“Vua phóng sự miền Tây” lần đầu tiên “hành phương Bắc” ra mắt sách
Cuốn sách "Chuyện đời, chuyện nghề" của nhà văn, nhà báo Võ Đắc Danh do NXB Hội Nhà văn ấn hành
Bài liên quan
Khi thi ca khoác lên người "tấm áo mới" của trường mỹ cảm âm nhạc
Đông A “phá lệ”, 10 bản đặc biệt cuốn “Hán Sở diễn nghĩa” đã có chủ
Ra mắt bản dịch đầy đủ "Hán sở diễn nghĩa" và giới thiệu bộ sách "Hán Sở diễn nghĩa liên hoàn họa"
Ra mắt tập di cảo – hồi ký “Đoàn binh Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng
Ngày 10/9 tại Hà Nội, NXB Hội Nhà văn tổ chức cuộc ra mắt sách “Chuyện đời, chuyện nghề” của nhà văn-nhà báo Võ Đắc Danh. Mặc dù trời mưa dai dẳng nhưng nhiều bạn văn, bạn viết tại Hà Nội đã có mặt khiến buổi ra mắt “Chuyện đời, chuyện nghề” trở thành cuộc gặp gỡ thú vị.
Trong nghề văn, có người chọn một vùng đất, một thể loại để “cày sâu”. Nhà văn, nhà báo Võ Đắc Danh là một trong số đó. Nhà văn Võ Đắc Danh sinh năm 1960 tại xã Tân Thành, thành phố Cà Mau trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1981, Võ Đắc Danh bắt đầu viết báo Minh Hải, Văn nghệ Minh Hải, Đất Mũi, Người lao động, Pháp luật TP Hồ Chí Minh, Sài Gòn tiếp thị. Hầu hết các bút kí văn học của ông đều đăng tải tên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.
Võ Đắc Danh đã xuất bản các tập bút kí “Nỗi niềm U Minh Hạ”, “Đồng cỏ chát”, “Thế giới người điên”, “Canh bạc”, “Đời chợ- Đời người”, “Người Sài Gòn bất đắc dĩ”. Năm 2008 ông đoạt giải Nhất cuộc thi bút kí báo Văn nghệ với tác phẩm “Cổ tích trên đỉnh mồ côi”.
Tác phẩm “Chuyện đời, chuyện nghề” là quyển sách mới nhất do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Cuốn sách này được ông viết dưới dạng bút kí, kể lại những câu chuyện về tuổi thơ với những đau thương, mất mát do chiến tranh, những câu chuyện đói nghèo của thời niên thiếu, các mối tình vụng dại, về cuộc đời mưu sinh với nợ nần chồng chất…
Đặc biệt sách còn viết về các câu chuyện nghề với những buồn vui, đau đớn, hạnh phúc khi đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu.
“Chuyện đời, chuyện nghề” không chỉ là câu chuyện của cá nhân tác giả, bạn đọc còn hình dung ra một chặng đường lịch sử thăng trầm của đất nước. Đất nước của nhân dân đi qua thảm họa của chiến tranh, đói nghèo và những bất công nhưng kiên cường, bất khuất, giàu lòng nhân văn, nhân ái.
“Chuyện đời, chuyện nghề” hấp dẫn bạn đọc ở tính chân thực của ngòi bút giàu lòng trắc ẩn, trăn trở. Tác giả chia sẻ: “Nguyên tắc của bút kí là luôn luôn tôn trọng sự thật. Trong 30 năm từ khi cày cuốc làm báo, tôi luôn trung thành với nguyên tắc ấy”.
Nhà văn, nhà báo Võ Đắc Danh tại buổi ra mắt sách ở Hà Nội |
Bút kí Võ Đắc Danh thấm đậm chất văn hóa, lịch sử, xã hội Nam bộ trầm tích nhưng cũng nóng hổi tính thời sự và nhân ái, nhân văn. Ông tâm sự: “Trong tận cùng thâm tâm tôi luôn nghĩ mình chỉ là người nông dân cầm bút. Hơn 90% trang viết của tôi là chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người nông dân, nói thay họ những tiếng nói khổ đau và oan khuất”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về bút kí Võ Đắc Danh: “… Những người nghiên cứu lịch sử thuộc thế hệ con cháu chúng ta rất cần những trang viết phản ánh chân thực về cuộc sống như bút kí của Võ Đắc Danh”.
