Những nhân viên "2 tay 2 việc"
Học sinh thích thú trải nghiệm công việc thực tế mình mong muốn trong tương lai |
Âm thầm giấu sếp
Suốt 4 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học, Phương Chi (26 tuổi) làm công việc hành chính cho 1 công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội. Công việc này có thu nhập hạn chế, chỉ đủ chi trả tiền nhà, điện nước và phụ giúp một ít cho ba mẹ ở quê. Các khoản ăn uống, đi lại hay giải trí của Phương Chi phụ thuộc vào thu nhập từ việc tay trái.
Khoảng 2 năm nay, cô gái trẻ làm thêm việc quảng bá thương hiệu và livestream bán hàng cho một tiệm quần áo. Công việc chỉ làm ngoài giờ, không “lấn” sang giờ hành chính. Khi được hỏi có sao không khi sếp ở công ty biết cô làm nghề tay trái, Phương Chi khẳng định: “Không cần giấu, nhưng cũng không chủ động tiết lộ”.
“Một năm đầu tiên làm song song 2 việc, mình không thể cân đối thời gian. Những đợt công ty chính có dự án quan trọng, thú thực, mình không thể tập trung toàn sức lực để làm”, cô nói.
Phương Chi cho rằng không cần giấu, nhưng cũng không chủ động tiết lộ khi làm thêm nghề tay trái với sếp |
Ngày càng có nhiều người lựa chọn làm thêm công việc thứ 2, thứ 3 để đáp ứng kỳ vọng từ gia đình hoặc mong muốn phát triển năng lực và tận dụng thời gian nhàn rỗi. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Google trên 1000 người lao động, gần 60% cho biết có làm thêm công việc phụ, trong đó 70% làm với mức độ thường xuyên. Một số chọn thẳng thắn chia sẻ với cấp trên, trong khi những người còn lại tìm cách che giấu, hoặc chỉ trả lời khi được hỏi đến.
Phương Chi là một trường hợp điển hình. Mỗi tháng, cô gái trẻ kiếm thêm khoảng 13 triệu đồng từ công việc phụ, cao hơn so với mức lương từ công ty chính thức. Tuy nhiên, cô cho biết sẽ không rời bỏ công ty ở thời điểm hiện tại vì có nguồn thu ổn định và chế độ bảo hiểm rõ ràng.
“Chuyện trình bày nghề tay trái với quản lý không thực sự mang lại lợi ích cho bên nào. Mình sợ bị sếp đánh giá chểnh mảng, phân tâm cho việc riêng. Mình hiểu rằng phải ưu tiên nhiệm vụ của công ty chính thức trước nhưng cũng cần có thêm thu nhập”, cô gái trẻ bày tỏ.
Tương tự, Nguyễn Hà Vy (25 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) cũng lựa chọn không chia sẻ với sếp về nghề tay trái của mình. Công việc chính của cô là chuyên viên tư vấn/hoạch định gói bảo hiểm. Bên cạnh đó, cô cũng nhận thêm việc quảng bá hình ảnh cho một số doanh nghiệp mới ra mắt. Không ít lần, Hà Vy định nói với cấp quản lý về nghề phụ của mình. Cô gái trẻ lo sợ nếu sếp tự tìm hiểu ra, cô sẽ đánh mất lòng tin, đồng thời còn bị phản đối làm việc.
“Công việc tư vấn bảo hiểm của mình không hề nhàn hạ. Hàng tuần, mình còn phải đi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Nếu biết mình làm thêm nghề tay trái ‘nặng đô’ như marketing, chắc chắn sếp sẽ không đồng ý”, Hà Vy tâm sự.
Đức Nhân không muốn với sếp về công việc ngoài giờ vì sợ sếp đánh giá chểnh mảng việc ở công ty |
Đồng quan điểm, Đức Nhân (28 tuổi) cũng không muốn với sếp về công việc ngoài giờ. Ban ngày, nhân viên văn phòng này bận rộn 8 tiếng với công việc kế toán. Đến tối, anh lại cùng bạn đi khảo sát các nhà xưởng và đặt may mẫu quần áo cho cửa hàng online.
