Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Khi “nguyên khí quốc gia” về nước phụng sự và… bị sốc
Cồn lên trên các kênh truyền thông, các trang mạng xã hội và cả báo giấy, báo hình, báo điện tử trong suốt mấy tuần qua là chuyện “về hay ở lại làm việc với nước ngoài” của các quán quân “Đường lên đỉnh Olympia”, hay các thí sinh đoạt huy chương vàng các kỳ thi toán quốc tế. Có không ít người bực bội cho rằng, giải nhất toán quốc tế, hay quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” cũng “đâu phải là những nhân tài, vì thế, chẳng có gì luyến tiếc”. Nếu những em dành được giải cao nhất, mang lại niềm vinh quang cho tổ quốc như thế mà vẫn không phải là nhân tài thì ai mới là nhân tài đây? Trong khi chúng ta đang rất cần những người tài phụng sự tổ quốc mà những cuộc “chảy máu chất xám” như vậy “cũng chẳng có gì mà phải luyến tiếc”, thì chúng ta còn mất thời giờ, mất tâm sức, trí tuệ bàn về việc “về hay ở” của họ làm gì?
Đỗ Lâm Hoàng là quán quân mùa thứ 5 cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.
Nhiều lý giải vẫn chưa thấu đáo, không đủ sức thuyết phục vì sự “chụp mũ” và “chủ quan”. Có người còn ngán ngẩm cho rằng, bây giờ họ chỉ vì họ thôi. Nếu không đạt được lợi ích cá nhân thì chẳng ai nghĩ đến việc trở về phụng sự tổ quốc. Có phải thật sự thế không?
Ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, Tổng Bí thư Lê Duẩn còn quan niệm: “Mỗi người vì mọi người. Nhưng mọi người cũng phải vì mỗi người”. Nếu không có cái riêng thì liệu có cái chung không? Có người còn bực bội: “Nếu tốt nghiệp xong mà ở lại, làm cho nước ngoài thì phải hoàn lại số tiền Nhà nước chi cho việc đào tạo. Vì đó cũng là tiền thuế của dân”. Sòng phẳng đến mức “cưa đứt đục suốt” như thế là hết chuyện để nói rồi.
Nhưng sự thật có đơn giản như thế không? Anh Đỗ Lâm Hoàng là quán quân mùa thứ 5 cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Anh theo học ngành viễn thông ở Úc. Hai vợ chồng anh đều là thí sinh Việt Nam, học xong ở lại. Hiện gia đình anh đã có một cuộc sống khá ổn định ở xứ người, với công việc của một chuyên viên mạng di động không dây của Sở giáo dục bang Victoria. Cũng theo lời anh, học bổng của các quán quân Olympia không có bất cứ ràng buộc gì. 35.000 USD là phần thưởng cho người vô địch từ nhà tài trợ. Phần thưởng ấy thực ra chỉ là một phần sinh hoạt phí. Còn học bổng lớn nhất là học phí cho 4 năm học ở Úc, mỗi năm từ 20.000 đến 40.000 USD. Học bổng này do trường đại học ở Úc cấp. Nên khi chúng tôi đi, không bắt buộc phải về hay không”. Ở trường Đại học các nước, cứ học giỏi là được học bổng, cho dù là người ở bất kỳ Quốc tịch nào.
Tôi cũng là một thí sinh được đào tạo bài bản ở nước ngoài và học xong, tôi về nước ngay. Nhưng tôi cũng không phản đối các bạn ở lại. Tôi nghĩ, chúng ta cần bình tĩnh nghe tiếng nói của những người trong cuộc. Cũng theo anh Hoàng, khi sang Úc, năm đầu tiên, nói chuyện với mọi người, anh thường vòng vo, không bao giờ đi thẳng vào vấn đề. Các thầy cô của anh cảm thấy rất lạ. Năm thứ 2 thứ 3, anh được dạy rằng, trong công việc muốn gì thì nói thẳng ra và công việc phải hành xử bình đẳng. “Chúng tôi được đào tạo để đối diện và chịu trách nhiệm, được làm việc mình học và được là chính mình trong các ứng xử công việc. Tôi nghĩ Việt Nam có trọng dụng nguồn nhân lực như chúng tôi không? Và nếu trọng dụng, thì sử dụng nó như thế nào? Thực tế, chúng tôi ai đi cũng muốn quay về cả. Nhưng nếu quay trở về mà mục đích sử dụng khác với những gì chúng tôi được đào tạo thì chúng tôi đi học để làm gì? Lúc đó, chúng tôi sẽ không còn là nhân lực chất lượng cao. Khi tôi đi du học, tôi cũng xác định đi là để trở về chứ không phải không quay về”.
Nhưng rồi, vập vào thực tế trong nước, anh luôn “bị sốc”. Ngay trước khi đi, đang luyện tiếng Anh để đi du học thì các bác ở phường yêu cầu anh đi khám nghĩa vụ quân sự, anh cũng đi vì đó là nghĩa vụ. Nhưng đất nước vẫn yên bình, không phải chiến tranh. Theo quy định, những người đang học đại học thì được hoãn gọi nhập ngũ. Quy định như thế và anh cũng trình bày như thế, nhưng phường không đồng ý. Sau phải nhờ một vị lãnh đạo can thiệp và cũng phải trầy trật mãi, anh mới đi du học được. Anh nhận thấy ở nước ta có rất nhiều luật, nhưng người ta lại xử theo kiểu “luật rừng”. Đó là cú sốc đầu tiên.
