Nhiều lãnh đạo bị bắt vì thất thoát vốn, VEAM nguy cơ mất thêm hàng trăm tỷ đồng
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) vừa công báo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 sau soát xét.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, VEAM ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.044 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi giá vốn, tổng công ty đạt 274 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, VEAM ghi nhận 2.813 tỷ đồng lãi trong công ty liên doanh, liên kết, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, tổng công ty ghi nhận 3.155 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thời điểm ngày 30/6/2021, tổng tài sản của VEAM ở mức 29.564 tỷ đồng. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính chiếm tới 15.6060 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn 6.015 tỷ đồng, hàng tồn kho 1.304 tỷ đồng.
Đáng nói, tại thời điểm ngày 30/6/2021, nợ phải trả của VEAM tăng đột biến so với thời điểm đầu năm, từ mức 1.942 tỷ đồng lên mức 7.867 tỷ đồng. Trong đó, hầu như nợ ngắn hạn chiếm toàn bộ nợ phải trả của tổng công ty.
Đặc biệt, theo thuyết minh báo cáo tài chính, tại thời điểm cuối tháng 6/2021, nợ xấu của VEAM ở mức 590,3 tỷ đồng, trong khi đó giá trị có thể thu hồi khoảng 154,3 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu tại Công ty Cổ phần Matexim Hải Phòng là 95,4 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi chỉ 54,6 triệu đồng.
Bên cạnh đó, VEAM có khoản phải thu tại Công ty Cổ phần Thép Minh Quang 82,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Tương Lai 79,8 tỷ đồng... nguy cơ "mất trắng" khi tổng công ty bỏ ngỏ về khả năng thu hồi số tiền trên.
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) |
Mặt khác, tại báo cáo tài chính, công ty kiểm toán đã đưa ra hàng loạt kết luận ngoại trừ tại VEAM. Cụ thể, tại thời điểm ngày 30/6/2021, tổng công ty chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với khoản phải thu khác ngắn hạn về các khoản hỗ trợ vốn cho các đơn vị thành viên: tổng số dư tại ngày 30/6/2021 là khoảng 124 tỷ đồng, tại ngày 1/1/2021 là 125,5 tỷ đồng.
Theo giải trình của VEAM, các khoản phải thu này phần lớn phát sinh từ nhiều năm trước đây (hỗ trợ cho công ty liên kết của tổng công ty). Trong đó, Công ty Cổ phần Matexim Hải Phòng nợ gốc là 84 tỷ đồng, nợ lãi là 32,8 tỷ đồng, hiện công ty vẫn đang hoạt động và có một số khó khăn về các khoản đầu tư dài hạn nên chưa trả nợ VEAM được.
Trong khi đó, số nợ của các đơn vị khác còn lại là hơn 6 tỷ đồng nợ gốc và 1,17 tỷ đồng nợ lãi, các công ty đang trả nợ dần. VEAM đang rà soát, tập hợp hồ sơ pháp lý để có cơ sở tiến hành trích lập dự phòng các khoản phải thu trên.
Cũng tại báo cáo tài chính, phía kiểm toán cũng đưa ra ý kiến loại trừ về khoản chi phí trả trước dài hạn tại Công ty Cổ phần Vật tư Thiết bị Toàn Bộ (Matexim) tại ngày 30/6/2021 bao gồm: các chi phí liên quan đến Nhà máy sắt xốp ngừng hoạt động nhiều năm với giá trị 264,3 tỷ đồng và chi nhánh Matexim Bắc Kạn với giá trị 55,1 tỷ đồng. Tổng công ty chưa đánh giá ảnh hưởng của vấn đề này khi hợp nhất báo cáo tài chính.