“Công việc kinh doanh của mình mới bắt đầu nên không tự tin chia sẻ cùng ai. Hơn nữa, việc chính của mình đã rất bận rộn. Nếu tiết lộ có thêm nghề tay trái, mình sợ cấp trên sẽ phản đối, đánh giá mình có thể chểnh mảng việc ở công ty”, Đức Nhân giải thích.
Cần sự cân bằng
Trong khi nhân sự lo lắng bị sếp đánh giá, phản đối khi theo đuổi nghề tay trái, nhiều quản lý lại cho rằng vấn đề cốt lõi nằm ở hiệu quả công việc và không mâu thuẫn đến lợi ích công ty.
Minh Đức (32 tuổi), quản lý nhân sự trong một công ty công nghệ tại Hà Nội cho biết mình “không suy nghĩ nhiều” khi cấp dưới có thêm nghề phụ. Trong 3 năm đảm nhiệm vai trò điều hành, anh biết nhiều nhân viên của mình nhận 2-3 công việc khác cùng lúc.
Công việc phụ, việc ngoài giờ (side job, side hustle) đang là xu hướng làm việc của nhiều người trẻ với mục tiêu chính là để gia tăng thu nhập |
Thay vì làm khó, Đức cho rằng mọi thứ được giải quyết khi nhân viên đảm bảo công việc chính, từ thái độ, deadline đến ý thức hợp tác với đồng nghiệp. Chỉ cần đáp ứng yêu cầu này, anh sẽ không bàn đến đầu việc phụ của họ. Tuy nhiên, anh cũng từng phải cho vài nhân sự thôi việc khi những bạn này quá ôm đồm công việc, không biết cân đối thời gian.
“Ai cũng có thể nhận thêm việc để cải thiện thu nhập, đảm bảo chất lượng cuộc sống riêng. Tuy nhiên, mọi người phải xác định đâu là nhiệm vụ quan trọng hơn và đặt nó lên hàng đầu. Mình sợ kiểu nhân sự cái gì cũng nhàng nhàng”, Minh Đức chía sẻ.
Trong khi đó, Linh Anh (29 tuổi), quản lý nhân sự tại một công ty thương mại điện tử cho rằng tùy thuộc vào tính chất của công việc, nhân sự mới có thể nhận nghề tay trái phù hợp. Theo cô, nếu nghề tay trái không liên quan đến công việc chính, ví dụ như làm tài xế công nghệ, bán hàng trực tuyến hoặc kinh doanh riêng (ngoài lĩnh vực đang làm việc), nhân sự có thể lựa chọn không nói để tránh những dò xét, nghi vấn của cấp trên.
Tuy nhiên, những công việc có liên quan, đặc biệt là mâu thuẫn hoặc xung đột lợi ích với công ty chính, nhân sự cần có sự tìm hiểu, thông báo với cấp trên nhằm tránh vi phạm các điều luật của công ty.
Linh Anh cho rằng mỗi người cần biết sắp xếp thời gian hợp lý, tránh để nghề tay trái ảnh hưởng đến thành tích của công việc chính đang làm |
“Mình từng biết nhiều bạn nhân sử dụng data (dữ liệu) của công ty chính để phục vụ công việc ngoài giờ, như vậy là làm trái với chính sách của công ty, thậm chí vi phạm pháp luật. Các bạn cần tỉnh táo khi làm những việc như vậy”, Linh Anh nói.
Ngoài ra, cũng theo nữ HR, nếu công việc phụ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất của công việc toàn thời gian, điều này có thể gây bất lợi. Vì vậy, dù lựa chọn nói ra hay không, mỗi người cần biết sắp xếp thời gian hợp lý, tránh để nghề tay trái ảnh hưởng đến thành tích của công việc chính.