Rồi năm thứ 4 đại học, anh đi thực tập với Sở giáo dục của bang Victoria, với vị trí chuyên viên mạng không dây. Khu vực anh vào thực tập, có một dự án dành cho mỗi trường, để nâng cấp hệ thống wireless tầm 60.000 USD. “Sếp tôi lúc đó, nắm rất chắc phần mạng có dây. Còn mạng không dây tôi nắm tốt hơn. Sau khi họp cùng sếp và những người cung cấp mạng không dây, sếp kêu rằng sự hiểu biết về mạng không dây của tôi rất tốt, cho nên cho tôi làm chuyên viên mạng không dây và có nhu cầu gì cần hỗ trợ thì yêu cầu trực tiếp. Sếp đưa cho tôi làm vị trí kết nối với những nhà cung cấp và quyết định việc thử nghiệm thiết bị. Tôi học được rất nhiều từ đó. Tôi có một buổi nói chuyện thẳng thắn với sếp về việc tại sao trước đó, ông ấy có thể giao công việc quan trọng cho một sinh viên thực tập như tôi. Ông bảo: “Tôi thấy bạn hiểu biết rất sâu vào vấn đề này. Tôi tin tưởng bạn có trách nhiệm với công việc nên tôi rất tự tin giao công việc này cho bạn”. Tôi hỏi tiếp: “Như ở nước tôi, sếp quyết định hết mọi thứ. Vậy tại sao ở đây ông không quyết định mọi thứ mà ông để cho tôi quyết định?”. Ông nói: Nếu có chuyện đó thì cũng lạ thật. Tôi nói cho anh biết người quản lý không phải là người biết tất cả mọi thứ. Mà người quản lý phải là người biết trong tay họ có những nhân viên như thế nào và họ phải biết sử dụng nhân viên của họ. Sau buổi đối thoại đó, tôi nghĩ rằng, chọn con đường ở lại có thể sẽ tốt hơn cho tôi”. Tuy nhiên, anh vẫn không quyết định ở lại. Khi tốt nghiệp xong, anh về Việt Nam. Anh gặp một vài người trong tập đoàn Viettel, cũng là dân du học về.
Lúc đó, tập đoàn cũng đang có đấu thầu dự án mạng 3G ở Lào và Campuchia. Cơ hội của anh khá lớn, còn nước Úc lúc đó lại đang suy thoái. “Bạn tôi có nói với tôi: Nếu em tốt nghiệp rồi, bên này đang cần kỹ sư mạng không dây. Em về thử làm với bọn anh. Qua trao đổi, có một điều, bạn bè tôi chỉ ra các cơ hội làm việ rất tốt. Nhưng ai cũng thòng lại một câu cuối cùng: “Em về Việt Nam làm, có nhiều cái khác biệt so với nước ngoài. Khác biệt lớn nhất là: trong giao tiếp, có những cái em biết đôi khi em cũng không nên nói. Và nếu có biết cũng thể hiện lập lờ như mình không biết”. Lời khuyên thứ 2 thực sự làm tôi phải thay đổi suy nghĩ để không về là: “Các em còn trẻ nên khi nói chuyện với những người lớn tuổi hơn, các em không nên thể hiện sự hiểu biết của mình”. Lúc đấy, tôi nghĩ tôi đâu còn là một đứa trẻ, mà được dạy như thế thì phức tạp quá. Tôi thực sự thấy sốc tâm lý. Mình là người Việt Nam, mà về Tổ quốc mình, mình lại không được sống thật với con người của mình, thì thật đáng ngại. Thêm nữa, môi trường làm việc cũ kỹ, cơ chế cứng nhắc và có một số thứ chưa thực sự minh bạch. Để thành công, ngoài khả năng chuyên môn, còn nhiều cái khác mà không phải ai cũng thích nghi, nhất là những người được đào tạo kỹ lưỡng để làm một con người tử tế. Mặc dù ở nước ngoài rất khổ. Xa gia đình, Không được sống trong môi trường quen thuộc, lại khác biệt hoàn toàn về văn hóa. Ngay đơn giản nhất, muốn ăn bát phở phải đi hàng trăm cây số. Hơn nữa, ở nước ngoài, việc cạnh tranh rất cao, lại rất nhiều thử thách. Áp lực kinh hoàng. Tuy nhiên, môi trường làm việc minh bạch, không đòi hỏi bôi trơn này nọ nên chúng tôi luôn được là chính mình, được sống thật với con người thật của mình…”
Chuyện của Đỗ Lâm Hoàng là một vụ việc rất cụ thể, nhưng cũng là tâm trạng chung của nhiều người. Chúng ta cần thiện chí lắng nghe. Muốn đất nước phát triển, phải trông vào các tài năng và những người thật sự có năng lực. Cần đổi mới thật sự. Nghĩa là phải xoá nạn bôi trơn. Tạo môi trường minh bạch để thu hút nhân tài. Nếu chúng ta không làm triệt để như thế, thì đừng mong sự hưng thịnh. Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Chân lý ấy bao giờ cũng có tính thời sự. …