Nuốt mật cá trắm chữa "bách bệnh", hậu quả suy gan, tổn thương thận
Ngộ độc mật cá trắm, hai bệnh nhân suy thận nặng Giáp Tết, ngộ độc rượu gia tăng Uống thuốc cam, bé gái 9 tuổi bị ngộ độc chì nặng Quảng Ninh: Gần 60 công nhân bị ngộ độc khí phải nhập viện |
Bệnh nhân là nữ (56 tuổi) ở Hải Dương, đã nuốt mật cá trắm sống do nghe nhiều người "mách" mật cá rất tốt cho sức khỏe, ăn mật cá sống có thể chữa được nhiều bệnh.
Nữ bệnh nhân cho biết, trước khi vào viện khoảng 2 ngày, bệnh nhân đã ra chợ xin mật con cá trắm 3kg và nuốt sống. Khoảng 5 giờ sau, bệnh nhân có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn nhiều ra thức ăn, dịch tiêu hóa, đi đại tiện liên tục 6 lần trong 3 giờ đồng hồ, phân lỏng.
Bệnh nhân đang được điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: BVCC) |
Nghĩ bị trúng gió, bệnh nhân nhờ người nhà đi gọi người đến nhà tiêm và truyền dịch nhưng không đỡ. Sau 2 ngày bệnh nhân mệt nhiều, đau bụng âm ỉ liên tục, buồn nôn, nôn nhiều, còn tiêu chảy, tiểu ít, phù chân tăng dần.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc mật cá, với các biểu hiện lâm sàng: Rối loạn tiêu hóa; tổn thương thận cấp (thiểu niệu, vô niệu, tăng ure, Creatinine máu, phù); hủy hoại tế bào gan (tăng AST, ALT); suy gan cấp (vàng da, tăng Blirubin…)
Sau một thời gian điều trị tích cực bằng các phương pháp bù dịch, điện giải, lợi tiểu và lọc máu IHD, các bác sĩ tiên lượng trên 95% bệnh nhân sẽ hồi phục không để lại di chứng. Chức năng gan sẽ phục hồi sau 1 tuần điều trị. Chức năng thận phục hồi sau 2-4 tuần điều trị.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc mật cá thường xảy ra ở các nước Châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam) do quan niệm mật cá có tác dụng chữa bệnh theo Đông y.
Tại Việt Nam, các ca ngộ độc thường là ngộ độc mật cá trắm. Tần suất hằng năm vài ca, rải rác ở nhiều địa phương khác nhau, thường là các ca đơn lẻ.
"Bên trong các loại mật cá thuộc họ cá chép như cá mè, cá trôi, cá trắm hay kể cả các loại cá tầm đều có chứa một loại độc tố nguy hiểm. Tên khoa học của loại độc tố này là 5α-cyprinol, đây là một hợp chất alcohol độc của mật với 5 nhóm hydroxyl trong phân tử. Độc tố này bền vững với nhiệt, giữ độc tính khi nấu chín nên kể cả khi nấu chín ăn vào vẫn sẽ gây ngộ độc.
Chất độc này gây tổn thương, gây viêm, loét đường tiêu hóa, gây đau bụng, nôn và tiêu chảy…sau đó nhanh chóng làm tổn thương, suy thận, hoại tử ống thận, tổn thương gan gây suy gan. Nhiều bệnh nhân khi trúng độc cần phải điều trị tích cực như lọc máu và nằm viện nhiều ngày với chi phí điều trị tốn kém, nếu không nguy cơ tử vong sẽ rất cao", TS.BS Nguyễn Trung Nguyên thông tin.
Giám đốc Trung tâm chống độc khuyến cáo: "Người dân tuyệt đối không ăn mật cá, không ăn nội tạng cá. Cần cẩn thận, kỹ lưỡng, loại bỏ nội tạng cá trước khi chế biến và rửa sạch. Ngoài ra, người dân cũng cần tuyên truyền về tác hại của mật cá. Loại bỏ quan niệm sai lầm về lợi ích của mật cá nói riêng và các loài động vật nói chung".