Nữ sinh viên khởi nghiệp với mô hình nuôi cá lồng bè tại lòng hồ Hòa Bình
Tạo động lực cho thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Bỏ phố về quê khởi nghiệp với nghề làm giò chả Bàn giải pháp hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp |
Dám nghĩ dám làm
Theo Phương Anh, cuộc sống ngày càng hiện đại và phát triển, nhu cầu cấp thiết của mỗi con người là hướng tới những sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng và đầy đủ chất dinh dưỡng không chỉ cho cá nhân mà cả những người thân xung quanh. Nguồn thực phẩm sạch, không béo, đầy đủ chất dinh dưỡng đó không thể không kể đến cá.
Từ ý tưởng này, Phương Anh cùng nhóm cộng sự đã tìm kiếm và tham gia các lớp học chuyên môn về cách nuôi cá phổ thông. Nhóm cũng tìm địa điểm để biến ý tưởng thành hiện thực, đó là lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
Hòa Bình là tỉnh có lợi thế phát triển nuôi thủy sản ở khu vực Tây Bắc với trên 14.560ha mặt nước các loại. Trong đó, diện tích hồ Hòa Bình thuộc địa phận tỉnh là 8,9 nghìn héc-ta, nằm trải rộng trên địa bàn 19 xã ở 5 địa phương: Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc và thành phố Hòa Bình.
Phạm Phương Anh |
“Chúng tôi quyết định thực hiện mô hình gần bến cảng Bích Hạ, xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình. Khi triển khai dự án tại đây, chúng tôi vừa tận dụng được diện tích mặt nước vốn có, vừa giúp giải quyết việc làm, đặc biệt là có sản phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng”, Phương Anh chia sẻ.
Với sự ủng hộ của gia đình cùng nguồn vốn vay ngân hàng, đầu tháng 1/2019, nhóm của Phương Anh đã gặp và đặt vấn đề với gia đình cô Lê Thị Thu Hương, sinh sống tại xã Thái Thịnh, tiến hành đóng 15 lồng bè kích thước 6 x 6 x 3.5m và xin cấp phép nuôi cá tại lòng hồ Hòa Bình. Trong đó, cô gái trẻ thả cá giống gồm: Rô phi đơn tính, chép, diêu hồng, nheo mỹ (lăng), trê lai.
“Khi khởi nghiệp mình mới là sinh viên năm thứ hai nên non kém về kinh nghiệm. Bắt tay vào thực tế công việc mình mới thấy khó khăn hơn rất nhiều. Mọi thứ không đơn giản như bài học trên sách vở”, Phương Anh tâm sự.
Bội thu trái ngọt
Vượt qua khó khăn, với nguồn cám thức ăn cho cá có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng dồi dào và sự tâm huyết của mỗi cá nhân trong nhóm, cá phát triển tốt, lớn nhanh. Ngay khi phát hiện dịch bệnh xảy ra, cá được xử lý kịp thời, đúng cách nên hạn chế thiệt hại.
Mô hình nuôi cá lồng bè tại lòng hồ Hòa Bình đang được Phạm Phương Anh triển khai |
Đặc biệt, với lợi thế của sinh viên khoa Công nghệ sinh học, Phương Anh vận dụng kiến thức đã học và tìm hiểu để biết các mắc bệnh gì nên dùng thuốc với thành phần và liều lượng đúng. Việc không sử dụng thuốc cấm trong chăn nuôi đã giúp cá lớn nhanh, đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chí đặt ra từ ngày đầu.
Hơn nữa, việc nuôi lồng bè tại lòng sông Đà giúp cá được thay đổi dòng nước từng phút, từng giây. Điều đó giúp cá khỏe, lồng sạch, cám không bị đọng lại như nuôi ao hay bể. Dòng nước lưu thông, trong xanh, giúp cá có màu đẹp, bắt mắt, đặc biệt hơn cả là thịt thơm, dai, ngọt và không bị ngấy; Góp phần khẳng định danh hiệu đặc sản "cá Sông Đà".
Từ khi khởi nghiệp đến nay, nhóm của Phương Anh đã thu hoạch được 2 vụ. Mỗi vụ cho doanh thu gần 1 tỷ đồng. Số tiền thu được, nhóm ngay lập tức quay vòng tái sản xuất, bảo trì cơ sở vật chất, thả giống cá mới, tiếp tục nuôi các lồng cá lăng, trê lai, nhập thêm giống cá trắm cỏ, rô phi...
“Phát triển nuôi cá lồng bè tại hồ Hòa Bình có vai trò rất lớn trong việc cung cấp nguồn sản phẩm tươi sống, giàu đạm tại chỗ, góp phần cải thiện đời sống cho người dân, cũng như đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm. Chúng tôi tin tưởng đây là hướng sản xuất nông nghiệp bền vững”, Phương Anh cho biết.
Tuổi còn trẻ nhưng khi bắt đầu bước vào kinh doanh, Phương Anh đã có niềm đam mê với nông nghiệp nước nhà và tình yêu sông nước. Đặc biệt, cô gái trẻ và nhóm cộng sự muốn đem đến cho người dân sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe và đầy đủ dinh dưỡng.
Qua gần một năm khởi nghiệp, Phương Anh được tham gia các lớp học phòng bệnh cho cá, tham khảo ý kiến góp ý từ chuyên gia, bạn bè đồng môn và áp dụng từng ngày. Tuy nhiên, Phương Anh và các thành viên trong nhóm vẫn khao khát được Nhà nước, các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp, tổ chức tạo điều kiện cho học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn, hỗ trợ đào tạo để phát triển sản phẩm ngày càng tốt hơn và có nhiều ý tưởng sáng tạo mới.
Đặc biệt, cô gái trẻ khao khát phát triển sản phẩm không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn có thể vươn tầm ra thị trường quốc tế. “Nhóm khởi nghiệp mong muốn được các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, hợp tác, hỗ trợ vay vốn để củng cố kinh doanh và phát triển nguồn giống, số lượng cá. Chúng tôi muốn đẩy mạnh phát triển mô hình kinh doanh từ hộ gia đình thành doanh nghiệp cá thể, từ đó, xây dựng thương hiệu cá sạch nuôi lồng tại sông Đà”, Phương Anh tâm sự.