Phát triển văn hóa đọc không chỉ là tặng sách cho trẻ
Quý Bắc Cầu mang sách đẹp đến cho các em nhỏ trường mầm non Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai; Ảnh: Quỹ Bắc Cầu |
Được truyền cảm hứng từ Hoàng thái hậu Nhật Bản Michiko, hai người bạn tri kỉ Katsu Megumi và Lê Thị Thu Hiền đã đồng sáng lập Quỹ Bắc Cầu năm 2018 và tổ chức Hội sách kết nối vào ngày 20/10 hàng năm, nhằm ngày sinh nhật Hoàn thái hậu Michiko - một người yêu sách và cống hiến nhiều cho việc chăm lo cho tâm hồn trẻ thơ qua những trang sách.
Báo cáo tại Hội sách kết nỗi năm 2022 cho thấy 5 năm qua, quỹ này đã lập 93 tủ sách cho trẻ em tại các bệnh viện nhi, trường học vùng khó khăn ở 36 tỉnh, thành trên toàn quốc, với hơn 46.000 cuốn sách sách tranh truyện trẻ em rất đẹp dịch từ những bộ sách Ehon nổi tiếng của Nhật Bản và những tuyển tập truyện đồng thoại do các tác giả Việt Nam viết, được trao giải trong cuộc thi viết truyện Đóa hoa đồng thoại hàng năm của chính quỹ này.
Quỹ Bắc Cầu không chỉ tặng sách cho trẻ như cách thông thường mà các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam đang thực hiện.
Tặng sách, đọc sách cho các em nhỏ đang điều trị tại Bệnh viện Huyết học truyền máu trung ương; Ảnh: Quỹ Bắc Cầu |
Họ còn tổ chức hàng trăm buổi đọc truyện miễn phí cho trẻ em; hướng dẫn phụ huynh, cô giáo chọn sách và đọc sách cho con em mình và tổ chức một cuộc thi viết truyện độc thoại cho đối tượng chính là trẻ em để nuôi dưỡng những mầm tài năng văn chương, và hơn hết là nuôi dưỡng những tâm hồn đẹp thông qua việc mở ra một thế giới rộng lớn của truyện đồng thoại.
Ngay cách thức tổ chức cuộc thi này cũng rất đáng học hỏi cho Việt Nam. Nếu các cuộc thi văn chương ở Việt Nam, kể cả cho thiếu nhi, chỉ tổ chức phát động, thu bài, chấm bài và trao thưởng, thì cuộc thi Đóa hoa đồng thoại còn tổ chức các buổi hướng dẫn cách viết cho các em với những bài tập viết tại chỗ, dưới sự hướng dẫn của những nhà văn thiếu nhi có tiếng của cả hai nước Việt Nam, Nhật Bản (qua trực tuyến).
Tại Hội sách kết nối năm 2022, Quỹ Bắc Cầu còn ra mắt Hội đồng sách cho thanh thiếu nhi Việt Nam. Hội đồng do nhà văn Lê Phương Liên làm chủ tịch, hoạt động theo 6 mục tiêu, gồm: - Mở ra cho các em thiếu nhi thế giới rộng lớn thông qua những trang sách. - Giúp trẻ em ở khắp mọi nơi có cơ hội được tiếp cận với những cuốn sách đặc sắc và chất lượng. - Khuyến khích việc xuất bản và phát hành sách có chất lượng cao dành cho trẻ em. - Tìm kiếm, hỗ trợ và đào tạo cho những tài năng trong lĩnh vực liên quan đến trẻ em nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng. - Khuyến khích các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực văn học thiếu nhi. - Bảo vệ và duy trì quyền trẻ em theo Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. |
Nhìn vào cách làm bài bản của những người bạn Nhật Bản này, có thể thấy việc chăm lo văn hóa đọc đang thành phong trào sôi nổi ở Việt Nam cần nhiều nỗ lực hơn ngoài việc đơn giản nhất mà chúng ta mới tạm làm được: tặng sách, mở thư viện.