Nông dân trồng hoa ở Đà Nẵng trăn trở vụ hoa Tết
Chi phí trồng, chăm sóc tăng cao, người dân trồng hoa Tết vừa vặt lá, chăm cây vừa ngóng trông thương lái (Ảnh Đ.Minh) |
Tháng 8 âm lịch hàng năm là khoảng thời gian mà những nông dân trồng hoa Tết ở Đà Nẵng bắt đầu xuống giống. Nhưng năm nay, vào thời điểm xuống giống vụ hoa Tết TP Đà Nẵng phải thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, đã ảnh hưởng đến các làng trồng hoa Tết trên địa bàn thành phố.
Theo ông Lý Phước Dạng, Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa Dương Sơn (thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn trong việc chăm sóc các chậu hoa, nhất là thời điểm Đà Nẵng giãn cách xã hội toàn thành phố, nhiều hộ trồng hoa không sống tại địa bàn xã nên không trực tiếp chăm sóc cây được, bên cạnh áp lực chi phí sản xuất và đầu ra khiến người trồng hoa năm nay như ngồi trên đống lửa”.
Năm nay, các hộ trồng hoa Tết tại Đà Nẵng đều giảm số lượng hoa Tết (Ảnh Đ.Minh) |
Được biết, Tổ hợp tác làng hoa Dương Sơn hiện có 23 vườn hoa của các hộ dân, năm nay số lượng chậu giống gieo trồng tại làng hoa Dương Sơn giảm khoảng 2.500 chậu so với năm ngoái, chỉ còn có khoảng 12.500 chậu trên diện tích 4,5ha; trong đó có 1,5ha trồng hoa lan công nghệ cao, hoa cúc và còn lại là một số loại hoa khác.
“Giá chậu hoa cúc đại năm ngoái có giá khoảng 700.000 đồng/cặp, nhưng hiện nay giá chỉ khoảng 500.000 đồng/cặp. Chi phí chăm sóc cao, cứ tiếp diễn như vậy các hộ dân sẽ lỗ và dần bỏ nghề. Năm ngoái gốc hoa cúc giao động 9.000-10.000 đồng/gốc, nhưng giá giảm mạnh nay còn hơn 5.000 đồng/gốc” ông Dạng nói.
Để hoa Tết không phát sinh bệnh vì trời lạnh, nông dân phải tưới nước thường xuyên (Ảnh Đ.Minh) |
Tất bật bên những chậu hoa cúc, bà P.T.D (64 tuổi) chủ hộ trồng hoa chia sẻ, “Hộ nhà tôi trồng 800 chậu cúc, thời điểm này hoa dễ sinh sâu bệnh, giá các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân đạm tăng chóng mặt. Phân bón giá tăng cao so với năm ngoái, hiện phân bón mua giá 1.400.000 đồng/bao, trước đó giá chỉ 900.000 đồng/bao, nhà tôi đã quyết định cắt giảm số lượng nhưng vẫn lo không tiêu thụ hết hoa Tết”.
Mọi năm, trong tháng 11 âm lịch, làng hoa Dương Sơn đã có rất đông các thương lái đi xem hoa, đặt cọc. Nhưng năm nay lại khá vắng bóng, có một số ít người đến vườn xem hoa mà không dám đặt mua trước vì lo sợ ảnh hưởng của dịch bệnh.
Những chậu hoa cúc được nông dân chăm sóc kĩ lưỡng (Ảnh Đ.Minh) |
Cùng chung nỗi lo, bà L.T (52 tuổi) than thở “ Thời tiết quá lạnh sẽ làm cây chậm phát triển và thấp bé, để đảm bảo tổng số chậu hoa đủ điều kiện xuất bán, thì cận Tết vợ chồng bà chăm hoa như chăm con mọn, thuê 10 người ngắt búp hoa nhỏ, để mỗi cây chỉ tập trung nuôi 1 búp chính, chi phí nhân công dao động 270-300.000 đồng/người/ngày, thuê từ 3-4 đợt nên khá tốn kém chi phí”.
Thời điểm này, thời tiết đang khá thuận lợi, hoa phát triển khá tốt. Tuy nhiên, giá vật tư, nhân công đều tăng từ 15-20%, nhiều nhà vườn nhận định giá hoa sẽ tăng hơn so với mọi năm thì người trồng hoa mới có lãi.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nông dân trồng hoa đang lo lắng về đầu ra cũng như các mối tiêu thụ. Vì hàng năm, đầu ra của làng hoa Dương Sơn chủ yếu là các thương lái đến từ Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế... Dù có nhiều lo lắng nhưng người trồng hoa Đà Nẵng đang hy vọng vào vụ hoa lớn nhất trong năm sẽ trúng mùa, được giá.
Để hoa phát triển tốt, nở đúng dịp Tết, nông dân trồng hoa tại Đà Nẵng đang tăng cường chăm sóc bằng nhiều biện pháp |
Không còn chạy theo số lượng, năng suất như các năm trước, nhiều nông dân làng hoa Dương Sơn tập trung vào hiệu quả, chất lượng, kịp thời nắm bắt thị trường để canh tác loại hoa, kiểng phù hợp, chuyển sang các loại cây ngắn ngày. Vận dụng công nghệ thông tin thông qua nền tảng Zalo, Facebook...để giới thiệu, quảng bá hoa Tết với thương lái gần xa.
Để hoa phát triển tốt, nở đúng dịp Tết, nông dân trồng hoa tại Đà Nẵng đang tăng cường chăm sóc bằng nhiều biện pháp như làm nhà che, mua lưới giăng kín chống mưa gió, sâu bọ, lắp đặt thêm bóng đèn điện kích thích cây hoa sinh trưởng tốt, để việc tiêu thị hoa thêm phần hi vọng hơn.