Theo giải trình của VEAM, chi phí trả trước dài hạn tại Công ty Cổ phần Vật tư Thiết bị Toàn Bộ chủ yếu là chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí lãi vay và một số chi phí khác của Nhà máy sắt xốp phát sinh từ các năm trước. Hiện nay, nhà máy đang gặp khó khăn phải dừng sản xuất nên các khoản chi phí nêu trên chưa thể phân bổ vào chi phí trong kỳ. Công ty Cổ phần Vật tư Thiết bị Toàn Bộ đang xem xét cơ cấu lại sản phẩm đầu ra, riêng đối với khai thác mỏ đã tiến hành sản xuất trở lại.
Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, thời gian qua, hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo của VEAM đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an khởi tố vì “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại tổng công ty và một số đơn vị thành viên.
Từ trái qua phải: Bị can Trần Ngọc Hà, Lâm Chí Quang, Vũ Từ Công, Nguyễn Mạnh Chung |
Đến nay, các đơn vị thuộc Bộ Công an vẫn đang điều tra nhiều vụ án hình sự liên quan đến VEAM và các đơn vị thành viên. Hồi cuối tháng 3/2021, công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại VEAM và một số đơn vị liên quan.
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đề nghị truy tố các bị can: Trần Ngọc Hà - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang - nguyên Tổng Giám đốc VEAM; Vũ Quang Tâm và Vũ Từ Công, đều nguyên Phó Tổng Giám đốc VEAM, cùng một số bị can khác.
Theo kết luận điều tra, bị can Trần Ngọc Hà giữ chức Tổng Giám đốc VEAM từ 2015-2019, là người điều hành hoạt động của tổng công ty. Trong thời gian giữ chức vụ này, bị can Hà không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao, buông lỏng quản lý, quyết định những chủ trương, chiến lược hoạt động của VEAM không đúng các quy định pháp luật gây thất thoát tài sản Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Theo kết luận, ngoài các bị can bị đề nghị truy tố còn một số cá nhân khác thuộc Phòng Kinh doanh, PhòngTài chính của VEAM có hành vi hoàn thiện các thủ tục, ký các chứng từ thanh toán, chuyển tiền. Tuy nhiên, công an cho rằng họ đều là nhân viên cấp dưới, thực hiện theo nhiệm vụ được phân công và theo chỉ đạo của cấp trên nên chưa đến mức bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Trong khi đó, các cá nhân thuộc Hội đồng quản trị của VEAM gồm ông Bùi Quang Chuyện (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị) và các thành viên khác là những người chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu Nhà nước về bảo toàn vốn (Bộ Công thương) nhưng không phát hiện hành vi của Trần Ngọc Hà và các đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước.
Cơ quan điều tra xét thấy sự việc sai phạm diễn ra trong thời gian ngắn, các bị can ký thỏa thuận, chuyển tiền đặt cọc không báo cáo Hội đồng quản trị. Khi phát hiện, Hội đồng quản trị đã kiểm tra giám sát, ban hành nghị quyết yêu cầu làm rõ, xử lý sai phạm nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự với các cá nhân này.
Cuối tháng 7/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an cũng đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại VEAM, Công ty Cổ phần Thương mại Vận tải VEAM (Vetranco) và một số doanh nghiệp liên quan.
Ngoài việc đề nghị truy tố các hành vi phạm pháp của bị can Trần Ngọc Hà và các đồng phạm gây thất thoát tài sản Nhà nước, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an cũng đề nghị Bộ Công thương xử lý hành chính một số người có liên quan.
Cụ thể, trong quá trình điều tra bổ sung, cơ quan điều tra cũng làm rõ trách nhiệm của nhiều người khác liên quan đến việc phạm tội, gồm các cá nhân tại Hội đồng quản trị VEAM, Ban kiểm soát VEAM, các cá nhân tại Vetranco…
Tuy nhiên, cơ quan điều tra thấy chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với những người này nên đề nghị Bộ Công thương xử lý hành chính liên quan sai phạm VEAM trong việc bảo lãnh cho Vetranco gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Mới đây nhất, ngày 30/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã thi hành quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Trần Anh Sơn - người phụ trách quản trị VEAM.