Nhiều sông băng tại các di sản thế giới sẽ “biến mất”
Nông dân Mỹ vật lộn với khủng hoảng giá cả Start-up công nghệ y tế Indonesia đặt tham vọng mở rộng ở Đông Nam Á Việt Nam là điểm đến đầu tư của EU tại Đông Nam Á |
Theo UNESCO, 50 di sản thế giới được UNESCO công nhận là nơi có sông băng (tổng cộng 18.600 sông băng đã được xác định trong 50 địa điểm này, bao phủ khoảng 66.000km2), chiếm gần 10% tổng diện tích Trái đất bị đóng băng. Chúng bao gồm núi cao nhất (cạnh đỉnh Everest), dài nhất (ở Alaska) và các sông băng cuối cùng còn sót lại ở Châu Phi…
Vườn quốc gia Huascaran (Peru) |
Theo UNESCO, một nửa nhân loại phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào các sông băng (nước cho mục đích sinh hoạt, nông nghiệp, năng lượng). Các sông băng cũng là trụ cột của đa dạng sinh học, nuôi dưỡng nhiều hệ sinh thái.
Sông băng ở Te Wahipounamu (New Zealand) đã mất gần 20% thể tích kể từ năm 2000 |
Khi các sông băng tan chảy nhanh chóng, hàng triệu người phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước và nguy cơ gia tăng các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt và hàng triệu người khác có thể phải di dời do nước biển dâng cao.
Sông băng ở dãy núi Thiên Sơn (Tian Shan) xuyên qua Trung Á bao gồm một phần của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Trung Quốc đã mất đi 27% khối lượng kể từ năm 2000 |
Một nghiên cứu mới của UNESCO hợp tác với Liên minh Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) cho thấy những sông băng này đã mất với tốc độ nhanh hơn kể từ năm 2000 do lượng khí thải CO2 làm nhiệt độ nóng lên. Số băng hiện đang bị mất khoảng 58 tỷ tấn/năm, tương đương với lượng nước sử dụng hằng năm của Pháp và Tây Ban Nha. Đây cũng là nguyên nhân gây ra gần 5% mực nước biển dâng toàn cầu được quan sát thấy.
Vùng Pyrenees Mont Perdu (Pháp) |
Báo cáo kết luận 1/3 các sông băng trong số 50 di sản thế giới sẽ biến mất vào năm 2050, bất kể những nỗ lực hạn chế sự gia tăng nhiệt độ của con người. Tuy nhiên, UNESCO cho rằng vẫn có thể cứu được các sông băng ở 2/3 địa điểm còn lại nếu sự gia tăng nhiệt không vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Vườn quốc gia Yosemite (Hoa Kỳ) |
UNESCO kêu gọi các quốc gia cần giảm nhanh mức phát thải CO2 mới có thể cứu được các sông băng và sự đa dạng sinh học đặc biệt phụ thuộc vào chúng. Ngoài việc kêu gọi giảm đáng kể lượng khí thải carbon, UNESCO đang vận động thành lập một quỹ quốc tế để giám sát và bảo tồn sông băng nhằm hỗ trợ nghiên cứu toàn diện, thúc đẩy mạng lưới trao đổi giữa tất cả các bên liên quan và thực hiện các biện pháp cảnh báo sớm và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Du khách cưỡi ngựa trong Công viên quốc gia Los Alerces (Argentina) |
Những sông băng trong danh sách "đỏ" của UNESCO Châu Phi: Các sông băng ở tất cả các di sản thế giới tại Châu Phi bao gồm cả Vườn quốc gia Kilimanjaro (Tanzania) và núi Kenya. Châu Á: Sông băng ở 3 con sông thuộc khu bảo tồn Vân Nam (Trung Quốc) có sự tan chảy nhanh nhất (mất 57,2% thể tích vào năm 2000). Các sông băng ở Tây Thiên Sơn (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan) đã thu hẹp 27% khối lượng kể từ năm 2000. Châu Âu: Sông băng ở Pyrenees Mont Perdu (Pháp, Tây Ban Nha) và ở Dolomites (Italy). Mỹ La-tinh: Các sông băng ở Công viên quốc gia Los Alerces (Argentina) đã mất 45,6% thể tích từ năm 2000. Các sông băng ở Vườn quốc gia Huascaran (Peru). Bắc Mỹ: Các sông băng ở Công viên quốc gia Yellowstone và Vườn quốc gia Yosemite (Hoa Kỳ). Các sông băng ở Công viên Hòa bình quốc tế Waterton Glacier (Canada, Hoa Kỳ) đã mất 26,5% thể tích trong 20 năm. Châu Đại Dương: Các sông băng ở Te Wahipounamu (New Zealand) đã mất gần 20% thể tích kể từ năm 2000. |