Phát huy thế mạnh của văn hóa Hà Nội
Ưu tiên thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa tại các tuyến phố, làng nghề
Triển khai Luật Thủ đô 2024 (khoản 8 Điều 21), Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa.
![]() |
Hà Nội ưu tiên thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa tại các tuyến phố, làng nghề |
Theo dự thảo Nghị quyết, khu phát triển thương mại và văn hóa được thành lập trên cơ sở khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động thương mại, văn hóa, du lịch tại khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống.
Về nguyên tắc thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý khu phát triển thương mại và văn hóa, dự thảo Nghị quyết nêu rõ, ưu tiên thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa tại các khu phố, tuyến phố, làng nghề, tuyến phố đi bộ, điểm dân cư nông thôn hiện hữu có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa.
Khu phát triển thương mại và văn hóa thành lập trên cơ sở tự nguyện, tự quản; bảo đảm sự đồng thuận của đa số đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hộ gia đình trong khu vực; đồng thời bảo đảm công khai, minh bạch. Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, cải thiện cảnh quan, môi trường của khu phát triển thương mại và văn hóa…
Hoạt động của khu phát triển thương mại và văn hóa gồm các hoạt động văn hóa, thương mại, du lịch, quản lý và vận hành khu phát triển thương mại và văn hóa cùng các hoạt động khác mà pháp luật không cấm.
Trong đó, hoạt động văn hóa gồm: Tổ chức các sự kiện, lễ hội, chương trình biểu diễn nghệ thuật, văn hóa truyền thống; xây dựng, phát triển các bảo tàng, nhà truyền thống, không gian trưng bày nghệ thuật; gìn giữ và phát huy các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, công trình văn hóa, công trình kiến trúc có giá trị, cảnh quan tiêu biểu, phong tục, tập quán tiêu biểu; hoạt động đào tạo, dạy nghề truyền thống; phát triển nguồn nhân lực nghề, văn hoá nghề.
Hoạt động thương mại gồm: Phát triển hệ thống cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại và các điểm kinh doanh gắn với đặc điểm văn hóa địa phương; tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại, quảng bá sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm từ các ngành, nghề truyền thống và đặc sản địa phương. Hoạt động du lịch gồm: Quảng bá, giới thiệu các hoạt động tham quan, du lịch tại khu phát triển thương mại và văn hóa đến du khách trong và ngoài nước; xây dựng và phát triển du lịch liên kết với các làng nghề, phố nghề và các điểm du lịch, khu du lịch khác.
Để có kinh phí hoạt động, khu phát triển thương mại và văn hóa được phép thu các khoản từ bán vé tham quan, biểu diễn nghệ thuật; hoạt động trông giữ phương tiện và dịch vụ khác; khoản đóng góp của cư dân, tổ chức, doanh nghiệp; các khoản chi của Nhà nước theo quy định và từ các nguồn hợp pháp khác.
![]() |
Việc thành lập các khu phát triển thương mại và văn hóa là giải pháp tối ưu nhằm huy động nguồn lực xã hội để bảo tồn và phát triển văn hoá Hà Nội |
Giải pháp tối ưu nhằm huy động nguồn lực xã hội
Với những quy định trên, Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thu hút đầu tư và định hướng phát triển cho các khu vực được xác định là có tiềm năng trở thành trung tâm thương mại sầm uất, đồng thời là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đa dạng.
Việc quy hoạch và phát triển các khu vực này được xem là một bước đi chiến lược nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh của Hà Nội trong khu vực và quốc tế, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo PGS.TS Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội), văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Vì vậy phải được bảo tồn, duy tu, quảng bá và phát triển. Và việc thành lập các khu phát triển thương mại và văn hóa là giải pháp tối ưu nhằm huy động nguồn lực xã hội để thực hiện mục tiêu này.
“Thời gian qua, Hà Nội đã và đang tập trung triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, giải pháp… nhằm quảng bá văn hóa cả ở trong nước và quốc tế. Việc thành lập các khu phát triển thương mại và văn hóa sẽ phát huy được lợi thế so sánh, tiềm năng, thế mạnh về văn hóa của Hà Nội. Nhờ vậy, Hà Nội sẽ có thêm nhiều thuận lợi để phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề. Hoạt động du lịch được tập trung hơn, không còn tản mạn, vừa góp phần quảng bá hình ảnh, vừa đem lại hiệu quả kinh tế. Từ đó góp phần phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy hoạt động thương mại bảo tồn các ngành, nghề truyền thống…”, PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.
Cũng theo PGS.TS Bùi Thị An, việc thành lập các khu phát triển thương mại và văn hóa là tốt, tuy nhiên, cần đảm bảo sự phát triển hài hòa. Trong nội dung dự thảo Nghị quyết đã đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự và bảo vệ môi trường. Chính quyền phải siết chặt quản lý; đồng thời các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt nhằm giữ gìn nét văn hóa đặc trưng, tránh thương mại hóa quá mức dẫn đến mất đi bản sắc vốn có…
Cùng đó, dự thảo Nghị quyết quy định rõ các khoản thu được sử dụng để bảo đảm chi trả cho việc quản lý, vận hành khu phát triển thương mại và văn hóa; cải tạo, chỉnh trang, bảo vệ cảnh quan và di sản văn hoá vật thể trong khu phát triển thương mại và văn hóa; bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh, trật tự trong khu phát triển thương mại và văn hóa; xây dựng, lắp đặt các các công trình mỹ thuật, công trình văn hoá phục vụ cho đời sống văn hoá của người dân...
Những quy định này sẽ giúp nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp và đảm bảo sự phát triển bền vững của khu phát triển thương mại và văn hóa trong tương lai.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Đan Phượng đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hội diều làng Bá Dương Nội”

Vinh danh Lễ hội Tổng Nam Phù

“Đọc sách - Điều bình thường mà vĩ đại" lan tỏa văn hóa đọc

Lợi ích to lớn cho phát triển kinh tế, văn hóa của Thủ đô

Đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tuyên truyền cổ động trọng tâm, thiết thực và hiệu quả

Kiến trúc đặc biệt chùa Bãi “Linh Châu tự”

Quân khu 7 tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật chào mừng đại lễ 30/4

Hà Nội và những nghị quyết đột phá
