Nhịp cầu nhà nông: Trang bị kiến thức, giúp nông dân làm chủ khoa học kỹ thuật
Người bạn đồng hành của nhà nông
Đã nhiều năm gắn bó với nghề nuôi gà nhưng chị Lê Thị Lan, ở xã Đông Yên, huyện Quốc Oai (Hà Nội) chưa khi nào bớt nỗi lo với trại gà đẻ siêu trứng của gia đình. Chị Lan chia sẻ, mặc dù đã cho gà ăn đầy đủ thức ăn, bổ sung vitamin, khoáng chất nhưng khoảng 1 tháng nay gà đẻ kém, giảm tới 35% sản lượng trứng. Thậm chí, ngày nào chị cũng nhặt đến vài khay trứng non.
Tham dự diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông" được tổ chức mới đây, chị Lan đã biết cách chăm sóc, phòng bệnh hiệu quả cho gà. Trong đó, quan trọng nhất là tiêm phòng vaccine cho gà để tránh nguy cơ mắc các bệnh như newcatson, cúm, giảm đẻ, IB H52 (phế quản truyền nhiễm)...
Thông qua diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông", chị Lan đã biết cách chăm sóc, phòng bệnh hiệu quả cho đàn gà |
Cũng giống chị Lê Thị Lan, ông Nguyễn Bá Sáu, ở xã Thư Phú, huyện Thường Tín (Hà Nội) có thâm niên gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi thủy sản nhưng chưa khi nào bớt nỗi lo với ao cá thương phẩm của gia đình.
Ông Sáu chia sẻ: “Do việc nuôi thủy sản chịu ảnh hưởng từ nguồn nước sông Nhuệ nên dù thường xuyên xử lý môi trường nước nhưng đàn cá luôn trong nguy cơ bị dịch bệnh bất cứ lúc nào”.
Đến với "Nhịp cầu nhà nông", ông Sáu được PGS.TS Kim Văn Vạn – Học viện Nông nghiệp Việt Nam khuyến nghị, nông dân phải túc trực theo dõi nguồn nước, khi thấy nước đục phải dùng ngay các chế phẩm sinh học để xử lý. Cùng với đó, khâu quản lý chăm sóc đàn cá phải thực hiện thường xuyên từ thức ăn đến các biểu hiện thời tiết. Ao nuôi cần kiểm soát 3 vấn đề lớn gồm: Nước sạch, cân bằng độ PH và bảo đảm đủ oxi...
Hay như trường hợp của hộ chị Nguyễn Thị Tài, ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín (Hà Nội) đang canh tác 7 sào cây ăn quả các loại như mít, ổi, táo, bưởi từ 3 – 10 năm tuổi. Tuy nhiên, năm nay, phần lớn số cây mít của gia đình dù sai quả nhưng chất lượng kém ngon, kém ngọt, quả nhỏ.
Băn khoăn của chị Tài đã được TS Cao Văn Chí – Viện Nghiên cứu rau quả giải đáp, đó là do yếu tố giống và cách chăm sóc. Theo đó, đối với cây ăn quả nói chung khâu đầu tiên là phải chọn mua giống chuẩn ở cơ sở uy tín; Tiếp đến là thực hiện quy trình chăm sóc, bón phân cho phù hợp.
Với cây dài ngày như mít thì nông dân nên cung cấp dinh dưỡng ở tất cả các giai đoạn ra hoa, đậu quả, quả non, vào múi và trước thu hoạch 1,5 – 2 tháng để cây cho quả đạt chất lượng cao nhất, mẫu mã đẹp.
Cơ hội giúp nông dân tiếp cận với khoa học
"Nhịp cầu nhà nông" là một trong những hoạt động trọng tâm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội được tổ chức với mục đích trang bị kiến thức, giúp nông dân làm chủ khoa học kỹ thuật. Diễn đàn được tổ chức luân phiên tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố với sự tham gia của Ban cố vấn là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực chăn nuôi thú y, thủy sản, trồng trọt bảo vệ thực vật.
"Nhịp cầu nhà nông" góp phần giải đáp cho nông dân về kỹ thuật sản xuất |
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho hay, trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, nông dân muốn tiêu thụ được sản phẩm thì nông sản làm ra phải đảm bảo an toàn. Do đó, việc tiếp thu và vận dụng tốt những thông tin hữu ích từ các chuyên gia sẽ giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần tăng thu nhập.
"Nhịp cầu nhà nông không chỉ giải đáp cho nông dân về kỹ thuật sản xuất mà còn giúp họ hiểu rõ, nắm bắt chính sách của Nhà nước, thành phố về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Theo kế hoạch, năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với UBND các huyện trên địa bàn thành phố tổ chức 6 diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông”, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân nhấn mạnh.
Có thể thấy rằng, diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông" là cơ hội để nông dân tiếp cận với các nhà khoa học, từ đó vỡ ra nhiều bài học áp dụng vào thực tế sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi cũng như giá trị sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.
Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội |