Những điểm mới về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội
Chương trình là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024; hướng tới chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024) và kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Các chuyên gia chia sẻ tại chương trình |
Tại chương trình, nhiều công nhân, lao động đã trực tiếp chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội. Chị Phan Thị Diễm Nhi, Công ty Liên doanh KFC Việt Nam hòi: Trợ cấp thôi việc theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc khi người lao động đã làm việc thường xuyên. Thời gian tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động làm việc thực tế, tuy nhiên trong Luật chưa có quy định như thế nào được gọi là làm việc thường xuyên, xin chuyên gia chia sẻ rõ?
Giải đáp thắc mắc, luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Bộ luật Lao động quy định trường hợp người lao động nghỉ thôi việc, khi họ đáp ứng các điều kiện nhất định thì sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc. Theo đó, để được hưởng trợ cấp thôi việc phải có thời gian làm việc thường xuyên từ 12 tháng trở lên. Trường hợp này, trong 12 tháng đó người lao động vẫn đảm bảo thời gian thực hiện, tính từ thời điểm ký hợp đồng lao động đến lúc nghỉ việc, đảm bảo trên 12 tháng thì vẫn được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc, trừ trường hợp liên quan tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì chế độ thất nghiệp sẽ chi trả nội dung này.
Người lao động đặt câu hỏi tại chương trình |
Chị Vũ Thị Thu Hương, trường Tiểu học Đồng Tâm nói: "Xin hỏi chuyên gia, lao động nữ đã đóng bảo hiểm hơn 30 năm. Nếu muốn về hưu lúc 55 tuổi thì có được giữ mức lương hưu 75% không? Trường hợp người lao động đủ tuổi về hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì có được đóng gộp thời gian còn lại để không bị trừ phần trăm lương hưu không?".
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội trả lời: Quy định tuổi nghỉ hưu với nữ sẽ 60 tuổi, thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 30 năm thì sẽ được hưởng lương hưu 75%, nếu về hưu trước 5 năm, phải giám định y khoa, xác định suy giảm khả năng lao động 61% trở lên thì mới có căn cứ mỗi năm nghỉ trước tuổi bị trừ 2% (trừ trường hợp tinh giản biên chế thì mới có quy định giữ nguyên, không trừ tuổi đời).
Trường hợp người lao động đủ tuổi về hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH để hưởng 75% thì có thể đóng thêm nhưng không phải đóng một lần mà đóng kéo dài thời gian.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, Kho bạc Nhà nước quận Hai Bà Trưng hỏi: “Trước đây tôi có 5 năm làm công chức nhà nước, tham gia đóng BHXH. Sau đó tôi chuyển làm việc tại một công ty, thời gian đó tôi không đóng BHXH. Đến nay tôi làm tại một công ty khác và có tham gia đóng BHXH, xin hỏi chuyên gia vậy thời gian ngắt quãng đóng BHXH đó thì công ty mới có đóng nốt cho tôi không?”.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu trả lời: Thời gian đóng BHXH sẽ cộng tất cả các thời gian đã tham gia đóng, không tính thời gian ngắt quãng. Theo quy định sẽ không đóng ngược trở lại thời gian ngắt quãng chưa đóng. Đơn vị hiện tại anh đang làm việc sẽ chỉ đóng BHXH tại thời điểm hiện tại khi anh đang làm việc tại đơn vị. Trong thời gian ngắt quãng, người lao động có thể tham gia BHXH tự nguyện nhưng chỉ tham gia tại thời điểm đó. Người lao động cần lưu ý, Bộ luật Lao động quy định rất rõ, hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên là bắt buộc phải tham gia đóng BHXH, nếu không đóng thì người sử dụng lao động đang vi phạm về pháp luật.
Sau hơn 2 tiếng diễn ra chương trình, Ban tổ chức đã có hơn 30 câu hỏi sôi nổi của người lao động liên quan đến những vấn đề như chế độ BHXH; pháp luật lao động và công tác an toàn, vệ sinh lao động… được các chuyên gia phân tích, giải đáp cụ thể.