Những chàng trai gen Z thuê nhà cho người vô gia cư ở
Cùng xây nhà nhân ái trên vùng cao Yên Bái |
Đó là những chia sẻ của Lê Thanh Hải khi chia sẻ về dự án “Hà Nội chung tay” được chàng trai trẻ cùng hai người bạn là Lê Minh Sơn và Nguyễn Vương Anh thực hiện từ cuối năm 2022 đến nay.
Ngôi nhà yêu thương
Hải sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non chàng trai trẻ về quê làm việc. Tuy nhiên, với mong muốn tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân hơn, Hải quyết định ra Hà Nội. Những ngày đầu ra Thủ đô, chàng trai trẻ đã tham gia hoạt động thiện nguyện phát quà đến người vô gia cư và tình cờ gặp ông Nguyễn Bá Thành (quê Hải Phòng) ở ngay trước cửa Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội.
“Mình dành thời gian trò chuyện rất nhiều với ông Thành. Thậm chí, có hôm mình ở lại với ông đến 3h sáng mới trở về phòng trọ. Khi đó, mình hiểu ước mơ của ông chỉ là có một mái nhà che nắng, che mưa. Trước đó, ông từng đi thuê trọ nhưng dịch COVID-19 kéo đến khiến ông không bán được hàng.Tiền thuê trọ cũng chẳng còn đành lang thang ngoài đường”, Hải kể.
Các bạn trẻ đến thăm, động viên những người vô gia cư tại ngôi nhà “Hà Nội chung tay”. |
Tạm biệt ông Thành, Hải ra về mà lòng nặng trĩu. Chàng trai trẻ muốn làm điều gì đó cho người vô cư. Một lần lướt facebook, chàng trai trẻ tình cờ biết trong thành phố Hồ Chí Minh có một nhóm bạn trẻ góp tiền thuê nhà cho người vô gia cư ở. Hải đã nghĩ sao mình không làm mô hình tương tự ở Hà Nội?
Hải chia sẻ ý tưởng với 2 người bạn là Lê Minh Sơn và Nguyễn Vương Anh. Dù rất ủng hộ ý tưởng của bạn nhưng Sơn và Vương Anh đều lo lắng bởi cả hai còn là sinh viên, chưa có việc làm. Một loạt câu hỏi khác cũng được đặt ra, liệu có thể giúp những người vô gia cư đến khi nào? Cần phải làm những thủ tục gì? Làm thế nào khi có tình huống xấu xảy ra…?.
Vượt qua những khó khăn, cả ba quyết định thực hiện dự án “Hà Nội chung tay”. Cả ba bạn trẻ góp tiền tìm thuê một căn nhà sạch sẽ, ấm cúng, an toàn ở ngõ Linh Quang (Đống Đa, Hà Nội) đón người vô gia cư về ở. Người đầu tiên nhóm bạn trẻ đón về là ông Nguyễn Bá Thành, rồi ông Đỗ Văn Phương (90 tuổi) và Nguyễn Văn Quý (70 tuổi) đều kiếm sống bằng nghề nhặt rác.
Ông Thành xúc động cho biết: “Trước Tết Nguyên đán Quý Mão, cậu ấy đến đón tôi về nhà. Từ ngày hôm đó, tôi không còn là người vô gia cư nữa vì tôi có nhà để về ngủ khi đêm xuống, ngả lưng lúc ốm đau”.
Tấm lòng người trẻ
Toàn bộ số tiền thuê nhà 6.500.000 đồng và tiền điện nước đều do 3 bạn đóng góp. Thi thoảng họ còn mua gạo, thức ăn thêm cho các ông. Toàn bộ chi phí được trích từ tiền lương hàng tháng của Hải và số tiền Sơn, Vương Anh chắt chiu từ tiền sinh hoạt bố mẹ gửi. Căn nhà “Hà Nội chung tay” được dựng lên bởi tình yêu thương, mong muốn các ông có một mái nhà “đúng nghĩa” để nghỉ ngơi, ngon giấc sau một ngày dài mưu sinh vất vả.
Niềm vui của những người vô gia cư khi có một mái nhà để nghỉ ngơi |
Dự định ban đầu của nhóm bạn trẻ là hỗ trợ người vô gia cư trong 3 tháng nhưng giờ mô hình đã kéo dài 7 tháng. Để tiện cho những người vô gia cư sinh hoạt, ba chàng trai trẻ đã quyết định thuê nhà mới tại ngõ 273 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội.
“Hà Nội chung tay” cũng ngày càng có nhiều người biết đến hơn. Hiện ngoài ba thành viên chủ chốt, dự án có thêm các tình nguyện viên, thường xuyên qua thăm hỏi, động viên các ông. “Khi đưa các ông về mái nhà “Hà Nội chung tay”, chúng tôi chỉ có một mong muốn nhỏ bé: “Các ông giờ đây là những thành viên trong gia đình. Theo thời gian, các ông có thể cảm nhận được tình cảm chân thành từ chúng tôi, người cháu đối với người ông, người bà của mình chứ không phải là sự mang ơn hay biết ơn từ những người giúp đỡ.
Vì vậy, ngoài hết mình hỗ trợ về mặt vật chất, chúng tôi cũng cố gắng tạo thêm những chuyến đi chơi như thăm bảo tàng, dã ngoại …vừa mang ý nghĩa kết nối, sum họp gia đình, vừa giúp các ông được đi đây đi đó để thư giãn”, Hải cho biết.
Trong đó, nhóm đồng tổ chức một buổi cắm trại cho đại gia đình và bữa tiệc sinh nhật bất ngờ cho ông Quý. Trong niềm hạnh phúc ấy, ông đã có những lời chia sẻ xúc động nghẹn ngào: “Người già rất thèm tình cảm gia đình, con cháu quây quần bên cạnh. Các cháu đã cho ông cảm nhận được tình cảm đó. Các cháu làm được điều lớn lao, vượt quá tuổi của các cháu. Mong mô hình sẽ được nhân rộng hơn để nhiều người vô gia cư cảm nhận được tình cảm gia đình như này”.
Trong tương lai, 3 chàng trai dự định hỗ trợ người vô gia cư trọn vẹn nên sẽ nỗ lực để có thể thành lập được một viện dưỡng lão. Dù có rất nhiều khó khăn và giấy tờ pháp lý cần thực hiện nhưng các chàng trai trẻ quyết tâm thực hiện với mong muốn người vô gia cư có thể an tâm sống những năm tháng tuổi già ở nơi đây.