Những mô hình quy tắc ứng xử tạo chuyển biến lớn trong giao tiếp
Bền bỉ từng ngày đưa quy tắc ứng xử vào đời sống Giáo dục nếp sống từ trường học góp phần xây dựng Thủ đô đẹp hơn Đích đến trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh |
Triển khai sâu rộng trong mọi tầng lớp
Chiều 7/8, Đoàn Kiểm tra việc thực hiện Quy tắc ứng xử của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục làm việc tại huyện Thanh Oai.
Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Trần Văn Lợi - Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Thanh Oai, cho biết: "Việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc huyện Thanh Oai được duy trì thường xuyên, liên tục, bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận: 100% các đơn vị đã xây dựng, ban hành quy chế làm việc; nội dung quy chế quy định rõ về cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của lãnh đạo, công chức chuyên môn, chế độ công tác, lề lối làm việc.
Đồng chí Trần Văn Lợi - Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Thanh Oai báo cáo về tình hình thực hiện 2 Quy tắc ứng xử trên địa bàn huyện |
Điều này đã tạo ra bước chuyển biến mạnh về kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; lề lối tác phong làm việc khoa học, nề nếp, đổi mới, sâu sát trong công việc; nói đi đôi với làm; ứng xử có văn hóa; gương mẫu trong lối sống sinh hoạt cá nhân".
Theo đó, nhận thức về việc ứng xử văn minh, lịch sự trong giao tiếp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực, rõ rệt.
Chùa Bối Khê, xã Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) |
Việc ứng xử của cán bộ công chức với Nhân dân tốt hơn, tinh thần trách nhiệm đối với công việc và hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức được nâng lên, góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đại bộ phận Nhân dân trên địa bàn đều đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện QTƯX nơi công cộng, đặc biệt là ở các điểm di tích, chợ và điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng… không gian chung của cộng đồng được tôn trọng và bảo vệ.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ bản đã thực hiện tốt tác phong, lề lối làm việc, nội quy, quy chế cơ quan, đảm bảo thời gian, trang phục công sở lịch sự, có cử chỉ nghiêm túc, thái độ niềm nở, hoà nhã, tôn trọng người dân và đồng nghiệp; nơi làm việc được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, giữ gìn đoàn kết nội bộ , giúp đỡ đồng nghiệp.
Chợ Kim Bài |
Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã gắn nội dung quy tắc ứng xử trong sinh hoạt cơ quan, đưa vào tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, qua đó góp phần thực hiện tốt việc cải cách hành chính trong các cơ quan, đơn vị.
Công tác đôn đốc, kiểm tra được tiến hành hàng tháng đối với các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn nên về cơ bản cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị của huyện, đặc biệt tại các bộ phận tiếp dân, bộ phận một cửa của huyện, xã, thị trấn đã đổi mới lề lối làm việc tạo sự chuyển biến tích cực trong trong thi hành thực thi công vụ.
Các mô hình sáng tạo và hiệu quả
Ngày 24/10/2022, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 250/KH-UBND về việc triển khai xây dựng một số mô hình mẫu thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội trên địa bàn huyện Thanh Oai giai đoạn 2022 - 2025, trong đó có một số mô hình tiêu biểu về thực hiện bộ quy tắc ứng xử nơi cộng cộng và đến nay đã phát huy hiệu quả với toàn thể Nhân dân trong huyện.
Đó là “Mô hình thôn/tổ dân phố xanh, sạch, đẹp văn minh, thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử nơi cộng cộng”, “Mô hình trường học xanh, thân thiện, thanh lịch, văn minh, thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử nơi cộng cộng”, “Mô hình di tích lịch sử văn hoá - điểm đến an toàn, hấp dẫn”, “Mô hình chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”.
Đoàn công tác ghi nhận việc thực Quy tắc ứng xử tại bộ phận một cửa của huyện Thanh Oai |
Qua kiểm tra tại thực tế tại bộ phận một cửa của huyện, đoàn công tác ghi nhận mô hình tuyên truyền "Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc huyện 4 về văn hoá ứng xử tại nơi làm việc; thi đua xây dựng môi trường làm việc dân chủ, văn hoá, thân thiện, hiện đại, cơ quan xanh, sạch, đẹp, an toàn; công sở văn minh, khoa học” được thực hiện hiệu quả.
