Nhanh chóng bình ổn giá thịt lợn dịp Tết Nguyên đán Canh Tý
Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt lợn nhằm bảo đảm nguồn cung tại thị trường trong nước
Bài liên quan
Cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết Nguyên đán
Hà Nội hướng dẫn người dân tái đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học
Hà Nội: Đảm bảo công tác ATTP Tết Nguyên đán 2020
Check in với hoa đào: Cách đón chào Tết của giới trẻ Hà thành
Giá lợn hơi đã có dấu hiệu giảm
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá thịt lợn ở các tỉnh miền Bắc tiếp tục giảm nhiệt, hiện tại không còn địa phương nào có giá trên 90.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên chỉ dao động trong khoảng 78.000-81.000 đồng/kg. Tại Hà Nội, giá lợn hơi 82.000-83.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh miền Nam, đặc biệt là tỉnh Đồng Nai, giá thịt lợn tiếp tục giảm, còn 77.000-80.000 đồng/kg. Hôm nay (8/1) là ngày thứ tư liên tiếp giá lợn hơi giảm mạnh. Đối với các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, những ngày gần đây, giá lợn hơi tiếp tục giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh chỉ còn khoảng 80.000-82.000 đồng/kg…
Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lợn hơi giảm liên tiếp trong mấy ngày qua là do lượng thịt nhập khẩu của các doanh nghiệp về nhiều với sản lượng tăng đột biến. Cùng với đó, các địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường thực phẩm nói chung, trong đó có thịt lợn dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Tập đoàn Dabaco… cũng vừa có đợt giảm giá nên giá lợn hơi trên thị trường cũng giảm nhanh.
Do giá lợn hơi xuất chuồng giảm nên giá thịt lợn bán tại các chợ dân sinh cũng giảm từ 2.000 đồng/kg đến 5.000 đồng/kg tùy loại. Khảo sát của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô tại một số chợ trên địa bàn quận Long Biên, Gia Lâm... cho thấy, thịt ba chỉ hiện có giá 175.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg), thịt nạc vai 168.000 đồng/kg (giảm 2.000 đồng/kg), sườn non 190.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg)...
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Thịt lợn là mặt hàng chiếm đến 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân nên lãnh đạo Chính phủ và các Bộ ngành rất quan tâm. Do đó, đề nghị tất cả các cơ quan, Bộ ngành cho đến doanh nghiệp phải chung tay để cùng đưa ra các biện pháp bền vững và căn cơ nhất như tái đàn, nhập khẩu thịt lợn đông lạnh.
Trước tình hình thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, Bộ Công thương triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ kết nối nhập khẩu thịt lợn, đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa |
Nói về nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của người dân Thủ đô, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Trước khi dịch tả châu Phi diễn ra, Hà Nội có tổng đàn lợn lên đến 1,8 triệu con, sau này tiêu hủy khoảng 30% tổng đàn. Hiện Hà Nội đã tái đàn 300.000 con.
Trong tháng Tết, nhu cầu của người dân Hà Nội dự kiến vào khoảng 22.300 tấn thịt lợn, trong khi đó thành phố chỉ đáp ứng trên 60%, còn lại thu mua từ các địa phương khác.
Theo bà Lan, thời gian qua, nguồn cung chưa xác định chuẩn nên việc nhập khẩu thịt lợn còn lơ là. Tuy nhiên, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định nguồn cung rõ ràng, Hà Nội đã nhanh chóng lên kế hoạch nhập khẩu để bù đắp lượng thịt thiếu hụt, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tăng cường nhập khẩu thịt lợn
Trước tình hình thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, Bộ Công thương triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ kết nối nhập khẩu thịt lợn, đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tại thời điểm hiện nay, các nước phát triển cũng đang vào thời điểm nghỉ Tết Dương lịch năm 2020, do vậy nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, giá bán thịt lợn tại các nước này cũng đã có xu hướng tăng so với thời gian trước, kéo theo việc ảnh hưởng đến giá nhập khẩu về Việt Nam.
Để góp phần bình ổn giá thịt lợn tại thời điểm trước Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 ở thị trường nội địa, Cục Xuất nhập khẩu đã có văn bản chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam.
Bộ Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất cung ứng đủ và theo đúng cam kết cho các doanh nghiệp phân phối, giảm giá bán nhằm dẫn dắt, bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn |
Theo đó, hệ thống Thương vụ tại các nước như Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ... đã tích cực triển khai hoạt động kết nối giao thương, kết quả đã có khoảng trên 50 doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu mở rộng thêm đối tác nhập khẩu thịt lợn từ phía Việt Nam, ngoài các đối tác đã có quan hệ kinh doanh từ trước đó.
Ngoài việc triển khai các biện pháp đã được Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo và đề nghị các hộ nông dân, doanh nghiệp kinh doanh trong nước thận trọng theo dõi sát tình hình diễn biến chăn nuôi, nhập khẩu từ các bộ, ngành để có kế hoạch phù hợp, tránh vì lý do khan hiếm nguồn cung, giá cả tăng cao mà ồ ạt tái đàn, vượt khả năng kiểm soát.
Hiện nay, Bộ Công thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan ngành dọc theo dõi sát, kiểm soát việc tổ chức tái đàn an toàn. Việc làm này nhằm bảo đảm chất lượng mặt hàng thịt lợn, tạo điều kiện cho các sản phẩm từ thịt lợn an toàn lưu thông qua các địa phương để bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho các vùng, miền nhằm hạn chế tình trạng tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường.
Đồng thời, các địa phương cần rà soát chặt chẽ thực trạng tình hình chăn nuôi gia cầm, gia súc tại các địa phương trọng điểm trên cả nước để kịp thời ứng phó khi biến động.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất cung ứng đủ và theo đúng cam kết cho các doanh nghiệp phân phối, giảm giá bán nhằm dẫn dắt, bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường được tiếp cận trực tiếp nguồn hàng chất lượng với giá hợp lý.
Các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng thịt lợn cần trao đổi, làm việc với các địa phương nhằm định hướng doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường đưa ra các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn từ nguồn thịt lợn nhập khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân. Dần thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường, góp phần giảm áp lực cho nguồn cung tại thị trường trong nước ở thời điểm hiện nay.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đã đề nghị các sở công thương và lực lượng quản lý thị trường tại khu vực biên giới thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, mua bán trái phép lợn sống và các sản phẩm từ qua biên giới, trên địa bàn chủ động ứng phó với hiện tượng vận chuyển, mua bán trái phép, chống đầu cơ, tích trữ, gây bất ổn đến tình hình thị trường trong nước.