Nơi ấy làng Chùa
Nét độc đáo của một làng thơ Gập ghềnh đường yêu... Ngàn năm trước, ngàn năm sau, tình yêu luôn bất diệt! Thắc thỏm xuân Lời tâm sự chân tình |
Làng Chùa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bên dòng sông Đáy, thuộc huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, “Âm thầm vỗ trong tôi / Âm thầm vỗ cuối nguồn”, nhất là mỗi dịp Tết đến, tiếng cười các thiếu nữ xinh tươi thi nhau vo gạo nếp, rửa lá dong để gói bánh chưng, với tiếng cười “dậy sóng”.
Khung cảnh làng quê vào Tết |
Ký ức Nguyễn Quang Thiều về làng Chùa, về cổng làng, về lễ nghi ngày Tết... thật đa sắc, đa thanh, mang nhiều đặc trưng chung của làng quê đồng bằng Bắc Bộ.
Trong hơn 30 tập thơ, tiểu thuyết, kịch phim, truyện ngắn... hầu như tác phẩm nào cũng có bóng dáng làng Chùa. Anh nặng lòng, yêu da diết làng Chùa, bắt nguồn sâu xa từ việc anh tiếp nhận cái “tính chất” văn hóa làng, mà lòng biết ơn đi theo anh suốt cuộc đời cầm bút - đó là đạo lý và lẽ sống làm người.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều |
Có lẽ với Nguyễn Quang Thiều, những trang văn, thơ của anh không chỉ kết nối lòng người làng Chùa ngày càng bền chặt, mà còn kết nối với bè bạn năm châu, qua đó họ hiểu sự giàu có tinh thần và sức mạnh bất diệt của nền văn hóa Việt Nam…
Trân trọng giới thiệu bài thơ của Nguyễn Hồng Vinh đề cập chủ đề này.
NƠI ẤY - LÀNG CHÙA
Tặng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (*)
Nguyễn Hồng Vinh
Tôi càng hiểu vì sao văn thơ anh hay nhắc tới làng Chùa
Không chỉ vì có mẹ, cha sinh anh ở đó
Mà các ông, bà, chú, bác cùng dòng họ
Dạy anh đạo lý làm người!
Đứa con đầu lòng của anh sinh ở nơi xa
Anh kể với vợ, con điều thẳm sâu từ tình làng, nghĩa xóm:
“Tết Nguyên đán em đưa con về quê nội
Hàng xóm qua rào rối rít gọi tên con
Làng ta đấy, cha lớn lên từ đấy
Làng nghiêm khắc yêu thương, làng đón nhận, chối từ...”(*)
Học ở Cuba, xa nửa vòng trái đất
Ngày đêm trào nỗi nhớ làng Chùa
Nơi có dòng sông Đáy chảy vào đời
“Âm thầm vỗ trong tôi
Âm thầm vỗ cuối nguồn”
Tết đến, những cô thiếu nữ trắng xinh cười dậy sóng
Hương thơm lá dong, đậu xanh và gạo nếp lan tỏa một vùng…
Làng Chùa anh, Tết về có hai cái cổng
Cái ở đầu làng đón người tha phương về quê sum họp
Cổng ở cuối làng đón người từ cõi âm về vui Tết trần gian
Người đã khuất, vẫn có mặt trong mâm cơm thương nhớ!
Sáng mồng Một, cả dòng họ đánh trống, dâng hương
Sau lễ Tổ trang nghiêm là lễ vinh danh
Những người đã thành công trong đường đời, sự nghiệp
Làm vẻ vang tên gọi làng Chùa!
Làng Chùa vào thơ anh
Không chỉ là ký ức
Dịu êm và ngọt mát
Mà còn là những bài học làm người từ thuở ấu thơ
Ký ức ấy đã thành điều kỳ diệu!
Anh từng đưa những người bạn Mỹ
Về làng Chùa dự đón Tết đầu năm
Họ rất vui khi thưởng thức cá rán, bánh chưng xanh
Rồi ra sân đình xem lễ hội
Thấu cảm điều thiêng của văn hóa Việt Nam!
Làng Chùa kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai
Kết nối bang giao bạn bè quốc tế
Thế giới biết Việt Nam
Hiểu sức mạnh văn hóa Việt Nam
Bằng những câu chuyện đời rất thực
Qua những trang văn cuốn hút
Ngồn ngộn sức sống làng quê
Có bóng dáng làng Chùa yêu dấu
Nơi nuôi dưỡng anh thành Nguyễn Quang Thiều!
Hà Nội, sát Tết Giáp Thìn 2024
(*) Nguyễn Quang Thiều là nhà báo, nhà thơ, nhà văn, hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
(*) Những câu in chữ nghiêng là thơ Nguyễn Quang Thiều.