Hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số giữ gìn văn hóa, khởi nghiệp
Sản phẩm OCOP vùng miền theo thanh niên về dự Đại hội Khai mạc Đại hội IX Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam |
Hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương
Anh Lờ A Hưng, Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Tủa Chùa cho biết, Tủa Chùa là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên với 7 dân tộc anh em cùng chung sống gồm: Hoa, Dao, Khơ Mú, Phù Lá, Mông; Kinh; Thái; Xạ Phang.
Anh Lờ A Hưng |
Việc làm luôn là vấn đề được thanh niên nói chung, thanh niên dân tộc thiểu số huyện Tủa Chùa nói riêng đặc biệt quan tâm. Nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, thời gian quan Đoàn Thanh niên, Hội LHTN huyện phối hợp các đoàn thể hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp như tổ chức các lớp tập huấn, cung cấp cây, con giống…
Tuy nhiên, thanh niên trong huyện vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm, phát triển kinh tế. “Tôi kỳ vọng Đại hội lần này sẽ đề ra được nhiều chương trình, hoạt động dài hơi hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số lập nghiệp, khởi nghiệp. Đặc biệt sẽ có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tại địa phương”, anh Hưng chia sẻ.
Đi đầu trong ứng dụng chuyển đổi số
Lần đầu tiên được tham dự Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam toàn quốc nên anh Y A Rôn, Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN xã Thuận Hòa (đoàn đại biểu tỉnh Đắk Nông) mang theo sự háo hức và kỳ vọng lớn đối với Đại hội.
Anh Y A Rôn |
Theo anh Rôn, tại nhiều địa phương có tình trạng thanh niên thiếu việc làm. Nhiều người đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng nhưng không tìm được việc làm đúng với trình độ, chuyên ngành đã đào tạo do thiếu định hướng nghề nghiệp ban đầu... “Tôi mong tổ chức Hội sẽ có thêm giải pháp tăng cơ hội có việc làm, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế; tư vấn, hướng nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương”, anh Rôn cho biết.
Bên cạnh đó, thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Thuận Hòa luôn là lực lượng xung kích trong ứng dụng khoa học công nghệ. Bản thân anh Rôn đã thành lập được đội văn nghệ và ứng dụng các nền tảng xã hội như facbook, zalo để quảng bá văn dân tộc, đồng thời tạo việc làm cho thanh niên. Tuy nhiên, theo anh Rôn thanh niên dân tộc thiểu số vẫn cần hỗ trợ nhiều hơn trong công nghệ, chuyển đổi số.
“Tôi biết trong dự thảo nhiệm kỳ mới có các phong trào để thanh niên đi đầu ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc nên hào hứng với điều đó vì rất phù hợp với thanh niên”, anh Rôn nói.
Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc
Chị Ka Hem - Phó Chủ nhiệm CLB Tri thức trẻ làng Djring |
Mang theo niềm tự hào và khát vọng lớn lao khi lần đầu tiên đến Thủ đô Hà Nội tham dự Đại hội, chị Ka Hem - Phó Chủ nhiệm CLB Tri thức trẻ làng Djring, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng), đã có hành trình hơn 1.500 km, đi qua 13 tỉnh, thành phố. Đường đến Đại hội càng trở nên đáng nhớ hơn, khi chị Ka Hem đã được ghé thăm các “địa chỉ đỏ” như Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Cầu Hiền Lương, Ngã ba Đồng Lộc và quê Bác Hồ…
“Dừng chân ở từng địa chỉ đỏ, tôi được nhớ lại và hình dung rõ hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc. Mỗi đại biểu thanh niên đến từ Lâm Đồng chúng tôi cũng có dịp để ôn lại quá khứ, từ đó, cảm nhận rõ nét hơn trách nhiệm của đại biểu thanh niên đối với Đại hội”, chị Ka Hem chia sẻ.
Chị Ka Hem là người con của dân tộc K’Ho, gắn bó với CLB Tri thức trẻ từ năm 2019. Đến với Đại hội, chị Ka Hem mong muốn thời gian tới, tổ chức Hội sẽ kết nối và lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ, giúp họ tự tin và tự hào hơn về cội nguồn.