bỏ thói hư tật xấu, cầu tiến để ngày càng hoàn thiện bản thân. Mỗi người làm báo phải chú ý phát ngôn, đưa nội dung, hình ảnh trên mạng xã hội một cách phù hợp. Là đảng viên nhà báo làm gì cũng cần nghĩ đến cái “danh” vốn đã rất văn hoá của mình để đúng là người làm báo văn hoá” – Nhà báo trẻ Lê Dung nhấn mạnh.