Việc niêm yết nội dung quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động; quy chế, nội quy làm việc của đơn vị nghiêm túc, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trang trí nơi làm việc xanh, ngăn nắp, gọn gàng. Cán bộ huyện thực hiện trang trí công sở thành không gian xanh, sạch, đẹp ở các khu vực sinh hoạt chung, hành lang, phòng họp, hội trường, khu vực cổng cơ quan...
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện phát huy tinh thần “Nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp”, “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; cùng chung tay góp sức xây dựng huyện sáng - xanh - sạch - đẹp, phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Nổi bật trong thực hiện mô hình "Di tích lịch sử văn hoá - điểm đến an toàn, hấp dẫn" là chùa Bối Khê (xã Tam Hưng). Tại đây, đoàn công tác ghi nhận Quy tắc ứng xử được treo, đặt tại các vị trí dễ thấy trong di tích. Tại di tích và xung quanh di tích không có hiện tượng xả rác bừa bãi, viết, vẽ bậy, ngồi lên các cổ vật, mặc đồ hở hang, đốt nhiều tiền vàng, làm mất đi sự tôn nghiêm và văn hóa.
Mô hình "Di tích lịch sử văn hoá - điểm đến an toàn, hấp dẫn" tại chùa Bối Khê |
Cán bộ trông coi di tích thực hiện ứng xử lịch thiệp, nhã nhặn, đúng mực; trang phục phù hợp; ưu tiên giúp đỡ người khuyết tật, người già, trẻ em; bảo vệ cảnh quan môi trường. Người đến tham quan, hành lễ tại di tích chấp hành quy định, nội quy; trang phục phù hợp; giữ gìn trật tự, vệ sinh chung; bảo vệ cảnh quan, môi trường; thực hiện nghi thức truyền thống theo quy định.
Ngoài ra, 100% phụ nữ kinh doanh tại các điểm di tích lịch sử chùa Bối Khê được tuyên truyền, thay đổi hành vi và trở thành hạt nhân tích cực để vận động khách tham quan thực hiện QTƯX nơi công cộng; Xây dựng, nhân rộng những mô hình, công trình, phần việc cụ thể, thiết thực phù hợp địa bàn thể hiện vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp của phụ nữ trong việc truyền thông quảng bá hình ảnh nét đẹp của các di tích lịch sử, văn hóa cũng như nét đẹp người phụ nữ Thủ đô “Thanh lịch - Văn minh”.
Kiểm tra việc triển khai mô hình “Chợ văn minh - sạch đẹp - an toàn” tại chợ Kim Bài, đoàn công tác ghi nhận vai trò của chị em phụ nữ trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại khu vực chợ truyền thống đã phát huy tích cực.
Mô hình “Chợ văn minh - sạch đẹp - an toàn” triển khai tại chợ Kim Bài |
Hội phụ nữ và hội viên, nữ tiểu thương cùng kinh doanh có văn hóa, tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến các hộ kinh doanh tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tại chợ Kim Bài - thị trấn Kim Bài.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc với huyện Thanh Oai, đồng chí Nguyễn Thị Việt Hà - Phó Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) đánh giá cao sự vào cuộc bài bản, nghiêm túc của Thanh Oai trong việc triển khai thực hiện 2 Quy tắc ứng xử.
Đồng chí Nguyễn Thị Việt Hà - Phó Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình đề nghị Thanh Oai huy động sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện 2 Quy tắc ứng xử |
Để thực hiện tốt hơn 2 Quy tắc ứng xử trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Việt Hà đề nghị huyện rà soát cụ thể việc đã triển khai các mô hình trên tại những nơi nào và chưa triển khai được tại nơi nào để tập trung có kế hoạch tuyên truyền, vận động và đốc thúc.
Bên cạnh đó, huyện cần thu hút sự chung tay, góp sức của tất cả các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là các ban đảng và tổ chức chính trị, xã hội với ngành văn hóa để lan tỏa sâu rộng hơn nữa tính thiết thực của 2 Quy tắc ứng xử với đời sống và công tác của cán bộ và Nhân dân trên địa bàn huyện.