Ăn kiêng quá mức ảnh hưởng xấu đến lứa tuổi dậy thì
Trẻ đang trong độ tuổi dậy thì có nên giảm cân không?
Trong độ tuổi dậy thì, trẻ sẽ có nhiều thay đổi về vóc dáng và tâm sinh lý. Đây cũng là thời điểm cơ thể của trẻ cần hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng để duy trì sự phát triển ổn định. Vì thế, số cân nặng khi dậy thì sẽ có nhiều biến đổi.
Nhiều bé sẽ tăng cân nhanh dẫn đến béo phì. Điều này vô tình khiến cho trẻ mặc cảm về ngoại hình của mình. Do đó, các bé thường tìm cách để giảm cân như ăn kiêng, nhịn ăn.
Lạm dụng thực phẩm giàu calo, đồ uống có đường khiến trẻ béo phì. Ảnh minh hoạ |
Thừa cân béo phì ở trẻ em đang trong độ tuổi dậy thì là một vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Sự cân bằng giữa năng lượng, nội tiết tố, chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Trẻ em béo phì thường có chiều cao "nhỉnh" hơn so với độ tuổi và giới tính, và có xu hướng trưởng thành sớm hơn so với trẻ gầy ốm.
Nhiều bạn trẻ đang vào độ tuổi dậy thì thường mong muốn có thân hình chuẩn giống như người mẫu hoặc ngôi sao mà trẻ hâm mộ. Tuy nhiên, việc thay đổi cân nặng không phải lúc nào cũng đòi hỏi phải giảm cân.
Hơn nữa, trong độ tuổi dậy thì, cơ thể sẽ trải qua nhiều thay đổi lớn, ảnh hưởng đến chiều cao và cân nặng. Hormone được giải phóng trong giai đoạn này có thể khiến bé gái tăng cân và bé trai tăng cơ.
Ở nữ giới, cơ thể tạo ra nhiều chất béo giúp bụng, đùi và ngực đầy đặn, phần hông rộng hơn, mông to hơn. Đây là một điều hoàn toàn bình thường trong độ tuổi dậy thì, tuy nhiên có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti về cân nặng của mình.
Phương pháp giảm cân an toàn cho bé trong độ tuổi dậy thì
Dậy thì là thời điểm trẻ phát triển và hoàn thiện về thể chất lẫn trí tuệ. Do đó, việc giảm cân cần đặc biệt lưu ý để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, hoặc gián đoạn sự phát triển chiều cao và cân nặng.
Để hỗ trợ trẻ kiểm soát cân nặng, phụ huynh cần xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống phù hợp để kiểm soát cân nặng mà không ảnh hưởng đến sự phát triển.
Tỷ lệ trẻ em ở tuổi dậy thì bị béo phì ngày càng tăng |
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên cho trẻ ăn những loại thực phẩm như rau xanh chứa nhiều vitamin và khoáng chất, chất xơ nhưng lại ít calo; trẻ nên ăn nhiều rau xanh để no bụng và kiểm soát cân nặng.
Thịt trắng và cá là loại thực phẩm có hàm lượng đạm cao, lượng calo thấp và giúp no lâu; bổ sung loại thịt trắng và cá trắng giúp trẻ phát triển hệ cơ bắp mà không sợ béo phì.
Những loại chất béo lành mạnh có thể tìm thấy ở dầu oliu, cá hồi, cá trích, cá basa.... Tinh bột khó chuyển hóa như khoai tây, khoai lang, gạo lứt, yến mạch... giúp tiêu hóa thức ăn diễn ra lâu hơn, từ đó trẻ ít bị đói bụng hơn.
Một trong những cách để kiểm soát lượng calo lý tưởng ở trẻ là tập thể dục thường xuyên hơn. Những môn thể dục như chạy bộ, đạp xe, bơi lội, khiêu vũ,... sẽ giúp trẻ ở độ tuổi này phát triển chiều cao và giảm cân đáng kể.
Điều quan trọng đối với thanh thiếu niên trong độ tuổi dậy thì là phải giảm cân theo các phương pháp lành mạnh thông qua việc thực hiện các thay đổi về chế độ ăn uống và lối sống để nuôi dưỡng cơ thể đang phát triển cũng như thực hiện chúng một cách lâu dài.
TS.BS. Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Tuổi dậy thì là giai đoạn vô cùng quan trọng với sự phát triển cả về thể chất, nhận thức và tinh thần của trẻ. Do vậy, tất cả những tác động từ môi trường, cuộc sống, dinh dưỡng, lối sống… đều ảnh hưởng đến trẻ trong thời kỳ được cho là “nhạy cảm” này.
Không ít trẻ được gia đình bồi dưỡng nhiều dẫn đến thừa cân, béo phì nhưng cũng có nhiều em sợ béo, ăn kiêng thái quá khiến sức khoẻ trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều. Thậm chí, đã có trường hợp vì bị tăng cân quá bị các bạn cười chê, sau đó có trẻ ép cân đến mức cơ thể suy kiệt, phải nhập viện cấp cứu.
Việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ ở giai đoạn tuổi dậy thì rất tốt, giúp trẻ phát triển được chiều cao. Tuy nhiên, về nguyên tắc cần phải bổ sung đúng và đủ chứ không bao giờ được bổ sung thừa hay thiếu. Ở giai đoạn dậy thì, trẻ vẫn cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất (bột đường, đạm, protein, vitamin và khoáng chất), tuy nhiên điều luôn ghi nhớ là: Bổ sung cân đối hàng ngày.
Bố mẹ nên chú ý đủ năng lượng nạp vào cơ thể trẻ. Bởi nếu nạp quá nhiều, số năng lượng không tiêu hao hết sẽ tích mỡ và đây chính là nguyên nhân dẫn đến thừa cân, béo phì.
Để bố mẹ tính được năng lượng chính xác nạp vào cơ thể mỗi trẻ là khá khó khăn. Tốt nhất, phụ huynh nên cân đối và tính chỉ số BMI (theo chiều cao, cân nặng) để biết được tình trạng của con đang ở mức nào, sau đó bổ sung năng lượng cho hợp lý.
Ngoài dinh dưỡng, ở độ tuổi này cần bổ sung canxi cho trẻ 1 đến 2 lần/năm, để đảm bảo xương chắc khỏe và phát triển chiều cao. Cùng với việc bổ sung canxi, dinh dưỡng thì tập luyện thể dục thể thao cũng có vai trò rất quan trọng.