Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với không gian di sản văn hóa vật thể, phi vật thể
Kiến nghị ban hành chính sách đặc thù khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn Xây dựng thương hiệu nông sản Việt vươn tầm thế giới Hướng tới sự hiểu biết chung về hệ thống lương thực bền vững |
Sáng 21/4, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 17/3/2021, của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" (Chương trình số 04) tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04 Nguyễn Thị Tuyến.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 Nguyễn Mạnh Quyền...
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội tham quan gian hàng sản phẩm thủ công |
Huy động được 46.778 tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Theo báo cáo, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình số 04, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của người nông dân đã đạt được những kết quả tích cực.
Đến năm 2022, đã có 23/33 chỉ tiêu vượt, hoàn thành hoặc bảo đảm lộ trình kế hoạch. Cụ thể, có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch; 10 chỉ tiêu đạt kế hoạch; 2 chỉ tiêu cơ bản hoàn thành kế hoạch; 3 chỉ tiêu dự kiến bảo đảm lộ trình kế hoạch.
Nổi bật, Hà Nội đã có 100% xã đạt chuẩn Nông thôn mới; 111 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 20 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; 15/18 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới…; Cơ cấu ngành chăn nuôi giai đoạn 2020-2025 có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng chăn nuôi lợn, tăng tỷ trọng chăn nuôi gia cầm và trâu bò...
Hà Nội đã huy động được 46.778 tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là một nguồn lực rất lớn giúp khu vực nông thôn hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại. Trong số 33 chỉ tiêu Chương trình số 04 đặt ra cho cả giai đoạn, theo lộ trình thực hiện năm 2022, còn 10 chỉ tiêu chưa hoàn thành.
Cụ thể, với chỉ tiêu thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Hà Nội, đến hết năm 2022 mới đạt 56,3 triệu đồng/người/năm (trong khi kế hoạch đề ra là 65 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới đạt 40% (kế hoạch 50%). Tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia mới đạt 66,8% (kế hoạch 79%). Hợp tác xã hoạt động hiệu quả đến năm 2022 đạt 55,35%…
Việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, đặc biệt là chế biến sâu; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị |
Tại hội nghị, các địa phương, đơn vị đã tham luận, chia sẻ kinh nghiệm hay trong thực hiện Chương trình số 04. Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, là vùng rau và hoa lớn của thành phố, Mê Linh đã hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang các giống chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu và xây dựng sản phẩm OCOP. Đặc biệt, những mô hình liên kết chuỗi đã mang lại hiệu quả cao.
Còn Hội Nông dân thành phố cũng đã vận động hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp an toàn, chống biến đổi khí hậu, hiến đất làm đường... ; Hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân và vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để có thêm nguồn vốn đầu tư cho sản xuất...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, nông nghiệp Thủ đô có sự khác biệt đối với các tỉnh khác. Đó là giá trị văn hóa, bản sắc lịch sử, những dấu ấn của địa danh Hà Nội trong sản phẩm... tưởng như vô hình nhưng lại có giá trị rất lớn làm nên thương hiệu, làm gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Hà Nội có thể hình thành các trung tâm nông nghiệp; Trung tâm đào tạo nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp và chuỗi ngành hàng; Phát triển các mô hình bất động sản nông nghiệp, vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi sinh sống cho người dân nội đô dịp cuối tuần; Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn bài bản hơn để khai thác tối đa các giá trị...
Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ thành phố đã tích cực triển khai 10 chương trình công tác lớn toàn khóa, trong đó có Chương trình số 04. Cùng với việc hoàn thành tốt, có chất lượng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ đến nay, còn một số hạn chế, tồn tại. Đó là, tình trạng sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phân tán, chưa bền vững; Sự phát triển của kết cấu hạ tầng gắn với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tại các địa phương có khoảng cách chênh lệch khá cao; Thu nhập của một bộ phận nông dân còn thấp; Văn hóa nông thôn và một số giá trị truyền thống có nguy cơ mai một...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các địa phương, đơn vị phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, để năm 2025, thành phố phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới; 100% huyện, xã đạt chuẩn Nông thôn mới; 20% huyện và 40% xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 20% xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị |
Nhấn mạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung tuyên truyền thực hiện chính sách “tam nông” trong giai đoạn hiện nay, đó là “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Cùng với việc xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; Có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo tiêu chí đô thị…, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với không gian di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; Bảo vệ các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc cao đẹp; Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nông thôn cần chú trọng phát triển hài hòa, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn; Xây dựng làng văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống; Quan tâm công tác bảo vệ môi trường nông thôn, an toàn thực phẩm...
Đồng chí Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phát biểu tại hội nghị |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái; Ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các địa bàn khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách trong xây dựng nông thôn mới giữa các địa phương, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí cũng đề nghị, các địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các cấp, các ngành, nhằm phát hiện mô hình mới, cách làm sáng tạo, để chỉ đạo phổ biến nhân rộng…
Đối với 5 huyện phát triển trở thành quận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị cần tập trung chỉ đạo, rà soát, tích hợp các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới theo tiêu chí đô thị; Tập trung phấn đấu có từ 80% xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trước khi trở thành quận...