Nhiều người trẻ chọn đi làm xuyên kỳ nghỉ lễ
Khi người trẻ làm "việc lớn"... |
Nhiều lý do để không nghỉ lễ
Khác với nhiều người trẻ khác, dịp lễ 30/4 – 1/5 này, Hải Anh (24 tuổi, nhân viên tư vấn bán hàng) quyết định ở lại Hà Nội đi làm việc. Cô gái trẻ cho biết công ty thuộc ngành dịch vụ, nên không thể đóng cửa vào những ngày lễ được, chủ yếu là do nhu cầu ngày lễ thường tăng cao. Vì tính chất đặc thù, công ty của Hải Anh sẽ chia ca nghỉ để mọi người vẫn có thể nghỉ ngơi và công ty vẫn luôn có người trực.
“Tối đa thì mọi người chỉ được đăng ký ca làm tối đa là 50%/tổng số ngày nghỉ theo quy định. Và dịp lễ tới đây, mình cũng đã đăng ký 3 ca làm để phù hợp với thời gian nghỉ ngơi, cũng như sắp xếp cuộc sống trong những ngày nghỉ lễ đó.
Bình thường công việc của mình chỉ kéo dài khoảng 5-7 tiếng/ngày, nên nghĩ đến việc đi làm cũng không khiến mình cảm thấy mệt mỏi hay bận rộn hơn. Cả tháng vừa rồi, mình cũng đã nghỉ mấy hôm liền do việc riêng, nên đến ngày lễ mình dự tính làm bù lại. Tranh thủ cày cuốc tiết kiệm tiền để sang năm mua laptop và điện thoại mới”. Hải Anh nói
Để nói về lý do khiến mình không ngần ngại lại làm ngày lễ, cô gái trẻ cho rằng đầu tiên cần nhắc đến đó là chuyện lương thưởng. Nhiều công ty có chế độ nhân lương nếu làm ngày lễ. So với ngày thường, cũng khối lượng công việc đó, nhưng lại nhận được tận 4 lần lương, thì nhiều nhân viên như Hải Anh sẽ cảm thấy rất “lời”.
Hải Anh quyết định đăng ký đi làm dịp lễ 30/4 vì vừa có thể tăng thêm thu nhập, vừa có thể tận hưởng Hà Nội khi vắng vẻ |
Thêm nữa, thông thường ngày lễ mọi người thường tranh thủ về quê thăm gia đình, đi du lịch cùng người yêu hoặc bạn bè. Đối với một người gia đình ở miền Trung như Hải Anh thì việc di chuyển cũng khá tốn thời gian. Tiền vé máy bay vào dịp đó cũng nên hầu như dịp lễ Hải Anh sẽ không có dự tính về quê, mà để dành Tết về một thể.
Cô gái trẻ cũng cho rằng đi du lịch dịp lễ thì bon chen đông đúc, giá cả lại cao gấp 2-3 lần bình thường. Vốn là một người không thích nơi đông người nên rất hiếm khi Hải Anh có kế hoạch du lịch cho những ngày này.
Ở vị trí của một lãnh đạo, Vũ Đức Anh (1994, trưởng phòng của một công ty du lịch) cho biết: "Ai làm dịch vụ sẽ hiểu, ngày lễ là ngày kiếm tiền, và đây là đặc thù của ngành rồi. Nhưng nhân viên thì luôn có quyền lựa chọn - đi làm hay nghỉ - vào lễ. Tuy vậy, để có đủ nhân sự làm việc, thường thì công ty sẽ có những "ưu đãi" vượt mức ngày thường.