Văn phong Võ Đắc Danh giản dị, chân thực. Giọng kể tâm tình, thủ thỉ, lại có khi bùng lên phẫn uất mỗi khi bất công ngang trái nhưng cũng đầy cảm thông, chia sẻ, nhân bản. Thông tin sự kiện trong bài viết của ông đầy ắp song cũng nhiều da diết và giàu hình ảnh, chi tiết văn học.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc-Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn cho rằng “Chuyện đời, chuyện nghề” của Võ Đắc Danh là cuốn sách đặc biệt, hấp dẫn từ dòng đầu đến dòng cuối và có nhiều chi tiết gây “bàng hoàng”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại buổi ra mắt sách của nhà văn, nhà báo Võ Đắc Danh |
Trong khi đó nhà phê bình Văn Giá thì nhìn nhận, cuốn sách “Chuyện đời, chuyện nghề” của Võ Đắc Danh cho ông bước vào một không gian đặc biệt đó là vùng sông nước miền Tây với nhiều nét văn hóa đặc biệt, gặp gỡ những con người, hiểu rõ hơn về những con sông, những cây cầu… Đặc biệt là những câu chuyện mà tác giả kể trong sách, cũng trải dài từ những năm tháng tuổi thơ cho tới đầu thế kỷ 21.
Nhà thơ Lương Ngọc An (Báo Văn nghệ) thì “Nể những bài viết của Võ Đắc Danh” từ khi in báo. Những bài viết “vừa có chuyện, vừa có nghề, vừa có văn”. Những bài báo có khi ngắn, không dông dài nhưng đúng với phẩm chất một nhà báo chuyên nghiệp, ông rất am hiểu văn hóa vùng miền, lịch sử vùng đất khiến bạn đọc học hỏi được nhiều trong từng trang viết của mình. Lương Ngọc An cho rằng rất ít người viết được đa dạng đặc biệt là các phóng sự đầy tính văn học như Võ Đắc Danh. Ông đánh giá cao cây bút từng trải, có trách nhiệm với bạn đọc này.
Nhà thơ Lương Ngọc An (ngồi giữa) phát biểu về tác phẩm của nhà văn, nhà báo Võ Đắc Danh |
Đồng quan điểm, nhà văn Tạ Duy Anh cho biết, đọc ký của Võ Đắc Danh có nhân vật, có những nét văn hóa ở vùng đất cực kỳ đặc biệt. Tác giả thực sự ngấm, hiểu văn hóa Nam Bộ. Những tác phẩm kí của Võ Đắc Danh chính là dạng văn học tư liệu vì có câu chuyện, có nhân vật, có diễn biến gợi lên trong lòng người đọc suy nghĩ về con người, các vấn đề tâm linh, văn hóa. “Đọc xong “Chuyện đời, chuyện nghề” thấy biết ơn tác giả”- nhà văn Tạ Duy Anh chia sẻ.
Còn nhà văn Nguyễn Thế Hùng từng có nhiều năm sống ở miền Tây Nam Bộ thì gọi văn của Võ Đắc Danh là “đặc sản”. Đọc các tác phẩm của ông người ta thấy hiện lên một vùng đất với rất nhiều đặc trưng, chứa đựng văn hóa của cả vùng miền ấy. Chính vì thế, văn chương trong tác phẩm của Võ Đắc Danh cũng là một thứ “đặc sản” rất đáng trân trọng mà rất tiếc thời buổi này lớp nhà báo trẻ không thể đưa được văn học vào những trang viết của mình.
Về cuốn sách “Chuyện đời, chuyện nghề”, nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng đặc biệt nhấn mạnh đây là sự dung hợp nhiều thể loại trong một tác phẩm. Chính vì thế, những độc giả với các sở thích khác nhau, dù là báo chí hay văn chương đều có thể tìm thấy những sự thú vị trong đó.
Một điều đáng lưu ý nữa, buổi ra mắt sách tại Hà Nội lần này của Võ Đắc Danh cũng công bố thông tin sẽ dùng doanh thu bán sách để xây dựng cây cầu nông thôn và sản xuất bộ phim tài liệu “Hành trình cây lúa Việt Nam”.