Phát hiện chất cấm Sibutramine trong sản phẩm Thảo mộc Tiến Hạnh
Tuổi trẻ Thủ đô nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc nghi ngờ sản phẩm thảo mộc Gold Tiến Hạnh có chứa chất cấm.
Để làm rõ thông tin, nhóm PV đã mang sản phẩm này đi xét nghiệm tại Trung tâm chứng nhận phù hợp của Tổng cục tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam.
Ngày 26/4/2019, Trung tâm này đã có công bố phiếu kết quả thử nghiệm số 1749/19/-PTN đối với sản phẩm thảo mộc Tiến Hạnh. Các phiếu kết quả thử nghiệm thể hiện rõ kết quả dương tính của sản phẩm thảo mộc Tiến Hạnh đối với chất cấm Sibutramine.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng Sibutramine có khả năng ức chế cảm giác thèm ăn, hạn chế hấp thu chất béo, giúp cơ thể giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên, chất này lại gây những tác dụng phụ nguy hại như: gây nên các triệu chứng đau đầu, suy nhược.
Phát hiện chất cấm Sibutramin trong sản phẩm Thảo mộc Tiến Hạnh |
Bên cạnh đó, Sibutramine nguy hiểm đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch hay huyết áp. Chất này làm gia tăng trung bình huyết áp tâm thu và tâm trương khoảng 1-3 mmHg. Đồng thời, Sibutramine cũng làm tăng nhịp tim khoảng 4-5 nhịp mỗi phút, có thể gây rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim và nguy hiểm hơn là có thể gây ngừng tim, đột quỵ.
Ngoài ra, Sibutramine cũng tác động lên hệ thần kinh, với các triệu chứng: mất ngủ, chóng mặt, lo lắng, trầm cảm. Cũng theo nghiên cứu, khoảng 0,1% bệnh nhân đã trải qua cơn động kinh trong khi sử dụng sản phẩm chứa Sibutramine.
Phát hiện chất cấm Sibutramin trong sản phẩm Thảo mộc Tiến Hạnh |
Chính vì những tác dụng phụ nguy hại đó, từ tháng 10/2010, FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có Sibutramine.
Ngày 8/6/2010, Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế đã ban hành công văn về việc ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine.
Ngày 14/4/2011 Cục này đã có công văn về việc đình chỉ lưu hành và yêu cầu thu hồi các loại thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine này. Thế nhưng, nhiều sản phẩm hỗ trợ giảm cân trên thị trường hiện nay vẫn chứa chất cấm này, bởi hiệu quả rõ rệt của nó đối với việc giảm cân. Thảo mộc Tiến Hạnh là một ví dụ cụ thể.
Mặc dù vậy, trên nhiều website như thuoctangcantienhanh.net, nhathuoctienhanh.com… lại quảng cáo về sản phẩm của thương hiệu Tiến Hạnh như một loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ an toàn, hiệu quả, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trên toàn quốc.
Trên website nhathuoctienhanh.com có đoạn: “Xoay quanh câu chuyện về TPCN, bà Đặng Thiên Hương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đông y gia truyền Tiến Hạnh, một trong những doanh nghiệp tiêu biểu về các sản phẩm tăng cân, giảm cân cho biết: “TPCN Tiến Hạnh là sản phẩm được đúc kết từ những bài thuốc quý trong dân gian với những thành phần vô cùng lành tính có tác dụng tốt cho sức khỏe như: linh chi, tam thất, nhân sâm, lá sen, mật mía… Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm là các thầy trong ban cố vấn đến từ Học Viện Y học cổ truyền Việt Nam, Công ty TNHH đông y gia truyền Tiến Hạnh chúng tôi tự tin sẽ mang lại những sản phẩm chăm sóc sức khỏe tốt, an toàn cho người tiêu dùng”.
Hiện nay, nhiều sản phẩm giảm cân, tăng cân trên thị trường bị phát hiện có chứa chất cấm và đã được báo chí cảnh báo. Tuy nhiên, các thương hiệu này vẫn thu hút được nhiều người tiêu dùng. Bằng chứng là lượng hàng được sản xuất và phân phối ra thị trường rất lớn.
Về vấn đề này, TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam cho rằng: “Người tiêu dùng chưa có kiến thức về việc đọc thành phần và nhãn thực phẩm cũng như chưa ý thức được thành phần nào gây hại hoặc bị cấm.
Phát hiện chất cấm Sibutramin trong sản phẩm Thảo mộc Tiến Hạnh |
Ngoài ra, điều khiến cho những sản phẩm giảm cân bán chạy là do truyền thông quảng cáo.
Nhiều nhãn hàng thuốc giảm cân tung ra những lời quảng cáo có cánh như “giảm cân cấp tốc chỉ 3-5 ngày”, “giảm 5-7 kg chỉ trong một tuần”, “thuốc giảm cân bán chạy nhất hiện nay”… đã đánh trúng tâm lý muốn giảm cân nhanh của nhiều chị em thừa cân, béo phì.
Ngoài việc đánh trúng tâm lý muốn giảm cân nhanh, những sản phẩm này còn bán chạy do có giá thành không quá cao. Nhiều người tiêu dùng ham rẻ mà quên việc kiểm tra kỹ càng cơ chế tác dụng và tác dụng mà không để ý đến nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm chưa được kiểm định và không được cơ quan chức năng cấp giấy phép lưu hành. Các sản phẩm giảm cân cũng hầu hết được bán chui trên các trang bán hàng online, rao vặt.
Trước đó, đầu năm 2018, CSKT- Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã phát hiện một xưởng sản xuất sản phẩm giảm cân, tăng cân mang thương hiệu Tiến Hạnh.
Nguyên liệu để sản xuất những sản phẩm này gồm bột ngô, bột gạo nếp, mật mía và nhiều loại hóa chất có trong danh mục cấm lưu hành. Sau đó, được hoàn viên, đóng gói với đầy các mỹ từ và các giải thưởng tự phong để lấy niềm tin khách hàng.
Theo kết quả giám định ngày 21/5/2018 của Viện khoa học hình sự - Bộ CA thì trong sản phẩm tăng cân này có thành phần 2 hoạt chất là Cinnarizine và Sibutramine.