Phát huy lợi thế, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn được thành lập từ năm 2016, đến nay đã thu hút được 542 thành viên tham gia. Với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp ổn định, bền vững có giá trị, Hợp tác xã đã duy trì và mở rộng thị trường sản xuất kinh doanh dịch vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của hợp tác xã là 230 ha, trong đó có 80 ha chuyên sản xuất cây rau màu các loại. Sau khi thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn đã phát huy hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn đã phát huy vai trò, vị trí quan trọng khi vừa hỗ trợ các thành viên tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vừa thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn có ngành nghề kinh doanh là dịch vụ giống cây trồng, vật tư nông nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật; dịch vụ sản xuất, sơ chế và tiêu thụ nông sản, thực phẩm; bán lẻ thực phẩm và các sản phẩm từ trứng, thịt, thủy sản; sơ chế và đóng gói thủy hải sản đông lạnh, thịt lợn, thịt gia cầm; dịch vụ vận tải du lịch; dịch vụ sản xuất, vận chuyển và cung ứng vật liệu xây dựng.
Căn cứ Luật Hợp tác xã năm 2012 và các chủ trương, chính sách về đổi mới, phát triển kinh tế thị trường cũng như thực tiễn tại địa phương, Hội đồng quản trị cùng cán bộ Hợp tác xã đã xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả phương án sản xuất, kinh doanh; phát huy tối đa những thuận lợi sẵn có, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo nhu cầu của thị trường; thực hiện liên kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện.
Cùng với đó, thành phố và huyện Chương Mỹ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, sơ chế Rau an toàn. Đây là điều kiện thuận lợi để Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn phát triển sản xuất rau an toàn với quy mô lớn.
Hàng năm, hợp tác xã triển khai sản xuất 2 vụ lúa chính, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh các giống lúa mới, biện pháp phòng, trừ sâu bệnh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân.
Để nhằm phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động kinh doanh dịch vụ và tập trung xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm rau an toàn cho hộ nông dân.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, sơ chế rau an toàn với quy mô lớn |
Nói về quy mô phát triển của hợp tác xã, ông Hoàng Văn Toàn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn cho biết: Với tiềm năng, lợi thế có vùng đất bãi ven phù hợp với trồng rau màu, thị trấn Chúc Sơn đã được UBND thành phố Hà Nội quy hoạch xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tập trung của Thành phố với diện tích 62,5ha.
Cụ thể, hợp tác xã đã kết nối được nhiều bếp ăn tập thể, các trường học để cung cấp rau an toàn giúp nông dân góp phần ổn định đầu ra trong sản xuất. Với sự quyết tâm xây dựng thượng hiệu cho vùng sản xuất rau an toàn thị trấn Chúc Sơn, năm 2017 hợp tác xã đã quy hoạch được 10ha trồng rau VietGAP để sản xuất những sản phẩm rau an toàn cung ra thị trường nhằm bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.
Cùng với đó, để đa dạng sản phẩm phục vụ khách hàng, hợp tác xã đã liên doanh liên kết với nhiều hợp tác xã trong cả nước và các công ty có uy tín để cung cấp những sản phẩm nông nghiệp an toàn, đảm bảo chất lượng phù hợp với thị trường người tiêu dùng trên địa bàn.
Mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh
Với mong muốn giúp cho người tiêu dùng trên địa bàn huyện Chương Mỹ được sử dụng các sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng có truy xuất nguồn gốc, năm 2018 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn đã mở Cửa hàng giới thiệu và phân phối các sản phẩm rau, củ, quả và thực phẩm an toàn tại khu vực chợ Chúc Sơn.
Hiện nay ngoài các sản phẩm chủ lực là rau, củ, quả an toàn được sản xuất tại địa phương và liên doanh liên kết sản xuất, Cửa hàng của Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn còn bán các sản phẩm như: Thủy hải sản các loại, thịt lợn sạch MeatDely, thịt bò nhập khẩu từ Mỹ, Úc và nhiều sản phẩm tiện ích khác được đóng gói trên dây chuyền hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phục vụ khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Những năm gần đây, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã của Thủ đô Hà Nội phát triển ổn định theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ. Tổ chức bộ máy, tư cách thành viên đảm bảo theo quy định của Luật, các hợp tác xã đã đảm bảo các dịch vụ cho các thành viên, hộ gia đình.
Nhiều hợp tác xã đã nêu cao tinh thần tự chủ, chủ động khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vào sản xuất; năng suất và hiệu quả được nâng lên.
Các mô hình hợp tác xã kiểu mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị sản phẩm ngày càng nhiều. Các hợp tác xã đã quan tâm tới các hoạt động liên kết thông qua việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý điều hành, xúc tiến thương mại; tham gia hội chợ, hội nghị giao thương. Nhiều hợp tác xã đã mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa các hợp tác xã nhằm đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường.
Đặc biệt, đối với hợp tác xã thôn, xã sau khi chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã 2012 có người đứng đầu đã có tư duy đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn xây dựng phương án tổ chức sản xuất và kinh doanh đáp ứng với cơ chế thị trường, có số lượng thành viên hợp tác xã với quy mô vừa (dưới 1000 thành viên); đa dạng dịch vụ hoạt động (tối đa 10-12 dịch vụ) phục vụ thành viên hợp tác xã và dịch vụ truyền thống cho nông dân toàn xã tại địa phương. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập thành viên; phát huy vai trò cộng đồng giúp nông dân trên địa bàn xã các dịch vụ truyền thống ổn định tổ chức sản xuất ổn định, phát triển kinh tế tại địa phương.