Nỗ lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới
Doanh nghiệp tăng tốc phục hồi sản xuất, kinh doanh Doanh nghiệp tăng tốc nối lại sản xuất, kinh doanh Thứ trưởng Bộ Công thương: Tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bù đắp lúc khó khăn |
Sáng 6/11, tại Hội ghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền đã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, kết quả tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế của thành phố.
Chủ động nắm bắt vướng mắc của doanh nghiệp để tháo gỡ
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, trong những năm qua, thực hiện phương châm xuyên suốt “đồng hành cùng doanh nghiệp”, xác định “nguồn lực đầu tư xã hội là động lực phát triển kinh tế Thủ đô”, thành phố Hà Nội đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Trước đại dịch Covid-19, song song với công tác phòng, chống dịch, các nhiệm vụ đảm bảo cho phát triển sản xuất, kinh doanh, công tác đảm bảo an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng được thành phố đặc biệt quan tâm.
Thành phố đã hỗ trợ cho 1,82 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng; Chi trả cho 1,09 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm với tổng số tiền 2.684 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố triển khai chính sách đặc thù, đã thực hiện hỗ trợ cho 289 nghìn đối tượng với kinh phí 299 tỷ đồng. Các tổ chức chính trị, xã hội và các nhà hảo tâm đã cùng chung sức hỗ trợ cho 1,07 triệu lượt người, hộ gia đình khó khăn với số tiền 317 tỷ đồng.
TP cũng đã giải ngân và cho 9.886 người lao động vay vốn để phục hồi sản xuất thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Nội với số tiền 476 tỷ đồng; Khẩn trương rà soát, miễn, giảm, giãn, hoãn nộp thuế với số tiền hơn 22,6 nghìn tỷ đồng cho 38.000 doanh nghiệp, người nộp thuế; Trong đó: 21,9 nghìn tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất gia hạn và 610 tỷ đồng tiền thuê đất giảm.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền thông tin tại hội nghị |
Đáng lưu ý, ngay từ những ngày đầu xảy ra đại dịch Covid-19, thành phố đã chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tháo gỡ, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển. Thành phố luôn kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, cải cách hành chính, “đồng hành cùng doanh nghiệp” và “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô”.
Với phương châm luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, tại Hội nghị gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI ngày 19/10/2021, thành phố đã tổng hợp 250 kiến nghị; Một số nội dung đã được thành phố giải quyết ngay; Các nội dung còn lại đã có văn bản giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đơn vị tiếp tục xem xét, giải quyết sớm.
"Ngay trước Hội nghị hôm nay, trên tinh thần chỉ đạo của Đồng chí Bí thư, việc tổ chức Buổi đối thoại phải thực chất, hiệu quả; Thành phố đã chủ động rà soát, đôn đốc 22 dự án còn vướng mắc để chỉ đạo, đến nay: Đã hoàn thành thủ tục cấp/điều chỉnh cho 9 dự án, dự kiến trong nửa đầu tháng 11 hoàn thành thủ tục cấp phép cho 13 dự án còn lại; Tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng ít nhất 20 cụm công nghiệp năm 2021; 18 cụm công nghiệp trong đầu năm 2022; Tiếp tục ứng dụng, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức 4 theo hướng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh… "- Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết.
Thúc đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, hiện nay, Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở thực hiện các văn bản, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thành uỷ. UBND TP đã chỉ đạo Cục Thuế TP chủ trì cùng các ngành triển khai khảo sát đối với hơn 28.000 doanh nghiệp trên địa bàn về những tác động, ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 và ban hành Kế hoạch số 246 ngày 1/11/2021 về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 quý IV năm 2021, năm 2022 và 2023.
Kế hoạch đề ra 3 mục tiêu chính: Hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; Bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách, củng cố nguồn thu cho ngân sách thành phố. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Đồng thời, TP đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới trong thời gian ngắn nhất; Thúc đẩy các ngành, lĩnh vực còn dư địa phát triển, đẩy nhanh khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số nhằm thiết lập nền tảng phát triển bền vững.
Kế hoạch cũng đã đề ra 5 nhóm giải pháp gồm: Kiểm soát dịch Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế; Duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách; Phục hồi và phát triển ngành, lĩnh vực; Xây dựng tiêu chí thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và kế hoạch phục hồi, phát triển; Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Thành lập một số tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đầu tư công.
Trong đó, về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, TP thực hiện nhanh nhất, đúng, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp; Hỗ trợ lưu thông hàng hóa và đi lại; Hỗ trợ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.
TP cũng sẽ thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua 2 Đề án đã ban hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2019-2025; Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2021-2025;
TP đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách tại Kế hoạch đảm bảo thực chất, hiệu quả như: Kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025; Hỗ trợ vốn cho hoạt động sản xuất thông qua các Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; Ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội TP gói tín dụng 1.050 tỷ đồng để cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và người lao động vay để phục hồi sản xuất; tiếp tục nghiên cứu triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng trong thời gian tới; Hỗ trợ an sinh xã hội, đẩy mạnh thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội và lao động; Hỗ trợ về lao động và chuyên gia; Phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động...