Những F0 một mình vượt qua dịch bệnh
Hỗ trợ online giúp bệnh nhân COVID-19 yên tâm điều trị tại nhà Trẻ em F0 có lo ngại hậu COVID-19? Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 |
Bắt đầu xuất hiện một số triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, nhưng tự nghĩ rằng bản thân đã thực hiện các biện pháp phòng dịch, tiêm vắc xin và cũng đã lâu không tiếp xúc với mọi người, Bích Phương (22 tuổi, sinh viên năm cuối trường Đại học Phương Đông) vẫn còn bất ngờ vì trở thành một F0.
Sống một mình tại thành phố Hà Nội đã gần 4 năm và gần như không có bạn bè, người thân, Phương đã hình thành thói quen sống độc lập, có thể tự chăm sóc bản thân. Nhưng khi phải cách ly và điều trị tại nhà, cô gái 22 tuổi cảm thấy gặp khó khăn khi phải làm mọi thứ từ xa.
Bích Phương giấu gia đình và bạn bè tự chữa trị COVID-19 để không ảnh hưởng đến mọi người |
"Mình đã khá bối rối và hụt hẫng vì mắc COVID-19 vào thời điểm bận rộn với việc học và đi làm. Mình không dám nói với gia đình vì sợ người thân lo lắng. Hiện tại, dù đã xét nghiệm âm tính nhưng mình vẫn cần phải tự cách ly trước khi quay trở lại trường và công ty.
Mình ít mua sắm online vì nhà gần chợ với trung tâm thương mại nên khá lúng túng khi phải làm quen với việc sử dụng và đặt đồ qua các app giao hàng. Có hôm mình mất hàng giờ để tìm đủ đồ cần mua, đối chiếu giá cả, rồi thêm mã giảm giá. Vì sống một mình, lại còn phải tiết kiệm để đi du học nên chi phí sinh hoạt cũng cần tính toán kỹ càng hơn", Phương nói.
Gần 1 tuần tự điều trị, Bích Phương đã bỏ ra hơn 1 triệu đồng để mua thực phẩm, thuốc men và kit test COVID-19. Cô cho biết số tiền trên được trích từ khoản dành dụm của cô khi làm thêm trong nhiều năm qua.
"Thời gian này, tôi không thể ra ngoài làm việc nên thu nhập giảm đáng kể, chỉ dựa vào khoản tiết kiệm khẩn cấp mình tích cóp nên đã nhận thêm công việc freelance để vừa bận rộn hơn, vừa có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Hy vọng rằng dịch bệnh sẽ sớm kết thúc để mọi thứ bình thường trở lại”, Phương chia sẻ nói.
Nhiều F0 điều trị tại nhà vì lý nhiều lý do đều đang tự mình chữa bệnh và tiếp tục làm việc |
Sau vài ngày tiếp xúc với đối tác là F0, Thúy Quỳnh (24 tuổi, freelance) đã có kết quả dương tính với COVID-19. Ngay sau khi phát hiện, Thúy Quỳnh đã báo cáo với trạm y tế và lên mạng, tìm nhà thuốc gần nhất để đặt các loại thuốc, thiết bị y tế cần thiết. Chưa có nhiều kiến thức điều trị COVID-19 vì cô cũng không có bạn ở đây, Quỳnh phải nhờ dược sĩ kê đơn, tư vấn liều lượng sử dụng.
"Mình đặt mua thuốc hết hơn 1 triệu đồng và mua thực phẩm với chi phí tầm 1 triệu rưỡi. Đây là số tiền này nằm trong mức mình có thể chi trả nhưng mình thấy có chút hụt hẫng khi vừa đặt cọc tiền thuê nhà xong đã phải mua thuốc, chưa được ăn uống hay đi chơi cùng bạn bè vì mới chỉ trở lại Hà Nội có vài ngày từ Tết Âm lịch", Quỳnh nói.
Dù trở thành F0, cô gái 24 tuổi vẫn tiếp tục làm việc tại nhà và hoàn thành các công việc mà mình đã nhận. Quỳnh cho biết thời điểm hiện tại đã gần tới ngày Quốc tế Phụ nữ 8 – 3 nên có nhiều phần việc chỉnh sửa ảnh, thiết kế cần phải xử lý và hoàn thiện nhanh chóng.
"Có đối tác nhận được sản phẩm của mình dù biết mình đang nhiễm bệnh cảm thấy khá bất ngờ, họ đùa mình rằng hình như từ lúc trở thành F0 đã khiến mình làm việc năng suất hơn cả bình thường. Tất nhiên, mình vẫn dành thời gian để nghỉ ngơi, ăn uống và tập thể dục nhẹ nhàng để sức khỏe chóng hồi phục.
Hiện tại số người mắc COVID-19 ngày càng tăng, nhưng khác với vài tháng trước, tâm lý của các F0 và cộng đồng đã thay đổi theo hướng tích cực hơn. Mình cũng mang tâm thế đó vì mình tin rằng có thể tự chữa bệnh mà không làm ảnh hưởng đến ai”, cô bày tỏ.
Dù phải chi nhiều khoản tiền liên tiếp để đóng tiền nhà và tự chữa trị COVID-19, Thúy Quỳnh vẫn cảm thấy may mắn và cố gắng tiếp tục làm việc ngay cả khi chưa khỏi hẳn bệnh |
Theo Thúy Quỳnh, việc hầu hết người dân đều tiêm vắc xin đầy đủ hoặc đã khỏi COVID-19 nên tâm lý e ngại, kỳ thị F0 đã giảm bớt. Ngoài ra, các F0 có thể điều trị tại nhà, dễ dàng đặt mua thuốc men, thực phẩm online và vẫn làm việc từ xa để không bị gián đoạn sinh hoạt. Vì vậy, dù gia đình và bạn bè đều ở trong miền Nam, Quỳnh vẫn giữ tinh thần tích cực, lạc quan trong quá trình tự điều trị bệnh.
"Mình vẫn làm việc và sinh hoạt như bình thường, chỉ khác là ở nhà nhiều hơn, làm mọi thứ online. Hiện tại mình đã âm tính sau gần 10 ngày điều trị tại nhà và chuẩn bị quay lại làm thêm công việc kế toán bán thời gian cho một công ty vừa nhận hồ sơ của mình. Điều mà mình quan tâm và băn khoăn nhất hiện tại có lẽ là các di chứng hậu COVID-19 thôi", Thúy Quỳnh chia sẻ.