Những bác sĩ trẻ tận tụy vì người bệnh nghèo
Bước chân không mỏi
Anh Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, bác sĩ khoa Mũi xoang, Bệnh viện Tai - mũi- họng Trung ương, hiện là Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội. Hồi còn học bác sĩ nội trú ở trường, anh làm Bí thư chi bộ sinh viên nội trú trường Đại học Y Hà Nội. Thời điểm đó là lúc phong trào thanh niên tình nguyện cả nước được triển khai và nhân rộng, anh Tuấn cùng y, bác sĩ đã tổ chức hàng loạt các hoạt động thực tế, thiện nguyện tại vùng khó khăn.
Anh Lê Anh Tuấn kể: “Chuyến đi tình nguyện đầu tiên của tôi là năm 2001. Lúc đó, tôi làm Đội trưởng đội tình nguyện, gồm 11 y, bác sĩ nội trú và các bạn sinh viên trường Đại học Dược. Chúng tôi đã tham gia khám bệnh cho bà con huyện Mường Tè và Mường Lay (tỉnh Lai Châu) trong 2 tuần. Đấy là trải nghiệm tình nguyện đầu tiên với vai trò là một bác sĩ của tôi”.
Bà con dân tộc ở nơi anh đến còn rất khó khăn. Họ chủ yếu là người dân tộc H’mông, Thái, sống trên núi cao. Điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất hết sức thiếu thốn. Dù phải vượt qua những chặng đường gian nan, đồi núi hiểm trở nhưng khi có đoàn y bác sĩ từ miền xuôi lên, bà con đến rất đông đủ.
Bác sĩ Tuấn chia sẻ: “Chuyến đi ấy giúp tôi hiểu nhiều hơn về đời sống của bà con, nhất là đồng bào nghèo, khó khăn không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ y tế. Tôi có thêm cơ hội chia sẻ kĩ năng, kinh nghiệm và đoàn kết, gắn bó với anh em, đồng nghiệp”.
Sau lần tình nguyện đó, bác sĩ Tuấn thường xuyên cùng Đoàn Thanh niên, các y, bác sĩ tham gia hoạt động tại địa bàn nghèo ở Hà Nội, các tỉnh miền núi phía Bắc và địa phương khó khăn trong cả nước, nước bạn Lào. Trải qua nhiều hoạt động với sự nhiệt tình, trách nhiệm, khẳng định năng lực chuyên môn, anh Lê Anh Tuấn đã được lãnh đạo bệnh viện tin tưởng, giao nhiệm vụ làm quản lí và được Hội Thầy thuốc trẻ TP Hà Nội tín cử làm Chủ tịch Hội.
Những hoạt động khám bệnh, phát thuốc tình nguyện tạo cơ hội cho nữ điều dưỡng trẻ Hoàng Hồng Hà (Bệnh viện Hữu Nghị - Hà Nội) được trải nghiệm.Dù công việc, học hành bận rộn, áp lực nhưng chị vẫn dành thời gian và đam mê với những chuyến tình nguyện khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho đồng bào khó khăn. Nữ điều dưỡng trẻ luôn dặn lòng, phải sống có ích cho gia đình, xã hội và thật tốt với mọi người.
Đấy cũng là lí do khiến chị Hà đam mê những chuyến đi, giúp đỡ người dân nghèo khó, không có nhiều cơ hội tiếp xúc với khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, qua những chuyến đi, nữ điều dưỡng trẻ cũng hiểu biết nhiều hơn về đồng bào trên những vùng đất mới.
Những “Bác sĩ Đặng Thùy Trâm”
Bác sĩ Lê Xuân Thắng, công tác tại Bệnh viên Quân Y 103 (Hà Nội) đã có hơn chục năm trong nghề và còn nhiều hơn thế những năm tháng quen thuộc với môi trường bệnh viện và các bác sĩ. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống ngành y, từ bé, anh được bố truyền lửa đam mê nghề y.
Anh Thắng sớm hiểu sự hi sinh thầm lặng của những người thầy thuốc. Cho nên, trước khi bước vào làm nghề, anh đã chuẩn bị tinh thần thức khuya dạy sớm, hết lòng với nghề. Nuôi ước mơ trở thành bác sĩ từ khi còn bé, Lê Xuân Thắng chưa từng nghĩ rằng mình sẽ trở thành một ai khác ngoài cương vị là một bác sĩ. Khi anh thi đỗ vào Học viện Quân Y, cả gia đình đều vui mừng.
Bác sĩ Lê Xuân Thắng đã tình nguyện tham gia nhiều đoàn công tác khám bệnh ở các địa phương khó khăn. Anh tâm niệm rằng, là người thầy thuốc thì phải có tâm trong sáng, hết lòng vì người bệnh. Có lần đi công tác tại tỉnh Phú Thọ, anh được một người dân nhận ra và thành tâm cảm ơn vì đã cứu sống con trai của họ.
Từ khi tốt nghiệp, được phân công công tác tại khoa Nội tiêu hóa, bác sĩ Thắng vẫn không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện tay nghề để thêm vững chãi trong các tình huống nghiệp vụ. Anh cho rằng, đối với nghề y, học tập là việc liên tục và bắt buộc, bởi y học thế giới đổi mới, tân tiến từng ngày. Để theo đuổi các kiến thức, kĩ thuật mới trong nghành y, bác sĩ phải có sự tâm huyết, đam mê với nghề.
Nhờ nỗ lực trong công việc, bác sĩ Thắng nhiều lần được tuyên dương, nhận giải thưởng của các cấp, ngành. Đặc biệt, năm 2016, anh vinh dự là một trong 10 tấm gương thầy thuốc trẻ Thủ đô tiêu biểu nhận giải thưởng Đặng Thùy Trâm. Bác sĩ Thắng chia sẻ: “Phần thưởng này là sự ghi nhận nỗ lực cố gắng của bản thân, cũng như các y, bác sĩ trẻ. Đó như một lời nhắc nhở mình phải phấn đấu vươn lên hơn nữa trong công tác chuyên môn, trau dồi y đức vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”.
Bác sĩ Phạm Cẩm Phương, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cũng là một trong 10 gương mặt thầy thuốc trẻ tiêu biểu được trao giải thưởng Đặng Thùy Trâm năm 2016. Đến nay, chị Phương công tác tại bệnh viện đã hơn 10 năm, làm tốt chuyên môn, chị còn tích cực tham gia nhiệt tình hoạt động Đoàn, Hội, từ thiện, khám chữa bệnh, hiến máu nhân đạo...
Trong suốt những năm qua, chị Phương đã cùng các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ TP Hà Nội tổ chức nhiều chương trình khám sàng lọc ung thư vú cho phụ nữ tại các huyện khó khăn trên địa bàn cũng như các địa phương khác.
Bác sĩ Phạm Cẩm Phương luôn quan niệm, mỗi người bệnh đều có một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ là những người cần được giúp đỡ. Đối với những trẻ em vốn hiếu động nhưng không may mắc bệnh ung thư, hàng ngày các bé nằm một chỗ để xạ trị, chụp chiếu, đối mặt với những liệu trình chữa trị vất vả, mệt mỏi. Những câu nói “Bác sĩ ơi, bao giờ con được về đi học cùng các bạn?” luôn khiến chị trăn trở.
Chính điều này đã trở thành động lực giúp bác sĩ Phương, cũng như các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai nói riêng và đội ngũ thầy thuốc trẻ Thủ đô nói chung cố gắng phấn đấu trong công tác nghiên cứu, điều trị để giúp bệnh nhân sớm khỏi bệnh, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng.