Nobel - sân chơi của các nhà khoa học lớn tuổi?
Chủ nhân các giải thưởng Nobel lĩnh vực Vật lý, Y sinh và Hóa học đều là nam giới, đều từ độ tuổi 65 đến 72. Thời điểm nửa đầu thế kỷ 20, độ tuổi trung bình của những người đoạt giải chỉ là 56. Đối với lĩnh vực Vật lý, nếu như hiện tại giải thưởng thường rơi vào nhóm các nhà khoa học hơn 60 tuổi thì trước đó có độ tuổi trung bình là 47.
3 nhà khoa học giành Nobel Vật lý năm nay: David Thouless (82 tuổi), Duncan Haldane (65 tuổi), Michael Kosterlitz (73 tuổi).
Như vậy, liệu có phải các nhà khoa học chỉ đạt được thành công khi đã già?
Gustav Källstrand, một chuyên viên cao cấp tại Viện bảo tàng Nobel cho biết, 100 năm trước chỉ có khoảng 1.000 nhà vật lý. Hiện nay, con số này ước tính là khoảng một triệu nhà vật lý trên thế giới.
"Đây là một trong những yếu tố quan trọng. Vì số lượng các nhà vật lý đã nhiều hơn rất nhiều nên thời gian để một nhà vật lý nhận được giải thưởng Nobel là lâu hơn", ông nói. Ngay cả khi các nhà khoa học có những phát hiện khi còn trẻ, nhưng khi số lượng các nhà khoa học ngày càng nhiều lên, Ủy ban giải thưởng Nobel cũng đòi hỏi một tiêu chuẩn cao hơn
Tuy nhiên, qua thời gian, thế giới cũng có thêm hàng ngàn nhà văn, nhà kinh tế và những người làm việc vì hòa bình hơn. Vậy tại sao những nhà Vật lý được giải đang già đi nhanh hơn so với đồng nghiệp của họ trong lĩnh vực Y học?
Một trong những nguyên nhân lý giải cho điều này là cuộc cách mạng khoa học trong thế kỷ 20, được mang lại bởi sự bùng nổ của lĩnh vực cơ học lượng tử.
Ông Kallstrand lưu ý rằng, lĩnh vực Vật lý trong nửa đầu thế kỷ 20 đã phát triển nhanh chóng, nhiều nhà vật lý đã có nhiều phát minh khi còn rất trẻ. Ví dụ như Paul Dirac, nhà khoa học đã đoạt Nobel Vật lý về cơ học lượng tử vào năm 1930 khi mới chỉ 31 tuổi.
Còn lý giải về việc những người đoạt Nobel Hòa bình lại đi ngược xu hướng lão hóa, ông Källstrand cho biết, Ủy ban giải Nobel Hòa bình nhanh chóng ghi nhận nỗ lực của những người hoạt động vì hòa bình chứ không chờ đợi cho đến khi các biện pháp này thành công hoàn toàn.
LAN HƯƠNG (THEO BBC)