Nợ tiêu chí để đạt Nông thôn mới cho "bằng chị, bằng em"
Hà Nội phấn đấu sớm hoàn thành xây dựng Nông thôn mới nâng cao Chương trình giảm nghèo còn tình trạng “chạy theo thành tích” |
Phát biểu tại phiên thảo luận ngày 30/10, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thừa nhận, việc xây dựng Nông thôn mới ở một số địa phương chưa ban hành tiêu chí phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giải ngân chậm; vốn đối ứng cao, gây khó khăn cho các tỉnh có thu nhập thấp.
“Xã được công nhận Nông thôn mới hoặc nâng cao chưa thực sự bền vững, còn nợ tiêu chí, nặng thành tích cho bằng chị, bằng em”, đại biểu Hòa nói.
Theo đại biểu Hòa, thực trạng trên dẫn đến các vấn đề như nợ đọng xây dựng cơ bản đến nay chưa xử lí được; cơ sở vật chất xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa; việc vận động xã hội hóa rất khó khăn vì người dân cho rằng nâng cấp tu sửa là việc của Nhà nước nên ít người tham gia; mô hình chuyển dịch nông nghiệp xanh, sạch còn nhiều hạn chế…
“Điều mong muốn chung của địa phương là phát triển, cuộc sống người dân khấm khá hơn theo thời gian, nhưng việc chạy theo thành tích để đạt chuẩn Nông thôn mới là điều cần phải tránh. Các tiêu chí phải đảm bảo khi nào đạt mới được công nhận”, đại biểu đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) |
Nêu góp ý, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng cần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị.
Cùng với đó là khuyến khích, có ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; khắc phục việc hướng dẫn phân bổ vốn Trung ương chậm, có vốn mà không tiêu được.
Đại biểu còn nêu thực tế, với các xã khu vực II, III khi đạt chuẩn Nông thôn mới không còn được hưởng các chế độ an sinh của Nhà nước nên có biểu hiện chần chừ không muốn phấn đấu đạt chuẩn, thậm chí có xã đến ngưỡng rồi vẫn chần chừ, đó là nghịch lý của từng chính sách.
Do đó, ông Hoàng cho rằng cần hài hoà lợi ích trước mắt và lâu dài của các xã này, để mục tiêu triển khai Nông thôn mới đạt sự đồng thuận cao.
Trước đó, báo cáo kết quả giám sát về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, phong trào xây dựng Nông thôn mới của cả nước đã bám sát mục tiêu “gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững”.
Tính đến ngày 30/6/2023, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn Nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn Nông thôn mới; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Tuy nhiên, kết quả xây dựng Nông thôn mới chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững; một số địa phương thiếu quyết liệt và có dấu hiệu chững lại; cơ chế lồng ghép nguồn vốn ngân sách Trung ương của các chương trình mục tiêu trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo còn hạn chế, chưa thực sự hiệu quả.