Nhà thuốc FPT Long Châu quảng cáo mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh: Vì sao chưa xử lý?
FPT Long Châu quảng cáo mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh? |
Quảng Ninh: Bán thuốc không cần toa, nhà thuốc FPT Long Châu “coi thường” sức khỏe người bệnh? |
Cơ quan chức năng có thờ ơ với vi phạm?
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, mặc dù có rất nhiều sản phẩm là mỹ phẩm nhưng thời gian qua, trên website của nhà thuốc Long Châu lại quảng cáo giống như thuốc chữa bệnh, khiến nhiều người hoang mang vì không biết đâu là thuốc, đâu là mỹ phẩm?
Trụ sở Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu tại Quận 3, TP HCM |
Cụ thể, nhiều khách hàng khi đăng nhập vào website của nhà thuốc Long Châu (https://nhathuoclongchau.com/ thuộc Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu) để tìm kiếm sản phẩm đã rất "bối rối" khi thấy thông tin giới thiệu về một số sản phẩm mỹ phẩm đang được quảng cáo có dấu hiệu thổi phồng công dụng, không đúng bản chất của sản phẩm, bao gồm cả sản phẩm ngoại nhập và nội địa.
Có thể kể đến như: Sản phẩm Megaduo Gel (loại 15g) - đây là sản phẩm mỹ phẩm có công dụng: Ngừa mụn trứng cá, ngừa thâm, dưỡng da, do Công ty TNHH MTV Dược - Mỹ phẩm Gamma (tên cũ: Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất Hóa Mỹ phẩm Gam Ma) sản xuất và chịu trách nhiệm đưa ra thị trường. Tuy nhiên, thông qua website quảng cáo của nhà thuốc Long Châu, sản phẩm này lại trở thành “Gel trị mụn và vết thâm”.
Sản phẩm Skarfix-TX Cream được FPT Long Châu quảng cáo như thuốc với từ "trị nám" |
Hay như sản phẩm Skarfix-TX Cream là mỹ phẩm nhập khẩu, có công dụng giúp làm mờ vết thâm, đốm đen, vết nám, tàn nhang; Giúp da sáng mịn, đều màu và tăng độ rạng rỡ... Khi quảng cáo trên website của của nhà thuốc Long Châu, sản phẩm này được giới thiệu là “kem trị nám Skarfix-TX Cream”.
Tương tự, một sản phẩm khác là dầu gội Fixderma Fcl T-Shampoo 200ml, có xuất xứ từ Ấn Độ. Ngoài công dụng được giới thiệu như: Giúp làm sạch gàu, loại bỏ dầu cho da đầu; Giảm ngứa và giảm bong tróc da… thì ở phần mô tả sản phẩm, FPT Long Châu tiếp tục nhấn mạnh: “Fixderma Fcl T-Shampoo Anti Dandruff là công thức hiệu quả để điều trị gàu và bệnh vẩy nến da đầu. Do đó, ngoài khả năng làm sạch tóc và da đầu như những dầu gội thông thường, sản phẩm còn được nâng cấp với các thành phần hoạt chất có khả năng loại bỏ gàu và làm dịu kích ứng, mẩn đỏ”.
FPT Long Châu đang có dấu hiệu "dược hóa mỹ phẩm", gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng |
Có thể thấy, việc quảng cáo nêu trên rất dễ khiến người tiêu dùng gây hiểu nhầm công dụng của sản phẩm, trong khi đặc tính của mỹ phẩm không có tác dụng giống như thuốc chữa bệnh.
Được biết, hiện trên website https://nhathuoclongchau.com có rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm đang được FPT Long Châu quảng cáo và giới thiệu với tính năng tương tự như thuốc.
Liên quan đến nội dung quảng cáo mỹ phẩm trên website https://nhathuoclongchau.com/, tại buổi làm việc trước đó vào ngày 16/5 và 24/5, đại diện truyền thông của Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu (FPT Long Châu) đều xác nhận, những thông tin này do nhà sản xuất cung cấp; Trường hợp thông tin chưa đúng thì sẽ cho kiểm tra và chỉnh sửa lại. Tuy nhiên đến nay, những thông tin quảng cáo sản phẩm với các từ, cụm từ như “trị”, “điều trị”, “đặc trị” đối với mỹ phẩm vẫn đang được FPT Long Châu sử dụng, không có dấu hiệu điều chỉnh hay chỉnh sửa thông tin quảng cáo cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Song song đó, ngày 18/5, phóng viên cũng đã liên hệ đến Sở Y tế TP HCM và Phòng Y tế Quận 3 để cung cấp thông tin về vụ việc trên, đồng thời đề nghị các cơ quan xác minh làm rõ và xử lý theo quy định. Tuy nhiên, đã hơn 2 tháng qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ 2 cơ quan này, đồng thời các thông tin quảng cáo nêu trên vẫn chưa thấy được xử lý.
Có thể bị xử phạt hành chính và buộc khắc phục hậu quả
Nhận định về vấn đề này, luật sư Trương Hồng Điền, Trưởng Văn phòng Luật sư Xuân Phú (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: Mỹ phẩm là loại “sản phẩm, hàng hóa” đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường. Vì vậy, để kiểm soát chặt chẽ, bảo vệ an toàn cho sức khỏe con người và môi trường thì việc quảng cáo đối với sản phẩm mỹ phẩm phải thực hiện theo các quy định về điều kiện quảng cáo nghiêm ngặt hơn so với hàng hóa thông thường.
Theo đó, quảng cáo mỹ phẩm phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4, Điều 12 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ; Khoản 12 Điều 2, khoản 4 Điều 20 Luật Quảng cáo năm 2012 và một số văn bản pháp luật liên quan khác.
Rất nhiều sản phẩm là mỹ phẩm nhưng được quảng cáo có công dụng giống thuốc chữa bệnh |
Cũng theo luật sư Trương Hồng Điền, theo quy định, quảng cáo sai sự thật được xem là hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố. Đây là một trong những hành vi bị cấm trong quảng cáo được quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 và khoản 7 Điều 109 Luật Thương mại năm 2005.
Doanh nghiệp có hành vi quảng cáo sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đối với cá nhân có hành vi quảng cáo sai sự thật, ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, gây thiệt hại phải bồi thường thì có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 11 Luật Quảng cáo năm 2012.
Về xử phạt hành chính, hành vi quảng cáo sai sự thật, có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo, được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021, sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 14 Điều 4 Nghị định 129/2021/NĐ-CP quy định về quảng cáo mỹ phẩm.
Trường hợp quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc sẽ bị xử phạt từ 30 đến 40 triệu đồng theo khoản 4 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ và buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Quảng cáo sai sự thật, tùy vào mức độ, tính chất sẽ bị xử lý theo quy định |
Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, theo luật sư Trương Hồng Điền, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
Theo đó, “Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng; Cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.
"Như vậy, trong trường hợp phát hiện hành vi quảng cáo sai sự thật, người bị hại có thể tố giác đến cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết. Nếu như bị thiệt hại do hành vi quảng cáo sai sự thật thì có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật", luật sư Trương Hồng Điền cho biết.
Từ vụ việc trên, luật sư khuyến cáo, người tiêu dùng cần tỉnh táo khi tiếp cận với sản phẩm mỹ phẩm qua hình thức quảng cáo; Cần tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và công dụng trước khi mua sản phẩm để bảo vệ sức khỏe của bản thân.