Nợ có khả năng mất vốn vượt 1.100 tỷ đồng, chất lượng tín dụng của MSB bị đe dọa
Nợ nghi ngờ và nguy cơ mất vốn của MSB tăng cao, vượt 1.500 tỷ đồng Động thái lạ của hệ sinh thái TNG Holdings tại MSB MSB “nhúng tay”, nhà băng nào cho PG Bank vay nợ nửa nghìn tỷ không cần đảm bảo? |
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (mã CK: MSB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2022.
Theo đó, trong quý I/2022, hoạt động chính của MSB tăng trưởng so với cùng kỳ khi thu về hơn 1.964 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MSB cũng tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 337 tỷ đồng; Lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 246 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước nhờ tăng thu từ kinh doanh ngoại tệ và vàng cũng như thu từ công cụ tài chính phái sinh tiền tệ.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (mã CK: MSB) |
Đáng chú ý, trong quý I/2022, MSB đã giảm đến 16% chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ, chỉ còn trích gần 171 tỷ đồng.
Kết quả, MSB báo lãi trước thuế tăng 30%, đạt gần 1.495 tỷ đồng. Năm 2022, nhà băng này đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, như vậy, ngân hàng đã thực hiện được 22% chỉ tiêu sau quý đầu năm.
Tính đến cuối tháng 3/2022, tổng tài sản MSB giảm 4% so với đầu năm, chỉ còn gần 195.741 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 9%, ghi nhận gần 110.579 tỷ đồng trong khi tiền gửi khách hàng chỉ tăng nhẹ 2% lên mức gần 96.204 tỷ đồng.
Cũng tại thời điểm cuối tháng 3/2022, tổng nợ xấu của MSB tăng 12% so với đầu năm, ghi nhận ở mức hơn 1.977 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng có khả năng mất vốn tăng 16% lên mức 1.104 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 17% lên 548 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,74% đầu năm lên 1,79%.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, dư nợ cho vay khách hàng của MSB cũng nằm nhiều ở khoản mục ngành xây dựng (13.622 tỷ đồng), chiếm 12,32% tổng dư nợ; Bất động sản và cơ sở hạ tầng (11.162 tỷ đồng), chiếm 10,09%; Chứng khoán 5.404 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là nhóm ngành "nhạy cảm" được Ngân hàng Nhà nước xếp vào nhóm rủi ro.
Mặt khác, con số nợ xấu thực tế của MSB có thể còn nhiều hơn mức 1.977 tỷ đồng, bởi các thông tư giãn nợ, hoãn nợ của Ngân hàng Nhà nước cho khách hàng đến 30/6/2022 đang giúp các ngân hàng cơ cấu các khoản nợ mà chưa xếp vào khoản nợ xấu.