“Phép màu” trong bức tâm thư phụ huynh gửi giáo viên
Mô hình “Ngôi nhà xanh” chống rác thải hữu hiệu của trường THCS Nguyễn Trãi |
"Trường học công dân xanh" tạo ý thức cho học sinh bảo vệ môi trường |
Khủng hoảng từ chuyện “bắt nạt học đường”
Theo lá thư của phụ huynh, sự giáo dục tận tâm, đầy yêu thương của các thầy cô đã tạo nên “phép màu” cho một học trò tưởng chừng không thể hòa nhập với bạn bè, mọi người.
Đầu thư, vị phụ huynh gửi lời cảm ơn chân thành đến cô Hiệu trưởng và các cô giáo lớp 9A3 vì đã đem lại một “phép nhiệm màu” cho học sinh và cả gia đình người học trò ấy. “Phép màu” ấy không phải là giúp một học sinh yếu kém trở thành người tài giỏi mà lại là mang học sinh ấy trở lại cuộc sống bình thường.
Học trò trường THCS Nguyễn Trãi trong giờ học ngoại khóa (Ảnh tư liệu) |
Chuyện bắt đầu từ khi cô học trò học lớp 5 chuyển sang một trường dân lập có tiếng ở Hà Nội. Là người tự tin, nhanh nhẹn và có tố chất, học sinh này giữ kết quả học tập tốt. Không may thay, trong lớp lại có hai đến ba bạn học sinh thường xuyên trêu chọc, dọa nạt, xa lánh, thậm chí là bắt nạt cô học trò này. Không biết cách xử lý và cũng không tâm sự với ai, học sinh này dần trở nên cô độc, khép kín và cho tới cuối năm lớp 6 thì không còn chơi với một người bạn nào.
Khi cha mẹ phát hiện ra con đã bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, không nói chuyện với ai và bắt đầu có những hành vi nổi loạn, bất thường. Tìm bác sĩ tâm lý, tâm sự với con, chuyển trường… mọi chuyện gia đình đều cố gắng làm nhưng tình hình không khá lên mà còn càng tệ đi.
Từ một cô bé học giỏi, con học kém dần, không chịu học bài, làm bài thi, không nói chuyện, chậm chạp dần, không còn hứng thú với mọi việc, gây rối ở trường lớp và cả ở nhà. Phải bảo lưu kết quả học tập năm lớp 9 và bị từ chối, quay lưng ở các trường khác, gia đình học sinh này may mắn tìm thấy hy vọng tại mái trường THCS Nguyễn Trãi, quận Ba Đình, Hà Nội.
Những “phép màu” giản dị
Sau khi chuyển tới trường THCS Nguyễn Trãi, chỉ chưa đầy thời gian ngắn, con đã có kết quả đáng ngạc nhiên. Kết quả kiểm tra đầu năm học toàn điểm liệt vì vẫn giữ thói quen không chịu làm bài kiểm tra, con dần có được điểm 7, 8 rồi điểm 10 đầu tiên.
Lá thư đầy xúc động của phụ huynh với ngập tràn những niềm hy vọng, phấn khởi, biết ơn và cả những giọt nước mắt khi khó khăn đã qua. Không những thế, vị phụ huynh này còn nhận ra cách thức giáo dục và định hướng con cái và quan tâm con nhiều hơn.
Hoạt động nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường luôn được Ban Giám hiệu trường chú trọng (Ảnh tư liệu) |
Cô giáo Lê Hoàn Châu (Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi) chia sẻ: “Để xóa bỏ vấn nạn bắt nạt học đường là một công việc thường xuyên, liên tục và lâu dài mà cán bộ, giáo viên nhà thường phải tâm huyết thực hiện. Ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục trực tiếp, nhà trường còn tổ chức các hoạt động tập thể, ngoại khóa để tăng cường sự gần gũi, đoàn kết, gắn bó trong học sinh. Đồng thời, Ban Giám hiệu xây dựng quy chế, quy định để phổ biến cho học sinh, đặc biệt nghiêm cấm các hành động bắt nạt, kì thị, bạo lực học đường”.
Giáo viên trường THCS Nguyễn Trãi luôn động viên, tạo môi trường thi đua lành mạnh cho các học sinh (Ảnh tư liệu) |
Không những thế, giáo viên trường THCS Nguyễn Trãi luôn gần gũi, yêu thương sẻ chia để nắm bắt tâm lý học sinh... Những lúc giảng dạy, thầy cô nghiêm khắc, nhưng ngoài giờ thì như những người anh, chị và làm bạn với học sinh. Từ đó, các giáo viên kịp thời phát hiện, giúp đỡ, xử lý các trường hợp đặc biệt. Đó cũng chính là công trình xây dựng trường học hạnh phúc, là quan tâm mọi mặt đến đời sống của mỗi học sinh.
Hoạt động "Đổi rác tái chế lấy quà" - một trong rất nhiều hoạt động ngoại khóa hữu ích của nhà trường (Ảnh tư liệu) |
Nói thêm về bức thư, cô Hoàn Châu cho biết: Công tác tham vấn học đường đã được Ban Giám hiệu nhà trường chú trọng và áp dụng thực tế một cách hiệu quả. Chính vì thế, không chỉ học sinh trong bức thư trên mà rất nhiều những học sinh khác đã hạnh phúc trong ngôi trường này.
“Phép màu” đến cho những bạn học sinh chán nản với trường học, với việc học tập; Thất vọng với bản thân vì chưa tìm được điểm mạnh của mình. “Phép màu” bằng những việc giản dị mà thầy cô làm đã cho các con nhận ra mình là ai, sứ mệnh, sở thích và thế mạnh của bản thân. Để từ đó, mỗi học sinh đều sống hạnh phúc, là người có ích cho xã hội.
Nguyên văn bức thư phụ huynh gửi nhà trường |
Nỗ lực dù những khó khăn vẫn còn đó Hằng ngày mang tâm huyết, tình cảm của mình để dạy học sinh kiến thức và lẽ sống biết yêu thương; Các cô giáo vẫn luôn phải đối diện với nhiều áp lực, khó khăn. Cũng theo cô Lê Hoàn Châu (Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi), yêu cầu về chất lượng giáo dục ngày càng cao tạo áp lực không nhỏ đối với giáo viên. Những cải cách, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục những năm gần đây đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực thay đổi, không ngừng học hỏi về nhiều mặt đặc biệt là công nghệ thông tin. “Giáo viên đến trường bây giờ không chỉ đơn thuần là giảng dạy kiến thức mà còn thực hiện rất nhiều các hoạt động giáo dục khác (xây dựng triển khai các hoạt động ngoại khóa văn nghệ, sân khấu hóa, thể dục thể thao, mĩ thuật, trải nghiệm STEM...) nhằm tạo ra những sân chơi trí tuệ hoặc giải trí bổ ích cho các con”, cô Châu cho biết. Đồng thời, vị thế trong mối quan hệ giữa phụ huynh với giáo viên, giáo viên với học sinh cũng khác nhiều so với thời kì trước đây, đòi hỏi thầy cô phải khéo léo trong cách ứng xử. |