Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách hướng tới giảm nghèo bền vững
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Các Chương trình mục tiêu Quốc gia, phát biểu tại hội nghị
Nguồn vốn tín dụng phát huy hiệu quả tại các vùng dân tộc thiểu số
Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Dương Quyết Thắng cho biết hiện nay, tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho NHCSXH thực hiện. Đến 31/8/2019, tổng nguồn vốn đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 63.052 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng so với 31/12/2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7%, với trên 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ.
Với gần 11.000 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc và gần 200.000 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 100% thôn, ấp, bản, làng, NHCSXH đã thực hiện vốn tín dụng chính sách đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho vay khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Trong giai đoạn 2016 đến 31/8/2019, đã có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt 221.693 tỷ đồng; góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775.000 lao động (trên 17.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); gần 200.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 108.000 căn nhà ở cho hộ nghèo.
“Có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân", theo ông Dương Quyết Thắng.
Chất lượng tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống NHCSXH tại thời điểm 31/8/2019 còn 0,75% (nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,33%).
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đánh giá, chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo sự thay đổi lớn cho bộ mặt vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn. Đây là một trong 4 trụ cột quan trọng để giảm nghèo (đất đai, sức lao động, trí lực và điều kiện hạ tầng kinh tế, tín dụng).
Đề cập đến định hướng tới đây, ông Nguyễn Lâm Thành cho rằng, cho vay dự án phát triển sản xuất theo chuỗi phải trở thành hệ thống chính sách; gắn cho vay với các hoạt động tổ chức sản xuất, tập huấn phải gắn với cầm tay chỉ việc; các mô hình liên kết cho vay tín dụng sản xuất phải đi theo hướng hỗn hợp gồm cả hộ giàu, hộ khá, hộ nghèo; có chính sách tín dụng phù hợp cho từng vùng, lưu ý đối với một số vùng khó khăn cần áp dụng chính sách tín dụng linh hoạt, tín dụng nhỏ; giảm hỗ trợ có điều kiện.
Tập trung thiết kế chính sách Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết: "Trong quá trình tổ chức thực hiện, đã có nhiều mô hình, sáng kiến giảm nghèo được hình thành và nhân rộng, nhiều gương điển hình vươn lên như tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo đã trở thành "điểm sáng" trong cả nước, điều đặc biệt là lại được hình thành mang tính "tiền phong, lan tỏa" ở với vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Ba Chẽ, Bình Liêu (Quảng Ninh), Con Cuông, Tân Kỳ (Nghệ An). Điều này chứng tỏ các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đã thực sự phát huy tác dụng, có hiệu quả, là điểm tựa để khơi dậy ý chí vươn lên của chính người nghèo, trong đó phải kể đến chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo trong những năm qua đã trở thành chính sách trụ cột trong hệ thống chính sách giảm nghèo Việt Nam".
Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã chuẩn bị kết thúc, từ nay đến 2020, phải tập trung vào việc đề xuất, thiết kế Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho giai đoạn 2021-2025, cũng như xây dựng các tiêu chí để xác định đối tượng hộ nghèo tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, theo hướng hạn chế các chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả, hỗ trợ tạo điều kiện để thoát nghèo bền vững, trong đó tín dụng ưu đãi là chính sách mang tính nền tảng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Ghi nhận hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân với công tác này; tập trung huy động nguồn lực và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả hơn tín dụng chính sách từ nay đến năm 2020 và giai đoạn 2021 – 2025; trong đó, tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội, phân biệt rõ ràng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, các hoạt động cho vay theo chính sách tài khóa này đều phải được cấp bù lãi suất, cấp chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội; Có cơ chế chính sách tiếp tục bố trí riêng danh mục vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cho Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Phó Thủ tướng đề nghị, năm 2020 và giai đoạn 2021 – 2025, tăng trưởng tín dụng hàng năm của Ngân hàng Chính sách xã hội tối thiểu phải đạt 10%, phấn đấu ở mức 12%. Mặt trận Tổ quốc mở rộng cuộc vận động "Vì người nghèo" để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng quản trị các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả, nâng cao hiệu quả công tác ủy thác với các tổ chức chính trị, xã hội, không để phát sinh nợ đọng, nợ khoanh mới.