Nỗ lực thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIV và XV đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị quốc tế " Vai trò và đóng góp của phong trào UNESCO đối với Công nghiệp văn hóa" diễn ra sáng ngày (5/8) tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tham luận tại hội nghị |
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Bên cạnh chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được ghi trong Hiến pháp và cụ thể hóa trong nhiều chính sách, pháp luật, Quốc hội vẫn luôn nỗ lực bám sát, để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách, pháp luật.
Quốc hội cũng thông qua các quyết sách quan trọng nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế.
Từ năm 2018 đến nay, Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung 4 luật liên quan, gồm: Luật Điện ảnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Kiến trúc.
Tại kỳ họp thứ 7 vừa Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); cho ý kiến về chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035.
Quang cảnh hội nghị |
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, công nghiệp văn hóa là một khái niệm không còn xa lạ trên thế giới, dù vậy, ở nước ta công nghiệp văn hóa vẫn đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển.
Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam được xác định trong 12 lĩnh vực như nghệ thuật, phim ảnh, âm nhạc, xuất bản, quảng cáo, trò chơi điện tử và nhiều hình thức sáng tạo khác. Đây là những lĩnh vực không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc.
Trước hết, cần khẳng định rằng công nghiệp văn hóa có một vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội. Theo số liệu thống kê, lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo đang đóng góp khoảng 3% GDP toàn cầu và tạo ra hàng triệu việc làm trên toàn thế giới. Điều này chứng tỏ, nếu được đầu tư và phát triển đúng hướng, công nghiệp văn hóa có thể trở thành một nguồn lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Đại biểu dự hội nghị |
Trong những năm gần đây, công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đạt hơn 1 triệu tỷ đồng (khoảng 44 tỷ USD). Trong đó, giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 đạt 5,82%; năm 2019 đạt 6,02%; năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của COVID-19, nên có sự sụt giảm, còn khoảng 4,32% và 3,92%. Đến năm 2022, các ngành bắt đầu phục hồi, giá trị đóng góp gia tăng, đạt khoảng 4,04%.
Việt Nam có khá nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa. Vì vậy, chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.
Để thực hiện mục tiêu này, có rất nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó, Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO đối với công nghiệp văn hóa” có ý nghĩa rất quan trọng, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về vai trò của công nghiệp văn hóa và nền kinh tế sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo sinh kế và bảo tồn di sản văn hóa.
Quang cảnh hội nghị |
“Tôi tin rằng, với sự nỗ lực và quyết tâm của tất cả các bên liên quan đang hiện diện trong khán phòng, lĩnh vực công nghiệp văn hóa tại Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Với nền tảng văn hóa phong phú, đa dạng, nhiều giá trị truyền thống đan xen với hiện đại, đây chính là nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ sĩ và nhà sáng tạo, cũng như là một lợi thế lớn để chúng ta phát triển công nghiệp văn hóa" - ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ.
Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO với Công nghiệp văn hóa” là sự kiện quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa nói chung, tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp và cá nhân trong nước cũng như trên thế giới kết nối, gặp gỡ, trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Hội nghị lần này kỳ vọng đóng góp hành động tích cực và ý nghĩa trong việc xây dựng tương lai của ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam; tái khẳng định vai trò và nỗ lực bền bỉ của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam sau hàng thập kỷ miệt mài đóng góp, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa, tạo ra môi trường thuận lợi cho hợp tác quốc tế; đặc biệt, khẳng định vai trò của quốc gia trong việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa nhân loại. |