Những tiến sĩ trẻ dự Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên
Thanh niên thị xã Sơn Tây sẵn sàng nhập ngũ |
Tiên phong trong định hình y tế số
TS Phạm Huy Hiệu, giảng viên Trường ĐH VinUni là một trong những đại biểu ưu tú của đoàn Hà Nội tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX. Anh đã công bố hơn 50 bài báo khoa học trên các tạp chí và hội thảo quốc tế uy tín, trong đó có 20 bài báo khoa học trên các tạp chí Q1. TS Hiệu cũng là đồng tác giả 2 bài báo xuất sắc (Best Paper Award) tại hội nghị khoa học quốc tế uy tín và là tác giả 2 bằng độc quyền sáng chế.
Anh đã giành nhiều giải thưởng, huy chương quốc tế và trong nước uy tín, trong đó có giải thưởng AI Awards 2022 và là nhà khoa học trẻ nhất nhận giải thưởng Khoa học Quả cầu Vàng năm 2023. Thành tích đáng tự hào này được TS Hiệu xây dựng lên từ niềm đam mê, tình yêu với khoa học và quan trọng hơn là khát vọng cống hiến vì cộng đồng.
Sinh năm 1992 tại Nam Định, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2015 sau đó anh hoàn thành chương trình tiến sĩ về khoa học máy tính tại Viện đại học Toulouse (Pháp). Năm 2019, anh về nước và làm việc tại Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn Vingroup với vai trò chuyên gia nghiên cứu. Trong hành trình nghiên cứu của mình, anh và các cộng sự đã thực hiện rất nhiều công trình khoa học mang lại giá trị cho cộng đồng.
TS Phạm Huy Hiệu |
Trong số đó, có 2 công trình về lĩnh vực y tế được đánh giá rất cao là: “Phần mềm chẩn đoán hình ảnh y tế VinDr dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo” giúp hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong sàng lọc ung thư và phát hiện các bệnh nan y và "Giải pháp VAIPE: Hệ thống theo dõi và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thông minh cho người Việt".
Phần mềm chẩn đoán hình ảnh y tế VinDr dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo” hướng tới thu thập, chuẩn hóa và dán nhãn các cơ sở hình ảnh y tế quy mô lớn để phục vụ phát triển các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ khoanh vùng tổn thương và phân loại sớm các bệnh lý, đặc biệt là các bệnh lý nguy hiểm và thường gặp tại Việt Nam.
“Với công trình này, chúng tôi đã công bố 5 bộ dữ liệu quy mô lớn về chẩn đoán hình ảnh y khoa. Các bộ dữ liệu do nhóm thu thập và chuẩn hóa được mở hoàn toàn miễn phí cho cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế”, TS Hiệu cho biết.
Các bộ dữ liệu này đã được hàng trăm nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới trích dẫn và khai thác để đánh giá hiệu quả của các thuật toán, mô hình học máy dựa trên dữ liệu. Sinh viên các trường đại học kỹ thuật trên khắp cả nước cũng đã sử dụng các bộ dữ liệu này phục vụ học tập và nghiên cứu. Giải pháp này hiện đã được triển khai ở hơn 40 bệnh viện trên khắp cả nước và xử lý hơn 300.000 lượt bệnh nhân mỗi tháng và được các bác sĩ đánh giá giúp giảm thiểu sai sót, hỗ trợ sàng lọc.
TS Phạm Huy Hiệu (bên phải) |
Điều đặc biệt, các nghiên cứu của TS Hiệu tập trung khai thác các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học dữ liệu để phát triển các giải pháp có chi phí thấp, dễ sử dụng và tiếp cận ở quy mô lớn nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Anh được ghi nhận là nhà khoa học trẻ tiên phong trong việc định hình y tế số tại Việt Nam thông qua các hoạt động nghiên cứu và đào tạo. Các nghiên cứu của anh mở ra hướng nghiên cứu mới, đặc biệt hướng tới giải quyết bài toán, thách thức y tế và công nghệ tại Việt Nam cũng như của người Việt. Hơn 10 sinh viên anh tham gia đào tạo đang thực tập và nghiên cứu trình độ sau đại học tại các trường đại học hàng đầu trên thế giới.
Khám phá vật liệu mới
Tiến sĩ (TS) Lê Thị Phương, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng là đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX.
Hơn 10 năm gắn bó với nghiên cứu khoa học, TS Phương sở hữu 2 bằng độc quyền sáng chế quốc tế, 3 bằng độc quyền sáng chế quốc gia cùng 27 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế trong lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới. Hướng nghiên cứu chính TS Phương theo đuổi là phát triển các vật liệu mới, có tính tương hợp sinh học cao và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn so với phương pháp truyền thống.
Tiến sĩ Lê Thị Phương |
Một trong những công trình mà nữ tiến sĩ dày công nghiên cứu là hydrogel tiêm tại chỗ. Đây là loại vật liệu tiên tiến đang được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng y sinh như chữa lành vết thương, tái tạo mô, giúp nâng cao sức khỏe của bệnh nhân ngay tại nhà. Theo TS Phương, đa số vết thương lớn hiện nay phải dùng chỉ khâu và băng gạc đồng thời đòi hỏi người thực hiện có tay nghề, hiểu biết trong ngành Y.
Tuy nhiên, hydrogel tiêm do nữ tiến sĩ trẻ nghiên cứu và phát triển, người bệnh chỉ cần tiêm vào vết thương, hydrogel sẽ bao phủ, kích thích làm lành vết thương nhanh hơn. “Việc tiêm hydrogel có thể làm tại nhà mà không cần đến bệnh viện hay cơ sở y tế. Điều này góp phần giảm tải gánh nặng cho ngành Y tế”, TS Phương cho biết.
Ngoài ra, TS Phương cũng cải tiến thêm các thành phần, tính chất khác cho hydrogel như khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, giảm sự hình thành sẹo... hướng đến tạo ra sản phẩm thương mại có giá thành hợp lý để tiếp cận nhiều bệnh nhân.
Là đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, TS Phương cho rằng để thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ và phát huy vai trò của trí thức trẻ. TS Phương kỳ vọng tổ chức Hội cần hỗ trợ, là cánh tay nối dài cho trí thức trẻ có cơ hội áp dụng được các tiến bộ, kiến thức đã học ở nước ngoài vào nghiên cứu tại Việt Nam.
Ðại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029 diễn ra tại Hà Nội, với sự tham gia của 980 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 21 triệu cán bộ, hội viên, thanh niên cả nước. Ðây là sự kiện quan trọng, ngày hội đoàn kết rộng rãi thanh niên Việt Nam yêu nước, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Hội và phong trào thanh niên. Ðại hội cũng là dịp để các đại biểu có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, thảo luận và đưa ra các quyết sách đối với công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ mới, góp phần phát huy sứ mệnh thanh niên Việt Nam trong giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên mới. |