“Tại công ty của mình, nếu nhân sự lựa chọn đi làm ngày lễ, sẽ được nhận 300% lương vào ngày đó, cộng thêm cả thưởng lễ. Cá nhân mình cũng luôn có 1 bữa tiệc nhỏ để chiêu đãi những "cộng sự" chịu khó đồng hành cùng mình trong những ngày này. Nếu như nhân viên bày tỏ thái độ nhiệt tình và năng nổ, mình cũng sẽ có ấn tượng tốt hơn và sẵn sàng đề cử nhân viên đó được nghỉ những dịp lễ sau, kèm thêm thưởng nóng nếu doanh số thu về đạt mức mong đợi", Đức Anh nói.
Dù “tủi thân” nhưng vẫn sẵn sàng
Đối với Trần Đức (25 tuổi, nhân viên kinh doanh), việc được nhân lương hay lười đi lại vào những ngày lễ vì sợ đông, cũng không thể xua tan hết cảm giác tủi thân được. Trần Đức chia sẻ rằng có những lần, đi làm dịp lễ gặp mọi người đưa nhau đi chơi, đi mua sắm thì bản thân cũng thấy chạnh lòng. Phần nhiều cũng do hoàn cảnh đưa đẩy như nhà ở xa, tính chất công việc thì không thể thay đổi.
Dù có đôi chút buồn, Trần Đức vẫn sẵn sàng đi làm ngày lễ |
“Đôi lúc tủi thân thì tự động viên mình, không chơi dịp này thì chơi dịp khác, không về khi này thì về khi khác vậy. Bù lại thì cảm giác được nhận lương cao cũng khiến mình có chút phấn khích. Hơn nữa, hầu hết mọi người công ty mình đều chọn đi làm ngày lễ, vì chỉ cần làm 2 ngày lễ đã bằng cả tuần đi làm. Đông người làm chung nên cũng xua tan được cảm giác tủi tủi”, Đức nói.
Đức cũng cho biết sau những ngày làm thêm ở kỳ nghỉ lễ, anh sẽ tự thưởng bản thân điều gì đó như một bộ quần áo, mổ đôi giày hay một chiếc đồng hồ mới. Cũng theo Đức, đi làm ngày lễ đôi khi anh còn có cảm giác “nhàn” hơn ngày thường một chút vì đường phố Hà Nội không còn đông đúc, khách dễ có nhu cầu mua hàng hơn, tăng được cả doanh số. Nếu căng thẳng trong công việc thì cũng nên lên 1 kế hoạch xả hơi để cân bằng lại tâm trạng cũng như cuộc sống.
“Đi làm ngày lễ đôi khi không phải là vấn đề gì quá đau đầu. 3-4 ngày nghỉ lễ trôi qua nhanh như chớp mắt ấy mà. Đi làm hay nghỉ ngơi là lựa chọn của mỗi người, đừng vì suy nghĩ bạn bè nghỉ mình cũng phải nghỉ hay bạn bè làm mình cũng phải làm. Cứ hợp hoàn cảnh, là mình “triển” thôi!", Trần Đức chia sẻ.
Tương tự, Vũ Hoài (23 tuổi, hướng dẫn viên du lịch) vẫn làm toàn thời gian trong những dịp này, thậm chí ngày nghỉ với anh luôn là điều xa vời.
Được gắn bó với công việc mình yêu thích giúp Vũ Hoài không ngại đi làm ngày lễ |
"Vốn dĩ công việc của mình di chuyển khá nhiều, nên lễ mà đi du lịch cũng chẳng còn đặc biệt. Mình đã không có khái niệm ngày nghỉ lễ, từ thời điểm 5 năm trước - khi mình bắt đầu công việc dẫn tour này.
Vào dịp lễ, số lượng tour mình phụ trách dày đặc hơn cả ngày thường, nhưng điều này không khiến mình cảm thấy mệt mỏi, thậm chí là còn hứng khởi hơn ngày thường. Đơn giản vì mình thực sự yêy du lịch, càng được xê dịch nhiều càng thỏa mãn đam mê đó. Nếu bắt mình nghỉ vào những ngày lễ, chắc mình phát điên mất!", Vũ Hoài bày tỏ.