Nông thôn Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại
Dẫn đầu cả nước số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Sau 4 năm thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, Hà Nội đã đạt được nhiều dấu ấn nổi bật. Cụ thể, tính đến hết năm 2021, TP đã có 382/382 xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU đề ra trước 4 năm. Chỉ trong vòng 3 năm (2021 - 2023), TP có 12 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Như vậy, Hà Nội có 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, về đích trước 2 năm so với mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU.
Không chỉ đạt 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đến hết năm 2024, TP Hà Nội đã có 229/382 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 59,9% tổng số xã), vượt 73 xã so với mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU đề ra; 109 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm 28,5% tổng số xã), vượt 29 xã so với mục tiêu đề ra đến năm 2025.
![]() |
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội |
Mới đây, Hà Nội đã có thêm 2 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, nâng tổng số huyện hoàn thành NTM nâng cao lên 5 huyện gồm: Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Oai. Con số này đưa Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu các tỉnh, TP trên cả nước trong lĩnh vực này, vượt mục tiêu đề ra tại Chương trình số 04-CTr/TU là 4 huyện.
Hiện Hà Nội đã hoàn thiện hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận “TP hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM”. Đặc biệt, xây dựng NTM ở Hà Nội đã đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, trong đó có nhiều chỉ tiêu cao hơn so với quy định của Trung ương, mang bản sắc riêng của Thủ đô.
Hạ tầng kinh tế - xã hội của Hà Nội được đầu tư đồng bộ; 100% tuyến đường trục huyện, đường liên xã, trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% số thôn, làng có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng…
![]() |
Một góc NTM của Hà Nội |
Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy trong giai đoạn 2021 - 2025, dấu ấn rõ rệt đối với khu vực nông thôn Hà Nội là kinh tế có sự bứt phá mạnh mẽ. Diện tích sản xuất nông nghiệp có xu thế giảm theo từng năm, chủ yếu là diện tích đất trồng lúa do quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, lĩnh vực trồng trọt có nhiều tiến bộ, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các giống cây trồng chất lượng, giá trị cao, cây ăn quả đặc sản, diện tích trồng cây cảnh tiếp tục được mở rộng.
Về phát triển sản phẩm OCOP, nếu như năm 2021, Hà Nội có 595 sản phẩm được UBND TP công nhận OCOP, thì đến nay, lũy kế TP đã có 3.317 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao… Kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại và các làng nghề phát triển mạnh mẽ. Những chuyển mình tích cực trong phát triển kinh tế đã mang đến nhiều đổi thay cho các địa phương.
Trong năm 2024, có 2 làng nghề đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước là gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) trở thành thành viên của Mạng lưới các TP thủ công sáng tạo toàn cầu.
![]() |
Mới đây, Hà Nội đã có thêm 2 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, nâng tổng số huyện hoàn thành NTM nâng cao lên 5 huyện |
Chương trình số 04-CTr/TU không chỉ góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn Thủ đô mà còn cải thiện mức sống của người dân địa phương. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn TP đạt khoảng 73,8 triệu đồng, tăng 18,8 triệu đồng/người/ năm so với năm 2020. Nhiều địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao. Điển hình như các huyện Hoài Đức, Đan Phượng đạt 86 triệu đồng/người/năm, Đông Anh đạt hơn 85,8 triệu đồng, Gia Lâm đạt 83 triệu đồng...
Đặc biệt, đến hết năm 2024, TP không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025, về đích trước 1 năm so với kế hoạch đề ra. Đa số hộ gia đình ở nông thôn có nhà kiên cố, khang trang. Khoảng cách đời sống Nhân dân giữa khu vực nội thành và ngoại thành được kéo gần.
Tạo điều kiện thúc đẩy quá trình đô thị hóa
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, đến thời điểm này, mặc dù Chương trình số 04-CTr/TU vẫn chưa đi hết chặng đường 5 năm nhưng với sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP cùng sự nỗ lực của các Sở, ngành, địa phương và người dân, TP đã đạt được những chỉ tiêu đặt ra.
![]() |
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) trở thành thành viên của Mạng lưới các TP thủ công sáng tạo toàn cầu |
Có thể thấy rằng, những bước đi vững chắc, những thành quả đáng khích lệ đạt được trong thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng lòng, chung sức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân.
Đặc biệt, việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cũng được TP triển khai khẩn trương, đồng bộ, bài bản. Từ năm 2021 đến nay, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy đã tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình tại các huyện, thị xã; tổ chức họp giao ban định kỳ hằng quý để đánh giá tiến độ, kết quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM theo kế hoạch, mục tiêu chương trình đề ra.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, một trong những kinh nghiệm quý của Hà Nội trong quá trình thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU là đã xác định xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị ngay từ đầu nhiệm kỳ để chỉ đạo triển khai tại các địa phương. Xây dựng NTM mở hướng, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình đô thị hóa để các huyện phát triển thành quận, như ở Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng...
![]() |
Sản phẩm lụa của làng nghề truyền thống Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) được trưng bày tại buổi lễ đón nhận danh hiệu 2 làng nghề: Gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm) và Dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) là thành viên của Mạng lưới các TP thủ công sáng tạo trên toàn thế giới |
Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, Hà Nội đã tập trung dành nguồn lực từ ngân sách TP để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình thiết yếu về cơ sở hạ tầng cho xây dựng NTM. Theo tổng hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội, trong hơn 4 năm thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, nguồn lực cho xây dựng NTM luôn được Thành ủy, HĐND, UBND TP quan tâm, bố trí kịp thời.
Về các giải pháp thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU từ nay đến cuối năm, Hà Nội tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư để duy trì các tiêu chí NTM đã đạt; đồng thời, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. TP cũng đề nghị các huyện, thị xã chủ động cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện, xã để triển khai thực hiện, bảo đảm mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, TP kêu gọi các quận tiếp tục quan tâm hỗ trợ các huyện xây dựng NTM theo quy định, nhất là với các địa phương còn nhiều khó khăn. Các Sở, ngành của TP căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tiêu chí, chỉ tiêu được giao phụ trách, chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, xã triển khai tổ chức thực hiện 11 chỉ tiêu trong Chương trình số 04-CTr/TU hoàn thành trong năm 2025, bảo đảm theo quy định.
![]() |
Huyện Thanh Trì long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng và đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 |
TP cũng tập trung thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng cao; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích trồng hoa, cây cảnh.
Đối với chăn nuôi, TP đẩy mạnh phát triển đàn lợn, đàn trâu, đàn bò; phát triển chăn nuôi theo vùng, ứng dụng công nghệ cao, phát triển chăn nuôi theo nhu cầu thị trường, chuỗi giá trị…
Ngoài ra, TP tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với làng nghề và các giá trị tài nguyên du lịch khu vực nông thôn Hà Nội…
Đặc biệt, TP tiếp tục xây dựng NTM đi vào chiều sâu, bền vững, thực chất, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy đề ra.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tháo gỡ khó khăn, tạo bứt phá phát triển sản phẩm OCOP 5 sao

Xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai) đón Bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu

Tạo đà phát triển kinh tế vùng nông thôn

Xã Cấn Hữu (Quốc Oai) đón Bằng công nhận xã Nông thôn mới nâng cao năm 2024

Đề nghị thẩm định, xét, công nhận huyện Thường Tín đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao

Xã Phú Mãn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới nâng cao

Hà Nội không nợ đọng xây dựng cơ bản trong Nông thôn mới

Đồng Nai thêm 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao

Trồng mít Thái hiệu quả nhờ NPK Cà Mau công nghệ Poly Phosphate
