Nối nghề gìn giữ “làng lúa làng hoa”
Hà Nội: Làng hoa Tây Tựu hối hả 'bung hàng' Tết Làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) là một trong những nơi cung cấp số lượng hoa lớn cho Thủ đô ... |
Nhiều bạn trẻ ở Liên Mạc đang tiếp nối nghề từ “làng lúa làng hoa” vừa lập nghiệp, vừa lưu giữ nét Hà thành đa sắc màu. Làng hoa Liên Mạc nằm cách chân cầu Thăng Long chừng 2 cây số, trước kia người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi và làm ruộng. Những năm gần đây, Liên Mạc đã nổi tiếng với nghề làm hoa, cây cảnh và trồng bưởi. Có rất nhiều loại hoa được trồng ở đây nhưng đẹp và nhiều nhất vẫn là các loại cúc.
Chị Lê Thị Lan (người dân địa phương) cho biết, mỗi dịp sát Tết, người dân Hà Nội sành lại rủ nhau sang Liên Mạc đặt mua hoa quả đón xuân. Liên Mạc cũng là địa chỉ mới khá hấp dẫn cho các bạn trẻ sang tham quan, chụp ảnh, lưu lại những khoảnh khắc đẹp.
Vườn hoa cúc vàng ở Liên Mạc |
Nằm cạnh vựa hoa Tây Tựu - làng có diện tích trồng hoa lớn, lâu đời với đủ các loại hoa: Hồng, lily, loa kèn, lay ơn, cúc, thược dược… cung cấp chính cho thị trường hoa Hà Nội. Vì trồng với số lượng lớn nên hoa ở Liên Mạc, Tây Tựu cũng rẻ hơn so với các làng hoa khác khá nhiều.
Chị Lan cũng trồng hoa. Nghề làm hoa gắn với gia đình chị đã 4 năm. Khi thấy người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị Lan bắt nhịp theo và nay thì khẳng định hướng đi của mình rất đúng đắn.
Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1991) ở phường Liên Mạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Chàng trai trẻ trồng hơn một mẫu hoa từ năm 2012 đến nay. Trước đây, Dũng học nấu ăn và làm nấu ăn được 5 năm. Sau khi mẹ qua đời, năm 2012, cậu trở về làng làm ruộng, thay mẹ trồng hoa với bố.
Nguyễn Văn Dũng lập nghiệp bằng nghề trồng hoa tại quê hương |
Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường trầm lắng hơn, tuy nhiên, mấy sào hoa cúc của gia đình Dũng cũng đã bán hết từ chiều 27 tháng Chạp. Chàng trai trẻ cho biết: “Dường như năm nào cũng vậy, cứ khoảng ngày 27 Tết là nhà mình bán hết hoa cho khách buôn. Họ đem đi bán ở các tỉnh, thành khác. Năm nay giá hoa rẻ hơn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, mình bán 4 nghìn đồng/bông cúc vàng kim cương. Thu nhập trong dịp này khoảng gần 100 triệu đồng. Nếu năm nào được giá, nhà mình bán 8 nghìn đồng/bông”.
Để có được những bông hoa tươi tắn, lá xanh mướt cũng lắm công phu. Hàng ngày, Dũng và bố của cậu phải chăm sóc hoa cẩn thận. Cậu cho hay, chăm sóc hoa phải đúng theo chu kì, trước khi trồng phải phay, ủ đất tầm nửa tháng, úp ni lông cho vi khuẩn chết, sau đó mới cấy cây; Rồi đánh sâu, nấm để thân, lá cây xanh, bón phân lân, tưới nước đều… cây mới lớn khoẻ và hoa đẹp.
Khoảng 3,5- 4 tháng sau khi gieo trồng thì được thu hoạch, mỗi năm được 2 vụ chính vào mùa đông và hè. “Với số vốn đầu tư không nhiều, khoảng 4-7 triệu đồng/sào bỏ vào mua giống, phân… nên mình có thể duy trì và phát triển nghề này lâu dài. Không chỉ vậy, mình còn muốn gắn bó với nghề của gia đình, trên chính mảnh đất quê hương, để góp phần gìn giữ hồn quê “làng lúa làng hoa” Thủ đô”, Nguyễn Văn Dũng bày tỏ.